Trả lời phỏng vấn AFP, ông Maitland Jones, giảng viên dạy môn hóa hữu cơ tại ĐH New York (NYU), cho biết nhà trường đã sa thải ông hồi tháng 8 mà không đưa ra lý do rõ ràng.
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đưa tin ông Jones bị sa thải sau khi 28 sinh viên ký tên vào đơn kiến nghị phàn nàn rằng ông quá khắt khe trong việc chấm điểm.
Bình luận về thông tin này, cựu giảng viên NYU nói: “Sinh viên viết đơn kiến nghị vì họ không thể chấp nhận một sự thật rằng họ học không tốt… Những sinh viên này chỉ tìm kiếm ai đó để đổ lỗi”.
Ông Jones ước tính chỉ khoảng 25% trong tổng số 350 sinh viên không đạt đủ điểm để vượt qua môn sinh học hữu cơ mà ông giảng dạy.
Nếu tờ The New York Times (Mỹ) không đưa tin thì ít ai biết đến vụ việc thầy Jones bị sa thải ở tuổi 84. Trước khi làm việc tại NYU, một ĐH tư thục, ông từng giảng dạy tại ĐH Princeton và Yale.
Nhiều giảng viên đã lên tiếng ủng hộ ông Jones, chỉ trích các trường ĐH ở Mỹ ngày nay quá chiều ý sinh viên.
|
Trước khi đăng ký môn học, sinh viên ở Mỹ thường xem đánh giá của giảng viên và cách họ chấm điểm dễ hay khó
|
Quyền lực nằm trong tay sinh viên?
Ông Marty Ross, giảng viên ĐH Northeastern (TP.Boston, Mỹ), tin rằng những ĐH tư thục xem sinh viên như “khách hàng” ở một quốc gia mà nhà trường thường xuyên yêu cầu sinh viên đưa ra đánh giá về giảng viên và khóa học.
“Những ‘khách hàng' này có xu hướng không thích các môn học khó, chẳng hạn hóa hữu cơ, và hình thành quan điểm ‘tại sao chúng tôi phải học môn này’. Nếu sinh viên không thể vượt qua môn học khó thì sẽ đánh giá thấp môn học và viết đơn kiến nghị”, ông Ross chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Ross cho hay ông biết rằng có những giảng viên cố xây dựng hình ảnh “người cho điểm dễ” để tránh bị sinh viên đánh giá thấp. Như vậy, ông Ross cho rằng “quyền lực đã được chuyển từ khoa sang sinh viên” và đây không phải là cách tốt nhất để vận hành một ĐH.
“Tôn sư trọng đạo” thực sự không hề tồn tại trong các ĐH ở Mỹ, bà Karin Fischer, nhà báo-nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH (thuộc ĐH California, Berkeley), nêu quan điểm.
Lý giải về điều này, bà Fischer cho rằng: "Có quan niệm cho rằng bạn phải thách thức, chất vấn giảng viên trong lớp học, đơn giản bởi vì tranh luận, thảo luận và đặt câu hỏi là một phần trong tư duy phản biện tại ĐH ở Mỹ”.
Anh Souradeep Banerjee, một trợ giảng tại ĐH Temple (TP.Philadelphia, bang Pennsylvania), cho hay anh nhận thấy rõ “quyền lực” của sinh viên khi được giảng viên chính giao cho việc chấm điểm thi.
Theo anh Banerjee, giảng viên dạy khóa học với 300 sinh viên tham dự đã mời anh cùng 3 trợ giảng khác đến họp, thảo luận về vấn đề “chấm điểm dễ”. Giảng viên này còn giải thích rằng “trường này có thể tồn tại hay không là tùy thuộc vào tỷ lệ sinh viên đăng ký học, đúng không?”.
|
Nhiều sinh viên ở Mỹ phải vay số tiền lớn để đóng học phí ĐH nên không muốn bị thi rớt bất kỳ môn nào
|
“Học phí cao ngất trời”
Một số người cho rằng quyền lực nằm trong tay sinh viên vì sinh viên hay cha mẹ của họ đã phải bỏ ra số tiền lớn để đóng học phí.
Ở Mỹ, một sinh viên trung bình phải đóng học phí 60.000 USD/năm, chưa kể chi phí nhà ở, đi lại và ăn uống. Nhiều sinh viên đã phải vay tiền để trang trải chi phí học ĐH.
“Học phí cao ngất trời và sự thật là sinh viên đã phải vay một số tiền lớn. Điều này gây áp lực cho sinh viên về mặt điểm số. Sinh viên chỉ muốn học tốt, không muốn bị điểm thấp, thi rớt rồi phải đóng tiền học lại các môn”, nữ nhà báo Fischer lưu ý.
Vì thế, các sinh viên như Daniela James tại ĐH Temple thường có xu hướng tìm hiểu về cách giảng viên cho điểm và kiểm tra những bình luận, đánh giá của sinh viên trên trang đánh giá giảng viên tại địa chỉ RateMyProfessors.com.
“Tôi đã đóng quá nhiều tiền học phí nên không muốn bị trượt môn và phải đóng tiền học lại bất kỳ học phần nào”, nữ sinh viên James nói, đồng thời cho biết cô có hai công việc làm thêm cùng lúc, ở trường và tại một chuỗi cửa hàng thời trang.
Theo Thanh niên