Trần Mỹ Ngọc,22 tuổi, là cựu sinh viên Đại học Melbourne, trường top 1 Australia, hiện học thạc sĩ tại Đại học Oxford, Anh, trường top 1 thế giới. Ngọc từng là thực tập sinh cho tờ Herald Sun nổi tiếng của Australia, tham gia giảng dạy cho một số trung tâm và đại học ở Việt Nam. Từ kinh nghiệm bản thân, Ngọc chia sẻ những điều du học sinh không được quên khi làm thêm tại nước ngoài.

Luôn tìm kiếm

Mình biết nhiều bạn khi vừa ra nước ngoài du học thường rất muốn tìm ngay việc làm thêm. Khi có công việc đầu tiên, bạn rất vui và có xu hướng gắn bó lâu, trừ khi xảy ra vấn đề nghiêm trọng như bất hòa với cấp trên hoặc lương, thưởng không thỏa đáng.

Mình nghĩ trên phương diện của du học sinh, chúng ta cần nghĩ rằng điều tốt nhất có thể làm cho bản thân là luôn tìm kiếm những cơ hội tốt hơn. Vậy cơ hội tốt hơn là như thế nào?

Khi mới sang Australia, mình mới học hết lớp 11. Lúc đó, mình chỉ muốn tìm công việc kiếm ra tiền là được, hoàn toàn không có định hướng gì. Một số người Việt giới thiệu mình vào làm trong quán ăn vì đây là công việc phổ biến với du học sinh. Tuy nhiên, khi làm được một tháng, mình thấy công việc này chủ yếu giao tiếp bằng tiếng Việt và không tốt cho sinh viên học ngôn ngữ như mình.

Mình đã dành thời gian để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. Sau tầm nửa tháng, mình làm tại cửa hàng hamburger của một thương hiệu khá nổi tiếng. Từ đây, mình có nhiều cơ hội mới khi người quản lý giới thiệu mình sang làm ở quán cafe. Mình được học kỹ năng pha cafe miễn phí và giao tiếp với người bản xứ tốt hơn.

Dĩ nhiên, bạn không nên nghỉ việc mà không báo trước hoặc làm trong thời gian quá ngắn, chỉ vài ngày hoặc chưa đến một tháng. Nhưng mình tin rằng chúng ta luôn có lựa chọn tốt hơn, chỉ cần bạn tích cực tìm kiếm.

                     Mỹ Ngọc tại Đại học Oxford, Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sử dụng sự trợ giúp

Làm CV, tìm việc là vấn đề của mọi sinh viên và đa số gặp khó khăn. Với những bạn vừa du học, thay vì sửa CV quá nhiều lần mà không hiệu quả, các bạn nên sử dụng sự trợ giúp của những người xung quanh.

Mạng lưới mối quan hệ gọi là network. Mình không thể nói mỗi người có bao nhiêu mối quan hệ là đủ và những mối quan hệ đó có tác dụng gì, chỉ có thể nhấn mạnh network vô cùng quan trọng, đặc biệt với du học sinh.

Thay vì tìm kiếm trong vô vọng, bạn có thể tìm sự trợ giúp bằng cách hỏi han người quen, bạn bè, thậm chí thầy cô để được giới thiệu công việc phù hợp. Tất nhiên bạn cần giúp đỡ lại mọi người trong một hoàn cảnh khác, nhưng mình muốn nhấn mạnh việc chúng ta không thể biết được tiềm năng mà các mối quan hệ mang lại. Do đó, hãy bắt đầu bằng cách mở lời với mọi người.

Tự hỏi liệu công việc có ích hay không

Mình thấy nhiều du học sinh khi tìm việc chỉ để ý việc này lương cao, được nghỉ nhiều hay không. Nghĩ sâu xa hơn một chút, chúng ta nên tìm công việc lương cao và mang đến cho mình nhiều kỹ năng. Cuộc sống hiện đại đòi hỏi một người trở nên đa năng hơn.

