Chương trình Người ấy là ai
Có thể kể tên nhiều chương trình mà đơn vị tổ chức là "bà mai" cho người tham gia: Bạn muốn hẹn hò, Lựa chọn của trái tim, Khúc hát se duyên, Vì yêu mà đến, Yêu là chọn, Giai điệu chung đôi, Cho phép được yêu, Nhà chung, Đại chiến kén rể, Thứ sáu để yêu, Đại tiệc FA, Người ấy là ai, Từ lạ thành thương...
Các game show này có thật sự được mở ra để se duyên cho các cặp đôi?
"Diễn xuất" át chân tình
Từ ngày 14-6, VTV3 phát sóng game show Hành lý tình yêu, bổ sung cho loạt game show hẹn hò trên sóng truyền hình.
Trong tập 1 của chương trình, anh hành khách số 1 khiến khán giả bất ngờ bởi những lời nói "hơi gây sốc": "Anh chăm em như một con heo vàng nhé. Anh dám chắc với em một điều sau khi chương trình này kết thúc, anh sẽ bưng em về nhà". Nhân vật làm nghề diễn viên tự do nên có khả năng "diễn sâu".
Với những chương trình hẹn hò khác, chuyện diễn sâu, thậm chí diễn "lố" của các thí sinh cũng không phải là hiếm. Có vẻ một số thí sinh tham gia chương trình để tìm cơ hội đứng trên sân khấu thể hiện khả năng diễn xuất.
Thậm chí có thí sinh L.T.N. tham gia từ chương trình hẹn hò này đến chương trình hẹn hò khác và mới đây nhất lại là cuộc thi diễn xuất Gương mặt điện ảnh...
Dễ thấy các chương trình hẹn hò hiện nay đang cố gắng đáp ứng thị hiếu "ngắm" (dàn thí sinh cả nam lẫn nữ phải đẹp), thị hiếu "nghe" (những ngôn tình được học thuộc), và sự "tò mò" của khán giả về cái kết của chương trình.
Một số chương trình cho thấy người phụ nữ có vẻ "lép vế" trong hành trình đi tìm một nửa. Như trong Tình yêu hoàn mỹ, các bạn nữ thể hiện tình cảm với một trong 10 "soái ca" của chương trình. Các cô gái đứng nói những lời lãng mạn trong khi chàng trai ngồi ghế chễm chệ. Thỉnh thoảng lại thấy đôi mắt các cô gái ngấn lệ, thậm chí nước mắt rơi lã chã.
Chương trình The Bachelor
Hoặc như với Từ lạ thành thương, nhiều khán giả tự hỏi có phải đây là chương trình se duyên không hay chương trình quảng bá cho du lịch Hàn Quốc?
Tuy nhiên, cũng có chương trình duy trì được sự yêu mến của khán giả như chia sẻ của chị Liên (Q.1, TP.HCM): "Bạn muốn hẹn hò khá thú vị vì đã tạo cho mọi người có cơ hội tìm kiếm một nửa của đời mình".
Đây là chương trình hẹn hò có tuổi thọ lâu đến 7 năm, mai mối cho hơn 2.400 người độc thân, gần 1.000 cặp bấm nút hẹn hò ngay trên sân khấu, nhiều cặp đôi đã tiến đến hôn nhân. Chương trình này vẫn phát sóng hai tập/tuần trên kênh HTV7.
Mới đây, kênh YouTube Bạn muốn hẹn hò đã đạt con số 1 triệu lượt đăng ký, trở thành sô hẹn hò đầu tiên của Việt Nam đạt nút vàng YouTube. Dù vậy, kênh này đã không ít lần giật tít câu view khiến người xem bức xúc.
Người ấy là ai hiện đang trở thành chương trình hẹn hò "hot" nhất trên sóng truyền hình. Mới phát sóng được 6 tập nhưng tập nào của mùa ba cũng lọt vào top tìm kiếm nhiều nhất trên YouTube. Mỗi tập đạt đến mấy triệu lượt view, hàng ngàn lời bình luận.
Thậm chí tập 1 đạt đến con số 12 triệu lượt người xem. Ưu điểm của chương trình, như ý kiến của bạn Hiếu - học sinh cấp III một trường ở Q.Tân Bình (TP.HCM) là "chương trình hiếm hoi đề cập đến cộng đồng LGBT một cách văn minh".
