Anh Trần Việt Hùng chia sẻ với các học viên du học Mỹ. Ảnh: Thanh Hằng
Chiều 7/7, tại Hà Nội, anh Trần Việt Hùng, cựu thành viên Ban điều hành quỹ học bổng Vietnam Education Foundation (VEF), đã chia sẻ với học viên du học Mỹ bậc thạc sĩ, tiến sĩ cách tận dụng cơ hội để thu được kết quả tốt nhất. Thời gian học thạc sĩ, tiến sĩ tại Mỹ chỉ kéo dài từ 1,5 đến 2 năm, ngắn hơn một nửa so với bậc cử nhân nên người học phải rất nhanh nhạy trong việc này.
Điều đầu tiên, theo anh Hùng, mỗi du học sinh cần cải thiện tiếng Anh. Có thể ở Việt Nam, kết quả thi IELTS, SAT... của bạn rất tốt, quá trình học cử nhân cũng đã cho bạn lượng kiến thức bổ ích, nhưng khi đặt chân tới Mỹ và ngồi học trên giảng đường thì sẽ là câu chuyện hoàn toàn khác. Nếu không chuẩn bị kỹ về tiếng Anh, du học sinh kể cả bậc thạc sĩ và tiến sĩ đều sẽ sốc.
"Tuần đầu tiên đến giảng đường, tôi cảm giác hoàn toàn bất lực, không thể nghe - hiểu được với tốc độ giảng bài của thầy. Ngay cả khi cần hỏi tôi cũng không biết làm thế nào để người ta có thể hiểu được", anh Hùng kể và cho hay mất gần một năm để theo kịp bài giảng trên lớp. Vì thế, việc có nền tảng tiếng Anh giao tiếp chắc chắn sẽ quyết định bạn có bị chật vật học tại Mỹ hay không.
Yếu tố thứ hai anh Hùng nhấn mạnh là chuẩn bị kỹ năng mềm. Khi ở Việt Nam, bên cạnh bạn có gia đình, bạn bè, những người luôn sẵn sàng hỗ trợ và giúp đỡ bạn. Nhưng khi ở Mỹ, bạn phải tự hoàn thành mọi việc, những kỹ năng mềm như nấu ăn là rất cần thiết.
Điều thứ ba rất quan trọng là bên cạnh việc học tập tại trường lớp, du học sinh cần chủ động học tất cả những gì có thể. Học viên có thể đăng ký học nhiều môn từ trường bên ngoài với mức học phí đa dạng, thậm chí miễn phí, chứ không gói gọn trong ngôi trường mình trúng tuyển. Ngay khi nhập học, học viên nên tìm hiểu quy định này của trường để có thể tận dụng.
Việc biết khai thác tài nguyên trong trường cũng giúp ích rất nhiều cho du học sinh trong việc cải thiện kết quả học tập. Các trường đại học có thể giúp sinh viên đăng ký những khóa học miễn phí tại trường hoặc các cơ sở giáo dục khác. Nhà trường có cơ sở vật chất như văn phòng, laptop cùng đội ngũ giáo sư, cố vấn để giúp đỡ sinh viên trong các bài tập nhóm. Thậm chí với du học sinh đã lập gia đình, một số trường sẽ có quỹ tài chính để hỗ trợ khi người học gặp khó khăn.
"Nhờ sự hỗ trợ của nhà trường về mặt thiết bị và cố vấn, tôi thành lập được một công ty ngay khi đang theo học sau đại học tại Mỹ. Năm 2012, chúng tôi giành quán quân một cuộc thi về kế hoạch kinh doanh tại Mỹ. Nhà trường đã cho chúng tôi 60.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) để làm vốn. Nhờ số tiền đó, tôi đã thuê được ekip kỹ sư ở Việt Nam để xây dựng công ty", anh Hùng kể.
Yếu tố thứ tư là xây dựng các mối quan hệ, tìm kiếm người giỏi đi trước để làm cố vấn cho mình. Việc xây dựng quan hệ cần thực hiện ngay từ ngày đầu khi có ý định du học Mỹ, bởi không phải bao giờ khi tiếp cận cố vấn và ngỏ lời muốn xin giúp đỡ thì họ cũng đồng ý. Anh Hùng cho rằng cần kiên trì, lịch sự và thể hiện rõ ràng mục tiêu của bạn để nhận được cái gật đầu của cố vấn.
Yếu tố cuối cùng anh Hùng nhấn mạnh là quá trình thực tập. Mỗi dịp hè, du học sinh thường muốn đi du lịch hoặc trở về Việt Nam. Tuy nhiên, nếu muốn có cơ hội ở lại Mỹ làm việc thì du học sinh Việt Nam nên dành thời gian nghỉ hè để nghiên cứu xem thị trường cần gì, khả năng của bản thân ra sao để bổ sung và cố gắng trong kỳ học sắp tới. Ngoài ra, mùa hè là thời gian lý tưởng để đăng ký thực tập tại các công ty, tập đoàn của Mỹ để tích lũy kiến thức, kỹ năng mềm.
Mỗi năm có khoảng 2.000 du học sinh Việt Nam tốt nghiệp các đại học ở Mỹ, tuy nhiên chỉ khoảng 500 người (25%) có thể ở lại sinh sống và làm việc. Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc và lâu dài, việc du học sinh tìm được một công việc tốt ở Mỹ gần như là không thể.
Anh Trần Việt Hùng là tiến sĩ ngành Khoa học máy tính tại Đại học Iowa, Mỹ; người sáng lập Got It - doanh nghiệp start up có ứng dụng về giáo dục nằm trong số 10 ứng dụng được tải nhiều nhất tại Mỹ; cựu thành viên Ban điều hành Quỹ học bổng Vietnam Education Foudation (VEF); cựu kỹ sư phát triển phầm mềm ở Vietkey - người đặt nền móng cho phiên bản Linux đầu tiên tại Việt Nam. |
Theo vnexpress