Mùa hè năm 2019, khi đang là sinh viên năm ba ngành Quốc tế học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trịnh Thị Thu Trang giành được học bổng tham gia chương trình thực tập nghiên cứu GRIESHMA, do Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IITM) tổ chức trong hai tháng. Theo bảng xếp hạng các trường đại học được Bộ Giáo dục Ấn Độ công bố đầu tháng 9, IITM, ở thành phố Chennai (tên gọi cũ là Madras), ba năm liên tiếp đứng vị trí số một.

Chuyến đi là cơ hội giúp Trang, hiện là sinh viên năm ba khoa Báo chí, có trải nghiệm khó quên về cuộc sống trong ký túc xá tại một trường đại học Ấn Độ.

Thu Trang tại lối vào ký túc xá Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IITM) năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thu Trang tại lối vào ký túc xá Học viện Công nghệ Ấn Độ Madras (IITM). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở Ấn Độ, ký túc xá dành cho sinh viên được gọi là hostel và tên của chúng được đặt theo các địa danh như con sông, dãy núi hay nhân vật có ảnh hưởng trong lịch sử đất nước. Tại IITM, hostel mang tên các con sông lớn của Ấn Độ như Ganga (sông Hằng), Brahmaputra (sông lớn thứ ba châu Á), Krishna, Narmada, Godavari...

Trang được sắp xếp vào ở hostel Sabarmati, một trong bốn hostel dành cho nữ, và cũng là ký túc xá mới nhất, ưu tiên cho sinh viên quốc tế cùng học viên cao học.

IITM là trường chuyên đào tạo các ngành khoa học kỹ thuật, vì thế, tỷ lệ sinh viên nam, nữ ở đây là 8:2. Trường có 16 hostel nam trong khi chỉ có bốn ký túc xá nữ.

Nhờ nằm ở vị trí đặc biệt trong Vườn quốc gia Guindy, các toà nhà tại IITM hầu như cao không quá 10 tầng. Hostel Sabarmati là một dãy nhà hình vòng cung cao 8 tầng, ở chính giữa là sân bóng ngoài trời và một khu vườn nhỏ.

Hostel có đầy đủ tiện ích như thang máy, cửa vào bằng vân tay, mạng wifi. Sảnh chính tầng một có bàn ghế để tiếp khách, báo giấy được cung cấp hàng ngày, máy bán nước tự động, nước lọc miễn phí, bàn chơi bóng đá, phòng tập gym, sân thể thao trong nhà, phòng ủi đồ, bảo vệ và trực sảnh 24/7.

"Các ký túc xá ở Ấn Độ luôn có phòng thờ cúng và cầu nguyện. Căn phòng nhỏ đặt cạnh sảnh tầng một là nơi sinh viên có thể đến cầu nguyện nhiều lần trong ngày hoặc thờ cúng thần linh vào các dịp lễ", Trang cho biết.

Phòng ở trong ký túc xá có hai loại: có nhà tắm và không nhà tắm. Nếu có, hai phòng sẽ chung một nhà tắm. Nếu không, sinh viên sẽ sử dụng các khu vệ sinh chung. Tầng nào cũng có 2-3 khu vệ sinh chung và trong mỗi khu lại có 5-6 nhà tắm, nhà vệ sinh riêng biệt.

Phía ngoài ký túc xá Sabarmati, nơi Thu Trang có hai tháng sống và học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Phía ngoài ký túc xá Sabarmati, nơi Thu Trang có hai tháng sống và học tập. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Mỗi sinh viên ở một phòng riêng được trang bị sẵn giường đơn, tủ quần áo, quạt trần, bàn học và giá sách. Khi Trang đến, phòng đã được chuẩn bị sẵn các vật dụng cần thiết như đệm, gối, khăn trải giường, chổi quét nhà, thùng rác, xô nước, dây phơi và kẹp quần áo.

"Khuôn viên trường có rất nhiều động vật sinh sống, đặc biệt là khỉ nên đôi lúc những con vật này có thể vào phòng. Mục đích của chúng chỉ là tìm kiếm đồ ăn nên thường không phá hoại đồ dùng hay sách vở", nữ sinh Hải Phòng kể.

Tuy nhiên hostel có quy định rất nghiêm ngặt nhằm tránh khỉ nhảy vào phòng vệ sinh chung. Nếu ai đó lỡ quên đóng cửa khu vệ sinh chung và để khỉ chạy vào, Ban quản lý ký túc xá sẽ khoá khu đó lại trong hai tuần. Muốn sử dụng nhà tắm hay nhà vệ sinh, sinh viên chỉ còn cách sang khu khác xa hơn. Ngoài ra, sau hai tuần mà việc quên đóng cửa và để khỉ vào vẫn xảy ra, sinh viên ở những phòng gần khu vệ sinh đó sẽ bị phạt theo quy định.

Trên tầng 7 của hostel là khu giặt và phơi đồ riêng. Hơn 10 máy giặt cùng lúc hoạt động và một sân phơi trong nhà trang bị sẵn những cây phơi quần
áo bằng sắt.

"Mọi người ở đây không dùng móc quần áo mà phơi trực tiếp lên các thanh sắt. Họ cũng tận dụng luôn cả lan can hành lang trước cửa phòng mình để phơi quần áo", Trang nhớ lại.

Trước khi sang Ấn Độ, Trang khá lo lắng về tình hình nước sinh hoạt. Thời điểm em sang đúng lúc thành phố Chennai trải qua một đợt nắng nóng kéo dài, các hồ chứa nước cạn kiệt, dẫn đến gây ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Dù vẫn có nước để dùng, nước trong phòng tắm của Trang đôi khi có màu vàng hoặc nâu. Muốn tắm, gội, Trang và các bạn phải đợi một lúc mới có nước sạch.

"Cuộc sống tại hostel khá dễ chịu và thoải mái. Là sinh viên quốc tế nên em được các cán bộ, sinh viên giúp đỡ nhiệt tình. Em cũng có cơ hội được tham dự ngày thành lập IITM và nhận quà nhân quốc khánh Ấn Độ", Trang chia sẻ.Cửa sổ phòng Trang có hai lớp để tránh khỉ nhảy vào phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cửa sổ phòng Trang có hai lớp để tránh khỉ nhảy vào phòng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo vnexpress