leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa: SCMP

Du học sinh chật vật đi làm thêm

Grace Wang, 21 tuổi, là du học sinh đến Phần Lan năm ngoái, theo đuổi chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế, cho biết dành cả ngày để trồng cây, bắt đầu từ 6h. 

"Trước đây, tôi chưa từng làm công việc chân tay này", cô nói. Nhưng bây giờ mỗi ngày, Grace Wang có thể trồng tới 800 cây con, kiếm được khoảng 88 Euro (2,2 triệu đồng/ngày).

Để tiếp tục việc học ở Phần Lan, cô phải duy trì công việc này suốt mùa hè. Ở Trung Quốc, công việc kinh doanh của bố mẹ Grace Wang bị sa sút. Thậm chí, họ phải tuyên bố phá sản vào cuối năm ngoái. Không chỉ Grace Wang, nhiều du học sinh Trung Quốc cũng gặp phải vấn đề tài chính tương tự. 

Theo thống kê của Bộ Giáo dục Trung Quốc, tổng số sinh viên du học của đất nước này đạt mức cao kỷ lục 703.500 vào năm 2019, nhưng đã giảm xuống còn 450.900 vào năm 2020 và đạt 662.100 vào năm 2022.

Dịch bệnh kéo dài 3 năm, khiến nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, mức tăng trưởng hàng năm từ 6,0% vào năm 2019 giảm xuống còn 5,2% trong hai năm qua. Trong đó, các doanh nghiệp nhỏ cũng bị ảnh hưởng và quá trình phục hồi sẽ diễn ra chậm hơn. 

Ông Trần Kiến Vỹ - nhà nghiên cứu tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế tại Bắc Kinh, cho biết: "Chủ doanh nghiệp và các gia đình trung lưu thường là động lực chính thúc đẩy việc du học".

Theo khảo sát năm 2022 của New Oriental - cơ quan du học hàng đầu ở Trung Quốc thống kê: “40% gia đình cho con đi du học có thu nhập hàng năm từ 100.000-300.000 NDT (330 triệu-1 tỷ đồng); 15,7% gia đình kiếm được 300.000- 500.000 NDT/ năm (1-1,6 tỷ đồng) và 4% gia đình có thu nhập hàng năm trên 1 triệu NDT (3,3 tỷ đồng)”.

Ông Trần Kiến Vỹ nhấn mạnh việc sa thải và cắt giảm lương của nhiều công ty lớn, cũng như rủi ro trong các lĩnh vực bất động sản và đầu tư ủy thác, khiến tài sản của các doanh nghiệp bị thu hẹp. 

Việc học gián đoạn, du học sinh bỏ về nước 

Với bối cảnh kinh tế ở Trung Quốc hiện tại cùng sự mất giá của nhân dân tệ, cũng khiến gánh nặng tài chính của doanh nghiệp và các gia đình trung lưu trở nên trầm trọng hơn. Đây cũng là lúc Grace Wang lo lắng vì chi phí sinh hoạt ở nước ngoài cao. Cô quyết định trở về nước, việc học bị gián đoạn.

"Bố mẹ tôi nhấn mạnh tình hình kinh tế ở quê nhà không tốt. Tôi cảm thấy mọi người đều bị áp lực", cô nói.

Grace Wang quyết định cắt giảm chi tiêu, không mua quần áo và tự nấu ăn ở nhà. Chi phí hàng tháng của cô giảm từ 10.000 NDT (33 triệu đồng), xuống còn khoảng 6.000-7.000 NDT (20-23 triệu đồng).

"Tôi phải làm việc bán thời gian để giảm bớt áp lực tài chính cho bố mẹ. Tôi phải chịu trách nhiệm về việc chi tiêu của mình", Grace Wang nói.

Louis Liu, 26 tuổi, từng là sinh viên ngành Nha khoa tại một trường đại học ở New York, Mỹ, cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự với Grace Wang.

Học phí mỗi năm của anh khoảng 160.000 USD (3,9 tỷ đồng). Tuy nhiên, đầu năm 2021, Louis Liu chuẩn bị bước sang năm 4 phải bỏ học vì biến cố gia đình. Chuỗi trường mẫu giáo của gia đình anh từng mang lại lợi nhuận hàng triệu NDT/năm bị phá sản sau một trận lũ lụt nghiêm trọng và đại dịch xảy ra.

Sau biến cố này, anh cho biết: "Tôi không khuyến khích người trẻ xuất thân từ các gia đình thuộc tầng lớp lao động không có nhiều tiền tiết kiệm đi du học, đặc biệt là những ai muốn về nước làm việc. Sẽ tốt hơn nếu mọi người dùng số tiền đó để mua nhà ở Trung Quốc".

Ngay cả khi anh làm việc ở cửa hàng tiện lợi cả ngày, thu nhập vẫn không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt, chưa kể đến học phí. Do đó, Louis Liu quyết định về nước, từ bỏ việc trở thành nha sĩ ở Mỹ vì không có bằng đại học.

Trải qua thời gian dài tìm việc, đầu năm 2023, anh quyết định làm tài xế công nghệ. Công việc này mang lại cho anh mức lương hàng tháng hơn 10.000 NDT (33 triệu đồng) với thời gian làm việc linh hoạt.

Việc các doanh nghiệp lớn hay tư nhân ở Trung Quốc phải thu hẹp mô hình kinh doanh, thậm chí tuyên bố phá sản khiến rủi ro khi cho con đi du học ngày càng gia tăng. 

Ông Trần Kiến Vỹ cho rằng tỷ lệ đầu vào và đầu ra của việc du học không đạt kết quả tối ưu. "Trong bối cảnh cạnh tranh việc làm gay gắt như hiện nay, chi phí học tập và sinh hoạt ở nước ngoài ngày càng tăng nhưng đầu ra không xứng đáng với mức độ đầu tư.

Cơ hội phát triển ở Trung Quốc cũng tăng lên, khiến việc du học trở nên không cần thiết đối với nhiều người. Tuy nhiên, tương lai của họ không hoàn toàn mờ mịt. 

Đối với những người gánh được chi phí ở nước ngoài, đi du học vẫn là con đường hợp lệ. Chất lượng giáo dục ở một số nước phát triển tương đối cao. Sinh viên ra nước ngoài có tầm nhìn rộng, do đó kết quả thu được sẽ tốt hơn", ông Trần Kiến Vỹ nói.

Theo vietnamnet