Chuyến xe khách Cần Thơ - TPHCM dừng ở bến xe Miền Tây. Mấy anh xe ôm lao nhao chạy tới chào mời khách. Tôi ngoắt một anh cao gầy cạnh chiếc xe cũ đang đứng tuốt vòng ngoài. Cuốc xe từ bến xe Miền Tây về quận 7 khá dài, đủ cho anh xe ôm có cái tên thật buồn - Lê Hoài Hận - kể cho vị khách mới quen về cuộc đời mình.

Hoài Hận là tên do má anh khai sinh, tên ghi trên các loại giấy tờ, nhưng cũng là cái tên anh ghét nhất. “Tại cái tên này mà tui không xin được việc làm. Nộp hồ sơ vô, người ta im im trả lại, tui đeo theo hỏi thì họ nói: ông chủ công ty này ổng mê tín, không thích nhân viên có tên nghe không hên, anh thông cảm…”. Mấy lần như vậy, anh quyết định đem cái tên cúng cơm ra xài coi đời có khá hơn không, ai hỏi tên gì anh nói mình tên Bụi.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Vợ chồng anh Bụi đều sinh ra ở Sài Gòn. Mang tiếng dân thành phố, nhưng ba má đôi bên đều nghèo. Cưới nhau xong, vợ chồng dắt díu nhau ra thuê nhà trọ ở quận 8. Chồng chạy xe ôm, vợ bán bánh mì lề đường quanh khu vực bến xe, nuôi đứa con trai duy nhất năm nay học lớp Bốn.

Hằng ngày, anh Bụi ra khỏi nhà lúc 3g30 sáng để kịp tới bến đón những chuyến xe sớm - thường có nhiều người miền Tây lên TPHCM khám bệnh. Đó thường là những vị khách không có người nhà đón, do vậy họ hay đi xe ôm. Vợ anh là người đưa con đi học rồi mới dọn hàng. Chiều anh tranh thủ đón con, chở về nhà trọ rồi tiếp tục những cuốc xe đêm.

Trong năm học thì như vậy, rầu nhất là 3 tháng hè, thằng nhỏ được nghỉ học nhưng ba má nó đâu có được nghỉ. Thương con, sợ dắt theo mẹ đi bán ngoài đường nắng nôi nên hằng ngày bé được ba mẹ khóa cửa nhốt trong căn phòng trọ, mua sẵn đồ ăn, đưa cho cái điện thoại để ở nhà chơi, coi ti vi.

Tôi hỏi sao anh không cho con đi học hè, sinh hoạt hè với bạn bè cho vui, anh cười buồn nói: “Vợ chồng tui đi làm chỉ đủ tiền nhà trọ, tiền ăn uống, sinh hoạt, tiền đâu cho con đi học thêm. Bỏ nó một mình ở nhà, tui cũng nóng ruột, mở cửa thì sợ không an toàn, nên mỗi ngày đều gọi điện về hỏi thăm mấy lần. Có lần tui gọi hoài nó không nghe máy, nhờ bạn cùng dãy trọ qua kêu cũng không được, tui tức tốc chạy mười mấy cây số về thì thấy con nằm trong nhà, ti vi bật lớn đến mức đập cửa không nghe. Tui vừa giận, vừa thương con muốn khóc mà biết làm sao hơn…”.

Mỗi ngày, dù mệt, dù bệnh, dù nắng mưa gió bão, anh Bụi cũng dắt xe ra đường, không dám nghỉ. Anh nói ráng thêm một chút có tiền cho thằng nhỏ học thêm tiếng Anh ở nhà cô giáo.

Chia tay anh, tôi biếu anh thêm ít tiền, xin số điện thoại để khi nào cần đi xe thì gọi. Hình ảnh con trai anh - đứa trẻ 10 tuổi - với những ngày hè trôi qua sau khung cửa phòng trọ cứ vấn vương trong tâm trí. Mùa hè của những đứa trẻ thành phố con nhà khó khăn có lẽ còn buồn hơn mùa hè của con nít nghèo ở quê…

Theo phụ nữ TPHCM