Ba biện pháp mới
Tại Canada, chỉ những tổ chức giáo dục được chỉ định (DLI) mới được phép nhận sinh viên quốc tế, và thư mời nhập học từ DLI cũng là điều kiện cần để xin giấy phép du học. Song, thời gian qua ghi nhận không ít các công ty du học lừa sinh viên để nộp thư mời giả, trong khi các trường tư thì tuyển sinh ồ ạt vượt quá khả năng. Chưa kể, du học sinh đến Canada còn bị "kẹt" trong khủng hoảng nhà ở và đối mặt với nhiều rủi ro bị mất tiền oan.
Để hạn chế tình trạng trên và củng cố chương trình sinh viên quốc tế của Canada, ông Marc Miller, Bộ trưởng Bộ Di trú, người tị nạn và quốc tịch Canada (IRCC), hôm 27.10 công bố 3 biện pháp mới sẽ được chính phủ nước này áp dụng trong thời gian tới, với quy định đầu tiên có hiệu lực vào cuối năm nay.
Cụ thể, từ đầu tháng 12, tất cả DLI phải trực tiếp xác minh thư mời nhập học của mọi sinh viên quốc tế với IRCC, thay vì chỉ dừng ở bước gửi thư mời như trước. Trả lời trang ICEF Monitor, IRCC cho biết thêm việc xác minh sẽ được thực hiện trên cổng thông tin điện tử mới của IRCC. Sau khi các trường hoàn thành xác minh, IRCC mới bắt đầu đánh giá đơn xin giấy phép du học của ứng viên.
Ngoài ra, ông Miller cho biết sẽ xây dựng khuôn khổ mới với những tiêu chuẩn cao hơn nhằm đánh giá dịch vụ, sự hỗ trợ và kết quả đầu ra cho sinh viên quốc tế của các DLI. Những trường nào "được công nhận" trong khuôn khổ này sẽ nhận thêm "đặc quyền" từ IRCC, chẳng hạn như ưu tiên xử lý giấy phép du học cho ứng viên nộp vào trường.
Cuối cùng, trong những tháng tới, IRCC cũng đánh giá các tiêu chí của giấy phép làm việc sau khi tốt nghiệp, sau đó công bố những cải cách cần thiết để đạt được các mục tiêu nhập cư và giải quyết tình trạng thiếu lao động ở một số lĩnh vực tại Canada. Đây cũng là lần đầu tiên sau 10 năm chính phủ Canada xem xét lại loại giấy phép này, theo tờ CIC News.
"Canada sẽ tiếp tục cải thiện chương trình sinh viên quốc tế bằng cách bảo vệ người học và loại bỏ những người cố gắng lợi dụng họ. Và cho dù du học sinh ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp hay trở về nước, chúng tôi đều muốn trải nghiệm học tập ở Canada có lợi cho sự phát triển và nguyện vọng của họ", bộ trưởng Marc Miller nhấn mạnh.
Một quốc gia khác chung động thái
Trước Canada, thời gian qua Úc cũng liên tục siết quy định liên quan đến du học sinh, như tăng yêu cầu về chứng minh tài chính; loại bỏ hình thức học song song và thị thực Covid-19 nhằm chấm dứt tình trạng lợi dụng "vỏ bọc" du học để làm việc toàn thời gian; yêu cầu các trường cần có quy trình tuyển sinh minh bạch, tách biệt cơ chế vận hành giữa khâu quảng bá tuyển sinh và xét duyệt đầu vào.
"Trước đó, vào giai đoạn Covid-19, Úc đã có nhiều 'xê dịch' trong chính sách để đáp ứng nhu cầu của du học sinh. Song, sau khi tình hình bình ổn, việc cần làm là đưa các chính sách trở về chuẩn mực và thậm chí là tiến bộ hơn trước. Những thay đổi trên, vì thế, đều được thực hiện theo định hướng tích cực", thạc sĩ quản lý giáo dục Lù Thị Hồng Nhâm, Giám đốc Công ty tư vấn du học và dịch thuật Đức Anh, lý giải.
Theo bà Nhâm, các thay đổi trong chính sách thị thực của Úc cũng nhằm mục đích nâng cao chất lượng dân số, đồng thời giúp đảm bảo quyền lợi của công dân Úc hiện tại. Bên cạnh việc chấn chỉnh lại chất lượng học tập, Úc cũng yêu cầu các trường ĐH nước này mở rộng hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau cũng như với các trường nước ngoài, đơn cử như Việt Nam, nữ giám đốc nói thêm.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức giáo dục IDP, Úc và Canada là những điểm đến được du học sinh yêu thích nhờ sự thay đổi nhận thức về cơ hội việc làm lẫn quyền làm việc sau khi tốt nghiệp. Cụ thể, kết quả khảo sát hơn 10.000 người học cho thấy, Úc và Canada dẫn đầu về lựa chọn du học với tỷ lệ đều ở mức 25%. Những quốc gia xếp sau lần lượt là Anh (22%), Mỹ (19%) và New Zealand (4%).
Riêng tại Canada, giáo dục quốc tế chiếm hơn 22 tỉ CAD trong hoạt động kinh tế hằng năm, lớn hơn giá trị xuất khẩu phụ tùng ô tô, gỗ xẻ hoặc máy bay của nước này, đồng thời tạo ra hơn 200.000 việc làm. Canada cũng trên đà đón nhận khoảng 900.000 sinh viên quốc tế vào năm 2023 và Việt Nam nằm trong top 15 quốc gia đang có nhiều du học sinh tại Canada nhất.
Theo Thanh niên