|
|
Nhiều thanh niên Hàn Quốc chọn du học vì giảm niềm tin vào hệ thống giáo dục trong nước. |
Một trong những nguyên nhân thúc đẩy tình trạng trên là việc cạnh tranh khốc liệt vào các trường đại học trong nước.
Học sinh Hàn Quốc phải làm bài kiểm tra kéo dài 8 tiếng để giành suất vào top 3 trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc là Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei, gọi tắt là nhóm trường SKY. Việc trúng tuyển một trong ba trường này được cho là sẽ thay đổi cuộc sống của học sinh Hàn Quốc trong tương lai.
Ông Chris Dale, đồng sáng lập hệ thống giáo dục Queen’s College Seoul, chia sẻ: “Cơ chế tuyển sinh đại học khiến giáo dục Hàn Quốc giống hệ thống phân biệt đẳng cấp. Học ở đâu sẽ cho biết bạn làm việc cho ai, kết hôn với ai và bạn sẽ lái loại xe nào”.
Sự căng thẳng từ việc phải vào được 3 trường đại học tốp đầu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tự tử đang gia tăng nhanh chóng trong thanh niên Hàn Quốc. Tỉ lệ tự tử ở quốc gia này được cho là cao nhất trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), theo ông Dale.
Với nhu cầu du học tăng cao, Mỹ vẫn là điểm đến nhận được nhiều sự lựa chọn của du học sinh Hàn Quốc. Vào năm 2021 và 2022, số người đăng ký du học tại Mỹ lên đến hơn 40.000 người. Mục tiêu là các trường tốp đầu như khối trường Ivy League. Đáng chú ý, năm 2010 và 2011, số học sinh Hàn Quốc du học Mỹ đã chạm mốc 73.000 người. |
Niềm tin của người dân dành cho hệ thống giáo dục tại Hàn Quốc đang giảm và họ chỉ tin tưởng vào những trường đại học tốp đầu. Nhưng việc cạnh tranh vào những trường này là quá khó.
Vì vậy, đối với nhiều người, giáo dục quốc tế là phương án dự phòng cho trường hợp họ không thể thi đỗ vào những trường đại học thuộc top 3. Khi thí sinh không đạt được điểm số đủ để nộp đơn vào những trường đại học đó, họ sẽ tìm kiếm những con đường khác như du học hay thi A-level. Đây là chứng chỉ quốc tế giúp học sinh có thể vào được các trường đại học ở Anh.
Dựa theo xu hướng trên, khoảng hơn 300.000 người Hàn Quốc đã lựa chọn đi du học ở Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản cùng nhiều quốc gia khác.
Dù xu hướng du học đang lên cao, song các chuyên gia ghi nhận cơn sốt này khó có thể thay đổi hệ thống giáo dục Hàn Quốc, vốn đặt nặng thi cử. Nhiều phụ huynh cho con du học nếu trượt SKY nhưng số khác không làm vậy vì họ vẫn rất coi trọng các trường SKY.
Vì thế, thay vì du học, nhiều thanh niên Hàn Quốc lựa chọn ở lại đất nước và tham gia các khóa học liên kết nước ngoài. Do nhu cầu về giáo dục nước ngoài lớn tại Hàn Quốc nên số lượng cơ sở giáo dục toàn cầu cũng như nhiều trường quốc tế đang tăng mạnh tại nước này.
Vào năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư một tỷ USD để thành lập Cơ sở Toàn cầu Incheon. Đây là trung tâm giáo dục nhằm quốc tế hóa hệ thống giáo dục đại học Hàn Quốc, vừa để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong nước vừa nhằm mục đích thu hút nguồn sinh viên nước ngoài.
Theo giaoducthoidai