Tuy nhiên, không ít khán giả bày tỏ sự ngao ngán bởi thời lượng của mỗi tập dài đến 2 tiếng, các nghệ sĩ đua nhau nói, đua nhau đưa ra những lời khuyên cho người chơi... Trong số đó, có những lời khuyên khá sáo rỗng.
Hẹn hò xứ người: nở rộ sau mùa dịch bệnh
Theo Parade, tính đến tháng 5 năm nay, số lượt người xem chương trình hẹn hò tại Mỹ tăng 23% so với tháng 12-2019. Sự gia tăng được đánh giá là đột biến, một phần nhờ người dân ở nhà nhiều do COVID-19.
Nói không ngoa, nếu chỉ nhìn trên truyền hình, như thể cả xã hội đổ xô đi tìm tình yêu. Variety viết: "Trên TV, tình yêu ở khắp mọi nơi".
Cũng theo Variety, chương trình hẹn hò luôn là một "khoái cảm tội lỗi" của người xem. Họ vừa muốn làm khán giả, đứng ngoài cuộc bình phẩm về những cuộc yêu đương kịch tính, giằng xé trên màn ảnh, vừa kín đáo liên hệ với chính bản thân mình trong tình yêu.
Từ thập niên 1960, chương trình hẹn hò đã thu hút khán giả ở Mỹ với những sô nổi tiếng như The Dating Game (Trò chơi hẹn hò) và The Newlywed Game (Trò chơi mới cưới). Đến nay, năm 2020, các chương trình hẹn hò ngày càng nở rộ với muôn vàn ý tưởng mới để câu kéo khán giả.
Chương trình Labor of Love
Nổi bật nhất là The Bachelor (Anh chàng độc thân), ra đời năm 2002, năm nay đang chiếu mùa thứ 24. Chương trình thành công đến nỗi kéo theo The Bachelorette (Cô nàng độc thân) với 15 mùa và Bachelor in Paradise (Độc thân ở thiên đường) với 6 mùa.
Vừa qua, khán giả kêu gọi chương trình tuyển nam chính và nữ chính da màu để tăng tính đa dạng chủng tộc.
Tại Mỹ, mùa hè này có 3 chương trình trải nghiệm thực tế gây chú ý là The Circle (Vòng tròn tình yêu), Love Is Blind (Tình yêu mù quáng) và Too Hot to Handle (Nóng bỏng không thể chối từ). Trong vòng 2 tháng, các chương trình này đã hút 20 triệu lượt xem.
Gần đây, các chương trình như Love Island (Đảo tình yêu), Flirty Dancing (Vũ điệu quyến rũ) hay Labor of Love (Lao động vì tình yêu)... cố gắng đào sâu vào những định dạng mới lạ để làm mới tình yêu trong mắt công chúng.
Labor of Love có nữ chính là mẹ đơn thân trên 40 tuổi đang tìm kiếm người đàn ông phù hợp để làm cha của con mình. Theo Washington Post, chương trình giúp phá vỡ những khuôn mẫu về các sô hẹn hò và thực sự quan tâm đến nhóm phụ nữ trên 40 tuổi.
Cũng trong thời COVID-19 tại Anh, nhà sản xuất ứng dụng Bumble thấy lượng cuộc gọi video tăng 45%, mỗi cuộc gọi trung bình dài 21 phút. Từ đó, họ nghĩ ra chương trình Virtual Dating Dial In (Quay số hẹn hò ảo).
Chương trình diễn ra qua Instagram Live và người dẫn sẽ tư vấn cho khán giả các bí quyết hẹn hò qua mạng khi đang phải hạn chế tiếp xúc xã hội.
Khán giả Minh Dương (Hóc Môn, TP.HCM) nhận xét: "Tôi có người bạn tham gia chương trình Bạn muốn hẹn hò, chọn được người hò hẹn nhưng sau quá trình tìm hiểu thì chia tay vì không hợp nên tôi hiểu đây là bước đầu cho cuộc tìm hiểu mà thôi. Nhưng dù chỉ là bước khởi đầu cũng phải có sự chân tình. Gần đây tôi không xem các chương trình kiểu hẹn hò nữa vì thấy các nhân vật diễn quá, thiếu đi cảm xúc chân thành của một game show hẹn hò đúng nghĩa". |
Theo tuoitre