leftcenterrightdel
 

Peer pressure (áp lực đồng trang lứa) là việc một cá nhân bị tác động bởi sức ảnh hưởng của những người thuộc cùng nhóm xã hội và phải thay đổi để phù hợp với các chuẩn mực của nhóm.

Thông thường, “đồng trang lứa” thường được cho là bạn bè, nhưng cũng có thể là bất kỳ ai bằng tuổi, cùng lớp, cùng công ty, cùng lĩnh vực chuyên môn hoặc cùng địa vị xã hội, theo VeryWell Mind.

Trong thời đại số với sự phát triển mạnh mẽ của Internet, peer pressure dường như càng nặng nề hơn, đặc biệt đối với Gen Z, khiến họ thấy mình kém cỏi trong một thế hệ toàn những cá nhân vượt trội và giỏi giang.

Dấu hiệu

Những dấu hiệu của peer pressure có thể biểu hiện kín hoặc công khai, tức một số hình thức có thể dễ dàng phát hiện. Những dấu hiệu bao gồm:

  • Lảng tránh trường học và các tình huống xã hội khác
  • Rất có ý thức về hình ảnh cá nhân
  • Thay đổi trong hành vi
  • Chia sẻ về cảm giác không phù hợp với môi trường
  • Cảm thấy buồn chán, tiêu cực
  • Đưa ra các phép so sánh xã hội
  • Khó hoặc mất ngủ
  • Thử kiểu tóc hoặc phong cách thời trang mới

Một người thể hiện nhiều dấu hiệu áp lực đồng trang lứa có thể là biểu hiện của những vấn đề khác, chẳng hạn bị bắt nạt hoặc lo lắng về sức khỏe tinh thần. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong hành vi hoặc tâm trạng đều đáng được quan tâm.

Phân loại

Bạn bè đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của người trẻ. Họ có thể gây ảnh hưởng đến mọi thứ, từ thể loại âm nhạc, phim ảnh đến cách ăn mặc, nói chuyện.

Xã hội hóa về giới có thể ảnh hưởng đến mức độ tiếp thu của người trẻ trước peer pressure. Nghiên cứu chỉ ra rằng con trai dễ chịu áp lực thực hiện các hành vi chấp nhận rủi ro.

Tuy nhiên, áp lực đồng trang lứa không phải lúc nào cũng sai lệch. Nó cũng có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực.

Về mặt tích cực

Lời khuyên: Bạn bè có thể là nguồn động viên tuyệt vời để người trẻ thử những điều mới, hoặc giúp họ vượt qua một vấn đề khó khăn.

Sự hỗ trợ: Cảm giác được hỗ trợ bởi người bạn chấp nhận con người thật của mình có thể nâng cao lòng tự trọng.

Nêu gương tốt: Bạn bè giúp nhau trở thành người tốt hơn khi cau mày trước những hành vi tiêu cực, như đùa cợt thiếu tế nhị, và thay vào đó là khuyến khích hành vi tích cực hơn.

Thực hành tương tác xã hội: Tìm hiểu về những chuẩn mực xã hội khác nhau giúp người trẻ biết cách thích ứng vào tùy tình huống, đồng thời quyết định nhóm xã hội nào họ muốn dành thời gian cùng và nhóm nào không.

leftcenterrightdel
 

Về mặt tiêu cực

Căng thẳng và trầm cảm: Ở cùng những người tạo áp lực khiến bạn làm những điều không cảm thấy thoải mái có thể gây ra căng thẳng và trầm cảm.

Cãi nhau hoặc xa lánh gia đình, bạn bè: Áp lực tiêu cực có xu hướng khiến bạn cảm thấy tồi tệ về bản thân, và điều này khiến bạn né tránh những người mình quan tâm.

Xao nhãng: Đôi khi, peer pressure có thể khiến bạn bớt tập trung vào các ưu tiên của mình do mải tham gia vào những hoạt động không thường làm, hoặc bị phân tâm về những suy nghĩ về áp lực đồng trang lứa.

Áp lực thực hiện hành vì có rủi ro: Bạn bè có thể gây áp lực cho nhau để thực hiện các hành vi như uống rượu, thử chất kích thích, tham gia hoạt động tình dục và lái xe một cách thiếu thận trọng.

Gặp vấn đề về lòng tự trọng và sự tự tin: Thường xuyên cảm thấy áp lực khi làm những việc đi ngược lại giá trị bản thân có thể khiến bạn cảm thấy tồi tệ về chính mình.

Đột ngột thay đổi hành vi: Cố gắng tuân theo các tiêu chuẩn của bạn bè, đồng nghiệp có nghĩa bạn bắt đầu hành động và trông giống người khác hơn chính mình.

Không hài lòng về ngoại hình: Nếu những người xung quanh chăm chú về vẻ ngoài, bạn có thể cảm thấy không đủ và muốn thay đổi ngoại hình của mình để phù hợp với tiêu chuẩn.


Giải pháp

Việc chuẩn bị để đối phó với áp lực đồng trang lứa rất quan trọng. Phát hiện sớm những dấu hiệu của peer pressure sẽ giúp bạn hoặc người mà bạn quan tâm.

Lên kế hoạch trước: Hãy nghĩ về những điều bạn có thể bị áp lực phải thực hiện trái với mong muốn. Sau đó, lên kế hoạch để đối phó với chúng. Đồng thời, hãy nghĩ về cách bạn rời khỏi một tình huống không thoải mái, và xác định một người hỗ trợ mà bạn có thể gọi.

Đưa ra lý do để từ chối: Hay nghĩ ra một cái cớ “toàn năng” để bạn từ chối tham gia hoạt động mà bạn không muốn làm.

Chẳng hạn, khi ở trong tình huống không thoải mái, bạn có thể nhắn tin một cụm từ đã thảo luận trước với bạn bè/gia đình. Họ sẽ gọi điện và viện cớ cần bạn về nhà để đưa bạn thoát khỏi tình huống đó.

Xây dựng mối quan hệ bạn bè với những người phù hợp: Những người chia sẻ chung giá trị với bạn sẽ ít có khả năng trở thành người bắt nạt, ép buộc bạn làm điều trái mong muốn.

Dựa vào những người trưởng thành đáng tin cậy: Xác định người trưởng thành nào trong cuộc sống là an toàn và dễ tiếp cận khi bạn cần trò chuyện, xin sự giúp đỡ để thoát khỏi tình huống khó khăn.

Mặc dù áp lực đồng trang lứa có thể khó khăn, nó không phải lúc nào cũng xấu. Peer pressure tích cực có thể là phần quý giá để học cách hòa nhập với xã hội và trưởng thành theo VeryWell Mind.

Nhưng nếu bạn cảm thấy gặp khó khăn với peer pressure tiêu cực, đừng giữ trong lòng một mình. Hãy thẳng thắn trao đổi với một người trưởng thành đáng tin cậy, như bố mẹ, giáo viên hoặc bác sĩ tâm lý.

Theo zingnews