leftcenterrightdel
 Để có cơ hội việc làm và ở lại nước mình du học, du học sinh cần chuẩn bị không chỉ kiến thức mà còn nhiều kỹ năng mềm khác.

Cách để tạo ra cơ hội cao

Để có cơ hội ở lại một đất nước khác làm việc, du học sinh không chỉ phải có thành tích tốt, kỹ năng làm việc, nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng mà họ còn phải rèn luyện bản thân thích ứng nhanh với môi trường, văn hóa làm việc của doanh nghiệp đưa ra.

Không những vậy, người học trước khi xác định chọn ngành nghề mình theo đuổi cũng phải chú trọng tìm hiểu nhu cầu nguồn nhân lực, cơ hội tìm việc làm sau khi tốt nghiệp tại đất nước sở tại ra sao.

Bà Trần Phương Hoa - Giám đốc Tổ chức Giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội Tư vấn du học quốc tế cho biết: “Thông thường, những ngành đang khan hiếm nguồn nhân lực mà lực lượng lao động người dân bản địa chưa thể đáp ứng tốt hoặc không đủ thì cơ hội việc làm cho du học sinh nước ngoài rất lớn. Riêng đối với các ngành có yếu tố khoa học kỹ thuật (STEM), công nghệ thông tin, tài chính kế toán, khoa học dữ liệu, chăm sóc sức khỏe... có cơ hội cao hơn các ngành khác”.

Không những vậy, du học sinh khi xác định tìm việc ở nước ngoài cũng cần tìm hiểu các công ty mình dự định xin yêu cầu tuyển dụng của họ ra sao? Những chính sách, phúc lợi cho nhân sự nước ngoài được tuyển dụng như hỗ trợ nhà ở, làm visa, đăng ký lưu trú và chi phí đi lại…

Khi đã xác định được công ty mình mong muốn làm việc, bạn hãy cố gắng, nỗ lực để xin thực tập. Trong quá trình này, cần thể hiện thật tốt để tạo thiện cảm và tạo cơ hội cho bản thân để được quay lại làm việc toàn thời gian sau khi tốt nghiệp. Đồng thời, bạn cần tận dụng các mùa Hè để xin đi làm thực tập sinh nhằm tích lũy càng nhiều kinh nghiệm càng tốt.

“Nên bắt đầu từ mùa Hè năm nhất hoặc năm hai đại học thay vì chờ đến năm ba. Phương án, bạn không tìm được công ty cho thực tập, bạn có thể xin làm việc trong trường ở các vị trí như trợ giảng/trợ lý cho giáo sư hay bất kỳ công việc nào giúp tích lũy kỹ năng, kinh nghiệm, trau dồi năng lực ngôn ngữ, thường xuyên giao lưu với người bản ngữ để tăng cường kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, hiểu văn hóa đất nước đó...”, bà Trần Phương Hoa gợi ý.

Ngoài các điểm trên, ngay từ những năm đầu, du học sinh nên làm việc với văn phòng nhà trường để được tư vấn và hiểu rõ về chính sách lao động, pháp luật của nước sở tại nhằm tránh tình trạng sai sót về thủ tục dẫn đến không đủ điều kiện đi làm đúng hạn khi đã tìm được việc làm.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa ITN.

Hành trang không thể thiếu

Mỗi đất nước sẽ có văn hóa làm việc khác nhau. Do đó khi xác định ở lại nước ngoài lập nghiệp, du học sinh cần thích ứng với văn hóa làm việc của công ty để hoàn thành tốt công việc và mang lại cảm giác thoải mái cho bản thân.

Anh Nguyễn Thành Lợi, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Singapore (NUS), đang làm việc tại Viện Nghiên cứu và Kỹ thuật Vật liệu (Institute of Material Research and Engineering), Singapore cho biết: “Khi học bất cứ ngành gì cũng vậy, bạn cần có sự chủ động trong làm việc, học hỏi cũng như nghiên cứu độc lập, rèn luyện các kỹ năng mềm. Ví dụ, khả năng giao tiếp của bạn ở mức vừa phải nhưng kỹ năng viết lách và đọc phải trên mức tốt... Quá trình làm việc cần học tập thêm từ đồng nghiệp, cấp trên để tiến về phía trước, không bị bỏ lại phía sau”.

Hiện nay, tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công ty có xu hướng cắt giảm nhân sự, bạn cần phải luôn có tâm thế chuẩn bị cho tương lai xa hơn bằng việc tìm hiểu nghiên cứu thị trường ngành nghề, cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới trong quá trình làm việc.

Không những vậy, những người làm việc ở nước ngoài cần mở rộng quan hệ nhằm tìm được những người bạn, đồng nghiệp, người thầy tốt. Họ sẵn sàng ủng hộ bạn lúc ở đất khách quê người; giúp bạn có nhiều cơ hội việc làm, cơ hội thăng tiến hay các học bổng nhờ được giới thiệu hoặc tham khảo từ kinh nghiệm của họ.

Bên cạnh đó, khi bạn có quan hệ với các giáo sư trong trường, họ sẽ là người giới thiệu bạn đến những hội thảo khoa học, cuộc thi hoặc những vị trí phù hợp trong trường nếu bạn đủ năng lực.

Bà Trần Phương Hoa cũng lưu ý thêm: “Sinh viên cũng cần giao lưu, tham dự các sự kiện để làm quen, mở rộng các mối quan hệ với các giáo sư, cán bộ trong trường, các bạn đồng môn, cựu học sinh… để có các thông tin tốt về cơ hội việc làm và được giới thiệu, tiến cử điều này thường sẽ tăng cơ hội xin việc được lên đáng kể”.

Không những vậy, quá trình tìm kiếm việc làm thêm ngoài việc có chi phí để cải thiện cuộc sống, bạn nên ưu tiên lựa chọn những công việc làm thêm sát với yêu cầu ngành nghề của bản thân đang học nhằm tích luỹ kinh nghiệm, kỹ năng tăng cơ hội tìm kiếm việc làm sau này.

“Thống kê gần đây của Cục Hợp tác quốc tế - Bộ GD&ĐT cho thấy, năm học 2019 - 2020, Việt Nam có khoảng 190.000 sinh viên học tập ở nước ngoài. Các điểm đến phổ biến là các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Mỹ, Canada”.

Theo giaoducthoidai