2025 là năm mà khóa học sinh (HS) đầu tiên của chương trình Giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp. Với đặc thù chương trình có nhiều điểm mới như HS phải chọn tổ hợp môn từ lớp 10 hay thi tốt nghiệp THPT với cấu trúc đề thay đổi, không chỉ trường ĐH trong nước mà một số trường nước ngoài cũng đang bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu để xác định phương thức tuyển sinh vào năm tới.

leftcenterrightdel
 Học sinh tham gia chương trình tư vấn của các trường nước ngoài

Chờ chốt phương án mới

Một đặc điểm của chương trình mới là học bạ không hiển thị điểm trung bình (GPA) cả năm như trước. Nên từ năm tới, trường có thể sẽ xem xét phương án hỗ trợ tính số điểm này, theo cô Tiffany Phạm, quản lý khu vực Việt Nam, Lào, Campuchia của ĐH Curtin (Úc).

Ngoài ra, vì học theo tổ hợp nên sẽ có HS không chọn học hóa, sinh hoặc ngược lại. Với các ngành như thiết kế, truyền thông, kinh doanh... đây không là vấn đề lớn. "Tuy nhiên, với các ngành đặc thù như kỹ sư, công nghệ hay các ngành liên quan đến khoa học tự nhiên, y tế, nếu bảng điểm không có những môn tiên quyết liên quan như hóa hoặc lý, HS sẽ không thể đáp ứng đủ điều kiện đầu vào. Trong trường hợp này, HS có thể đăng ký học trường CĐ trực thuộc trường để từ đó có thể liên thông lên bậc ĐH", cô Tiffany lưu ý.

"ĐH Curtin xét tuyển thẳng HS từ 93 trường chuyên, trường điểm tại VN dựa trên điểm trung bình lớp 12 và có những cách xét tuyển khác với các bạn trường nằm ở ngoài danh sách hoặc dùng điểm SAT/ACT. Dự kiến trước khi có kết quả học kỳ 1 hoặc sớm hơn nữa là vào tháng 10, trường sẽ công bố quy chế tuyển sinh chính thức với du HS từ năm 2025", cô Tiffany chia sẻ.

Nữ quản lý cũng nhận định, điều mà trường nước ngoài quan tâm nhất là nội dung giảng dạy từng môn học. Với chương trình cũ, trường đã nắm rõ giáo trình vì Bộ GD-ĐT đã đăng tải trên cổng thông tin. "Song, với chương trình mới, chúng tôi không rõ nội dung có thay đổi hay vẫn giữ nguyên và chỉ cắt giảm số môn để HS tập trung hơn. Tôi thì rất ủng hộ giảm môn, vừa giúp HS giảm gánh nặng vừa tiệm cận chương trình quốc tế như IB, A-level cũng đều chỉ dạy một số môn nhất định", cô Tiffany chia sẻ.

Để tạo điều kiện cho các trường ĐH nước ngoài hiểu chính xác và thống nhất về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của VN, cô Tiffany Phạm hy vọng Bộ GD-ĐT sẽ có bản tiếng Anh của giáo trình mới từ khi đăng tải, thay vì chỉ có mỗi tiếng Việt như chương trình cũ. "Ở ĐH Curtin, các khoa trong trường khi xét duyệt điều kiện đầu vào cũng yêu cầu bản tiếng Anh và chúng tôi buộc phải đem đi dịch thuật", cô Tiffany nói.

Đại diện tuyển sinh của một trường ĐH tại Anh cho hay ông cũng đang tìm hiểu về nội dung chương trình mới để báo cáo về trường. Tuy nhiên, người này nhận định quy chế tuyển sinh vào năm tới sẽ "rất khó thay đổi", bởi các môn vẫn được tính điểm như bình thường và nền giáo dục tại VN nhìn chung đang tạo được uy tín trên thế giới, thể hiện rõ nét qua thực tế các du HS Việt đều chăm chỉ và học giỏi trên giảng đường ĐH.

"Vì trường xét tuyển dựa vào điểm học bạ nên chúng tôi không quá quan trọng việc đề thi tốt nghiệp THPT có sự thay đổi. Quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện để các bạn có cơ hội tiếp cận nền giáo dục chuẩn quốc tế", ông nói thêm.

leftcenterrightdel
 Bảng điểm của một học sinh chương trình mới với tổ hợp không có môn hóa, sinh

Ông Thái Dũng Tâm, đại diện tuyển sinh khu vực Đông Nam Á của ĐH Vancouver Island (Canada), nhận định trường chưa có quy chế mới về việc tuyển sinh ở thị trường VN, một phần vì chương trình Giáo dục phổ thông 2018 còn "khá mới".

