Kiến trúc và mặt bằng kiến trúc cung điện thời Lý được phục dựng - ẢNH: VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH
Đấu củng sơn son giúp tái hiện bộ mái thời Lý
PGS-TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh thành (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam), nhấn nút thì một đoạn phim về kiến trúc Hoàng thành Thăng Long (HTTL) tại các khu khảo cổ A, B, C, D, E ở 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) hiện ra. Từ những móng trụ, hố sỏi, chân tảng xám, những cột gỗ mọc lên, tiếp theo là thân kiến trúc với những khung cửa và sau cùng, bộ mái xuất hiện. Từ hố khai quật, dấu tích khảo cổ biến thành cung điện lộng lẫy.
Bộ mái cung điện nhà Lý được phục dựng - ẢNH: VIỆN NGHIÊN CỨU KINH THÀNH
“Đó là toàn bộ mặt bằng kiến trúc thời Lý tại các hố khai quật 18 Hoàng Diệu. Đây là một phần kết quả nghiên cứu HTTL sau 10 năm của Viện Nghiên cứu kinh thành”, ông Trí chia sẻ.
PGS-TS Trí đã bắt đầu việc khai quật khảo cổ học ở HTTL từ 2002 tới nay. Giai đoạn 2002 - 2004, tại các khu từ A-E phát lộ quần thể kiến trúc lớn. Nhưng hình thái kiến trúc cung điện thời Lý vẫn là điều bí ẩn, chưa có đủ cơ sở để nhận diện như kiến trúc Cố Cung - Bắc Kinh (Trung Quốc), Changdeokgung - Seoul (Hàn Quốc) hay Nara (Nhật Bản).
“10 năm sau danh hiệu của UNESCO, công chúng vẫn không thể tưởng tượng được hình thái cung điện nhà Lý ra sao. Làm sao để giải mã, để vẽ được hình thái đó là mong muốn của Viện Nghiên cứu kinh thành”, ông Trí cho biết.
Nhưng những dấu tích còn lại của thời Lý chỉ còn nền móng. “Chúng ta chỉ tìm thấy nền móng, phần giữa và mái không còn tồn tại. Các móng trụ sỏi còn lại cho thấy nền móng, cũng cho thấy dấu tích HTTL là kiến trúc cung điện và kiến trúc gỗ”, ông Trí nói.
Về bộ mái, theo ông Trí, khai quật ở HTTL đã tìm thấy lượng lớn ngói đất nung đỏ tươi. Chúng cho thấy kiến trúc thời Lý có mái ngói với vật liệu kiến trúc trang trí. Năm 2006, việc nghiên cứu chức năng các loại ngói trên mái cung điện bắt đầu. “Chúng tôi quyết định nghiên cứu so sánh với các nước ở châu Á. Qua đó để tìm ra hình thái mái cung điện. Chúng tôi nghiên cứu Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, cố đô Huế để so sánh từng vấn đề nhỏ”.
Việc nghiên cứu so sánh cùng với những dấu tích đấu củng (một loại kết cấu đỡ mái có nguồn gốc Trung Quốc) sơn son tìm thấy khiến bộ mái rõ dần lên. Viện Nghiên cứu kinh thành cũng tìm tiếp ra được những mô tả về đấu củng sơn son đỏ tươi, cột vẽ long hạc. Từ đó, họ giải mã hình thái bộ khung giá đỡ mái. “Tìm thấy kiến trúc đấu củng là việc quan trọng cho phép tái hiện bộ mái thời Lý”, ông Trí nói. Ông cũng đã có báo cáo khoa học việc này tại hội thảo nhân 10 năm HTTL trở thành di sản thế giới.
Dấu ấn cung điện nguy nga, tráng lệ
Theo ông Trí, các chân tảng cũng cho phép ông tính toán đường kính các cột. Theo đó, các cột nhỏ cũng có đường kính tới 45 cm, cột lớn đường kính 50 cm, thậm chí có cột đường kính tới 80 cm. “Năm 2014, Viện Nghiên cứu kinh thành còn tái khai quật mặt bằng nghiên cứu. Sau đó, chúng tôi có kết luận về dấu tích cột âm. Từ đây ta biết trong công trình kiến trúc Lý có cột âm bên cạnh dương”, ông Trí nhớ lại.
Kiến trúc thời Lý được phục dựng
Các dấu vết mặt bằng còn giúp các nhà nghiên cứu ở viện tìm ra 2 kiến trúc ở khu vực khảo cổ khu A-E ở 18 Hoàng Diệu. Theo đó, có một kiến trúc lục giác và một kiến trúc bát giác nhiều tầng tại đây. Cả hai đều nằm trên trục trung tâm của khu vực.
