Nói không ngoa, muốn dạy dỗ được con cái, cha mẹ phải hiểu biết, phải tinh khôn hơn chúng. Nếu cha mẹ hoặc vì lơ đãng hoặc vì quá tin con đến nỗi con nói dối thế nào cũng nghe theo thì sự sơ hở đó sẽ tạo điều kiện cho bọn trẻ hư hỏng lúc nào không biết. Công việc của người làm tư vấn tâm lý giúp tôi có điều kiện tiếp xúc với nhiều trường hợp cha mẹ bị con cái qua mặt dễ dàng, dẫn tới hậu quả đáng tiếc.

Khi trẻ con nói dối thành tật

Gia đình anh Hùng ở quận Ba Đình, Hà Nội, có cậu con trai học lớp Mười, Trường THPT Chu Văn An. Hằng ngày cháu vẫn được cha mẹ cho tiền quà sáng trước khi đi học. Đến trưa, cháu cũng về nhà đúng giờ như các bạn khác nên vợ chồng anh Hùng đều không ngờ rằng, cháu nói là đi học nhưng thực ra không đến trường mà đem tiền cha mẹ cho ăn sáng đi chơi game. Đến khi anh chị nhận được giấy mời đến gặp ban giám hiệu mới hay con mình đã trốn học cả tuần.

Gia đình ông Chuân ở khu tập thể Nam Đồng có cậu con út đã học đến năm cuối đại học. Ông là đại tá quân đội nghỉ hưu, rất quan tâm đến việc học hành của con nên tất cả những lần con xin tiền đóng học phí, ông đều sẵn sàng. Mãi đến khi sắp đến kỳ thi tốt nghiệp, thấy con cứ nằm dài ở nhà, ông mới tra hỏi. Thì ra con ông đã bị đuổi học từ nửa năm nay.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Ông đến phòng đào tạo của trường hỏi rõ ngọn nguồn mới biết, có hơn 20 môn học thì con ông nợ đến 17 môn. Không những thế, từ hơn nửa năm nay, con ông không đóng học phí, dù vẫn đem biên lai của trường về cho cha mẹ xem đầy đủ. Ông tức tốc về nhà đem những giấy tờ đó đến trường. Đó đều là những tờ biên lai giả.

Khó có thể kể hết những chiêu trò từ thô thiển đến tinh vi mà con cái đưa cha mẹ “vào tròng”. Có những em nhỏ mới học tiểu học đã biết lừa; càng lên các lớp trên, mánh khóe lừa càng tinh vi hơn. Thậm chí có trường hợp con cái lừa cha mẹ đến hàng chục triệu đồng để chơi bời hoang phí mà phụ huynh không hề hay biết. Cha mẹ mải lo kiếm tiền, ít dành thời gian sâu sát cùng con thì càng dễ bị con cho vào bẫy, đến khi biết ra thì hậu quả đã nghiêm trọng.

"Bé ăn trộm quả trứng, lớn ăn trộm con bò"

Kinh nghiệm cho thấy, ngay từ khi trẻ em mới học tiểu học, phát hiện thấy điều gì có dấu hiệu khả nghi, cha mẹ phải tìm hiểu đến ngọn nguồn để khẳng định con mình có nói dối hay không và có ngay những biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời. Tục ngữ có câu “Bé ăn trộm quả trứng, lớn ăn trộm con bò”. Nếu để việc nói dối của con cái lặp lại nhiều lần thành quen thì uốn nắn sẽ rất khó. Có những sự việc con nói dối, cha mẹ phải tương đối kỳ công mới phát hiện được chứ không chỉ hỏi mấy câu là biết ngay đâu.

Từ khi con còn ở tiểu học, cha mẹ đã phải xem thời khóa biểu để nắm được ngày hôm nay con học những môn gì, bài làm của con được điểm cao hay thấp… Không ít trường hợp cha mẹ đều là công nhân nhưng vẫn nắm vững hôm nay môn văn của con học đến bài gì, môn toán hôm qua được điểm mấy, bài tập nào về nhà chưa làm… Khi cha mẹ sát sao như thế, con cái khó lòng dối trá được.

Chỉ khi nào các em học bài, làm bài đầy đủ mới thích đến trường, mới yêu trường, yêu lớp, yêu thầy cô, bè bạn. Có thể nói, nguồn gốc của sự hư hỏng ở tuổi thiếu niên bắt đầu từ sự lười học, bị thầy cô giáo phạt đến chỗ ngại học, sợ học rồi trốn học, bỏ học đi theo kẻ xấu làm những điều dại dột.

Có những bậc cha mẹ thường xuyên kiểm tra cặp sách của con. Có người kiểm tra từng quyển vở xem hằng ngày con ghi chép được những gì; nhờ đó có thể sớm phát hiện con trốn học hoặc tìm thấy giấy mời phụ huynh đến gặp nhưng con giấu không đưa cho cha mẹ. Có khi còn thấy cả băng hình đồi trụy hoặc dấu vết con bắt đầu dính vào ma túy, cờ bạc, yêu đương buông thả. Có bậc cha mẹ thấy có dấu hiệu khả nghi còn bí mật đi theo con hoặc điện thoại hỏi cô giáo thường xuyên để biết con hay chơi với bạn bè nào, ở đâu. Đó là những công việc chẳng mấy hứng thú, nhưng phải làm thường xuyên, liên tục; đòi hỏi một sự kiên trì, chỉ những bậc cha mẹ rất mực yêu thương con mới làm được.

Cha mẹ cần đặc biệt chú ý khi con ở tỉnh xa ra thành phố học đại học. Một khi con đã thoát ly khỏi sự quản lý của gia đình, đi ở trọ, rơi vào môi trường phức tạp, rất dễ nhiễm thói hư tật xấu. Có những gia đình ở nông thôn tốn kém khoản tiền rất lớn, chắt chiu hàng mấy năm trời mới đủ cho con vào đại học. Nhưng sau khi con vào được trường rồi, cứ yên chí là con sẽ học hành đến nơi đến chốn, sinh ra buông lỏng quản lý; đến khi biết ra thì con đã bỏ học hoặc bị đuổi học từ lâu mà suốt mấy năm, cha mẹ vẫn gửi tiền từ quê ra đều đặn, tưởng là cho con ăn học nên người.

Có những sinh viên thấy cha mẹ có ý định liên hệ với nhà trường xem con học hành thế nào đã dùng mọi cách ngăn trở bằng những lý do hết sức ngớ ngẩn, nhưng cha mẹ lại tin là con nói thật. Có sinh viên chuyển chỗ trọ liên tục, cha mẹ không biết đằng nào mà lần. Thậm chí có bạn bỏ học từ lâu, đi kiếm sống bằng những nghề bất lương, cha mẹ cũng không hề hay biết.

Người viết bài này đã gặp nhiều bậc cha mẹ khốn khổ vì bị con lừa dối. Phải chăng việc nuôi dạy con nên người trong thời buổi kinh tế thị trường khó hơn trước đây? Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, với mỗi đứa con, cha hay mẹ phải dành ra ít nhất là nửa giờ mỗi ngày để trò chuyện, kiểm tra.

Theo sát con, thương con, tin tưởng con là cần thiết, nhưng nhất định không nên tin một cách mù quáng mà phải có kiểm soát. Đó mới là hành xử phù hợp của cha mẹ thông minh.

Theo phụ nữ TPHCM