"Trường vẫn xét tuyển HS VN dựa trên GPA 3 năm THPT, tùy ngành sẽ xét thêm điểm môn tương ứng lớp 11 và 12, như học kinh doanh cần môn toán hay ngành sinh học cần môn sinh", ông Tâm lưu ý và cho biết thêm trường cũng cấp học bổng dựa trên thành tích học thuật, trong đó vẫn có yếu tố điểm học bạ.

Bà Lê Thị Thu Trang, đại diện tuyển sinh và tiếp thị tại VN của ĐH Bang Arkansas (Mỹ), nhận định cho đến thời điểm hiện tại, trường vẫn chưa ghi nhận thấy hồ sơ nào của ứng viên học chương trình giáo dục mới. "Song nếu thời gian tới có hồ sơ nào như thế, bộ phận tuyển sinh của trường sẽ phải họp lại để ra quyết định phù hợp", bà Trang chia sẻ.

HS nên cân nhắc chọn tổ hợp môn

Ông Vũ Thái An, Giám đốc Công ty du học GLINT, cho biết các trường ĐH đối tác của công ty ông và đại diện tuyển sinh của các trường tại VN cũng nhận thấy có điểm khác biệt của học bạ từ VN trong 2 năm trở lại đây, tức từ khi bắt đầu chương trình mới ở bậc THPT. Song, các trường đến nay không thông báo thay đổi hay cập nhật gì về quy chế tuyển sinh, và cũng không có trục trặc gì từ phía trường hoặc đại diện trường ở VN.

"Mỗi trường vẫn đang có những yêu cầu riêng biệt về học bạ và bảng điểm, song không có điều chỉnh gì riêng cho thị trường VN bởi sự cải cách hiện tại của nền giáo dục nước nhà. Bởi, khi đã xác định tuyển người nước ngoài, trường đã phải rất cân nhắc đến mọi biến động liên quan. Tất cả đều nằm trong quy chế của trường, thường gồm 4 yếu tố là yêu cầu tiếng Anh, tài chính, học thuật và học bổng", nam giám đốc nhận định.

"Nếu muốn ứng tuyển vào các trường ĐH hàng đầu thế giới, điểm các bài thi chuẩn hóa như SAT vẫn là lựa chọn mà HS thường nhắm đến để có thể làm đẹp hồ sơ, thay vì chỉ dựa vào mỗi điểm học bạ", ông An nói thêm.

Một điểm đáng lưu ý khác là giờ đây HS sẽ không còn tự do chọn ngành học như trước. Bởi, khi xét học bạ và thấy HS thiếu môn liên quan, trường sẽ yêu cầu các bạn phải bổ sung tín chỉ thông qua các chứng chỉ tương ứng.

"Riêng ở Mỹ, quy trình nộp đơn sẽ tự do hơn khi các bạn dù có hoặc không có môn liên quan vẫn được ứng tuyển. Khả năng trúng tuyển phụ thuộc vào việc bài luận, giải trình và bằng chứng có cho thấy HS đam mê ngành đăng ký thật sự hay không. Nhìn chung, để tránh phải đi "con đường khác", HS nên cân nhắc nhiều hơn vào việc chọn tổ hợp từ sớm", ông An khuyên.

Tương tự, tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, nêu quan điểm: "Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 rất tiệm cận chương trình giảng dạy của nước ngoài và hòa theo xu thế toàn cầu, khi tạo điều kiện cho HS xác định hướng đi một cách cụ thể từ sớm qua việc chọn tổ hợp môn từ lớp 10 hay tổ chức hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp chứ không phải đến lớp 12 mới hỏi HS muốn theo đuổi ngành gì. Song, điều này cũng yêu cầu giáo viên phải thực sự sâu sát và hiểu rõ học trò", tiến sĩ Thắng đặt vấn đề.

 Các nước sẽ đánh giá toàn diện HS qua nhiều yếu tố

Theo tiến sĩ Lê Bảo Thắng, việc chương trình giáo dục phổ thông thay đổi sẽ không ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh học bổng của HS VN. "Các trường ĐH, nhất là ở Mỹ, sẽ đánh giá toàn diện HS qua nhiều yếu tố như bài luận, hoạt động ngoại khóa chứ không chỉ dựa trên kết quả học tập. Thế nên, không phải học giỏi mới nhận học bổng mà quan trọng là bạn có tiềm năng hay không, và bạn thể hiện tiềm năng đó bằng cách nào", ông Thắng lưu ý.

Ông Thắng cũng cho rằng ở thời điểm hiện tại, các trường ĐH nước ngoài đang giữ ổn định quy chế tuyển sinh và không gặp khó khăn nào khi VN thay đổi chương trình giáo dục phổ thông, nhất là ở các quốc gia du học truyền thống như Mỹ, Canada, Anh và Úc. Tuy nhiên, nhiều nước đang chọn cắt giảm du HS sau thời gian "rộng cửa" như Canada, Úc, thế nên các bạn cần tìm hiểu kỹ trước khi chốt quốc gia du học, theo nam giám đốc.

Theo Thanh niên