Với kiến trúc bát giác, thoạt đầu ông Trí khá băn khoăn về việc đó là kiến trúc 3 hay 5 tầng. Kiến trúc này có một cột lớn ở chính giữa, gọi là kiến trúc có cột trung tâm. “Cột chính lớn này chứng minh nó là công trình rất lớn, nhiều hơn 3 tầng. Tại Nhật Bản cũng có kiến trúc như vậy, cột ở giữa có tác dụng để công trình vững chãi trước động đất. Họ cũng có cột dương và cột chôn. Loại cột ở HTTL là cột dương”, ông Trí lý giải. Kiến trúc gỗ bát giác này, theo ông Trí, có thể so với kiến trúc Tháp Thích Ca nổi tiếng của Trung Quốc thời Tống ở phía nam.
Dấu tích khảo cổ học
Cũng dựa trên các dấu tích, các nhà nghiên cứu còn vẽ ra 2 dãy lầu với 26 kiến trúc lục giác đặt cạnh nhau. “Hiện tại chúng tôi chưa biết những dãy lầu này được sử dụng làm gì. Trong sử có nói đến từ trà đình, vì thế cũng có phỏng đoán là lầu uống trà. Tuy nhiên, ở đây lại có nhiều quá, vì thế, chúng tôi nghĩ có thể đây là kiến trúc liên quan đến nghi lễ trong hoàng cung. Có phỏng đoán lại cho rằng đấy chỉ là cách tổ chức phong cảnh. Điều này có lẽ cần nghiên cứu thêm”, ông Trí nói.
Chi tiết kiến trúc thời Lý ghép nên bộ mái
Theo dự kiến, Viện Nghiên cứu kinh thành sẽ đẩy mạnh nghiên cứu so sánh, giải mã sâu hơn về chức năng, kỹ thuật lợp của các loại ngói khai quật được tại khu di tích HTTL. Trên cơ sở đó sẽ tiến hành phục dựng hình thái bộ mái của kiến trúc thời Đại La, thời Đinh - Tiền Lê, thời Trần, đặc biệt là hình thái bộ mái kiến trúc điện Kính Thiên - tòa chính điện trong Cấm thành Thăng Long thời Lê sơ (thế kỷ 15).
PGS-TS Nguyễn Văn Kim, Phó chủ tịch Hội đồng di sản quốc gia, cũng rất vui với kết quả nghiên cứu này. Ông đánh giá cao việc đã có những nghiên cứu so sánh để đưa ra cách dựng lại hình thái cung điện xưa.
Về phần mình, PGS-TS Bùi Minh Trí chia sẻ điều làm ông ấn tượng nhất ở hình thái cung điện thời Lý chính là những dấu ấn vương quyền, thần quyền trên trang trí kiến trúc. Nó cho thấy vẻ đẹp riêng, sắc thái riêng, “hơi thở” của nhà Lý, kết tinh bản sắc dân tộc mà vẫn hòa với nghệ thuật điêu khắc Chăm Pa và vẫn thoát ra được ngàn năm Bắc thuộc. “Từ đây, chúng ta có thể tự hào nói rằng, HTTL thời Lý vốn từng được xây dựng rất nguy nga, tráng lệ và có nhiều công trình kiến trúc gỗ to lớn, hoành tráng không thua kém so với các kiến trúc cung điện nổi tiếng ở châu Á”, PGS-TS Trí không giấu tự hào nói.
Tái hiện rồng vàng thời Lý Một đoạn phim khác thể hiện rồng vàng thời Lý cũng vừa được ông Trí và các nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu kinh thành thực hiện. Theo đó, rồng thời Lý được thể hiện với những đặc điểm trên nhiều hiện vật khảo cổ học tìm thấy kết hợp với huyền thoại lịch sử. Hình ảnh sau đó được trình chiếu bằng công nghệ 3D và Mapping, phản ánh về sự tiếp nối truyền thống của trung tâm quyền lực trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đưa lại cảm xúc tự hào về kinh đô Thăng Long - kinh đô rồng bay. Sau cùng, hình ảnh này hiện được sử dụng để kết nối không gian giữa hai tầng hầm trưng bày khảo cổ học ở nhà Quốc hội. Trước đó, trưng bày khảo cổ học dưới hầm Nhà Quốc hội do Viện Nghiên cứu kinh thành thực hiện, đã được CLB Nhà báo khoa học - công nghệ VN (Hội Nhà báo VN) bình chọn là sự kiện khoa học - công nghệ nổi bật của năm 2017. Hội đồng nghiệm thu của Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN cũng đánh giá đây là một bảo tàng nằm trong top đầu của châu Á. |
Theo thanhnien