Chẳng hạn, mình đã tham gia giảng dạy tại một số trung tâm, trường đại học và nhận thấy ngoài kỹ năng chuyên môn, giáo viên còn cần biết giao tiếp, đánh giá, thỏa thuận... Những điều này mình đã học được khi làm thêm tại cửa hàng hamburger. Hồi đó, mình muốn đổi lịch làm việc với đồng nghiệp để phù hợp với lịch học ở trường, mình phải thỏa thuận với sếp và những người làm cùng.

Lúc mới đến Australia, mình không nghĩ được nhiều như vậy. Nhưng từ năm 2 đại học, mình bắt đầu xây dựng chiến lược làm thêm, tự hỏi rằng công việc này có tốt cho bản thân hay không. Khi đó, mình đã ngưng làm thêm tại những quán ăn, chấp nhận dùng 3-4 tháng để thực tập cho một tờ báo Australia. Việc này giúp mình nâng cao kỹ năng viết, đó là yếu tốt then chốt trong hồ sơ du học thạc sĩ của mình sau này mà không hay biết.

Sau đó mình đăng ký đi tình nguyện cho một tổ chức giáo dục, dạy thêm ngoài giờ lên lớp cho học sinh cấp 3 có hoàn cảnh khó khăn. Khi bắt đầu, mình chỉ muốn lan tỏa kiến thức với các bạn, nhưng đến lúc kết thúc mình bắt đầu nhen nhóm mong muốn trở thành giáo viên.

Chúng ta không biết một công việc sẽ mang đến giá trị gì nên tốt nhất là thử nhiều việc, luôn tự hỏi mình đang nhận được gì từ việc này. Nếu công việc không còn hữu ích hoặc kỹ năng đã tốt rồi, bạn có thể chuyển sang công việc khác.

                    Mỹ Ngọc và bạn bè tại Đại học Oxford, Anh. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tự hỏi bản thân có tốt lên không

Thông thường, du học sinh làm thêm chỉ muốn có thu nhập bên cạnh việc học. Tuy nhiên, nhiều công việc lại khiến cuộc sống của bạn tồi tệ đi, thường xuyên stress dẫn đến việc học bị ảnh hưởng. Không chỉ vậy, nhiều bạn xích mích với cấp trên, đồng nghiệp khiến bản thân lúc nào cũng căng thẳng hơn bình thường mỗi khi đi làm. Mình tự hỏi tại sao chúng ta phải làm một việc mang đến sự tiêu cực như vậy, việc học chưa đủ áp lực hay sao?

Mình nghĩ khi đi làm, bạn luôn tự hỏi liệu công việc này có khiến cuộc sống tốt hơn không. Việc có thể căng thẳng, bận rộn nhưng không nên khiến bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Bạn luôn phải để ý đến chất lượng cuộc sống thì mới học tập và làm việc hiệu quả.

Quan tâm đến gia đình

Với nhiều du học sinh, du học gây ra áp lực tài chính vô cùng lớn đến gia đình. Nhiều bạn đi làm không chỉ để nuôi bản thân khi ở bên xứ người mà còn nuôi cả gia đình. Mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Tuy nhiên, làm nhiều, kiếm tiền sẽ khác việc chịu đựng, hy sinh và không học được gì. Mình tin rằng gia đình cho bạn du học là muốn bạn học, sau đó mới là đi làm để có thêm thu nhập.

Trong 5 năm du học, điều mình làm chưa tốt là giao tiếp với gia đình. Lý do một phần là khoảng cách địa lý tác động, nhưng phần lớn là mình chưa chủ động chia sẻ khó khăn với bố mẹ. Cuộc sống du học không dễ dàng, đặc biệt với những bạn trong độ tuổi 18-19. Các bạn nên trò chuyện với gia đình để được động viên, bố mẹ sẽ là chỗ dựa để khi có chuyện gì, các bạn vẫn có động lực bước tiếp, tìm kiếm công việc tốt hơn trong hành trình du học nhiều thử thách.

Theo vnexpress