Trong tháng Bảy và Tám, Trung tâm Phát triển tài năng điện ảnh trẻ TPD (thuộc Hội Điện ảnh Việt Nam) sẽ tổ chức sáu buổi giao lưu online mang tên “Hương vị châu Á.”

Chuỗi sự kiện là cơ hội để khán giả trong nước có cái nhìn sâu sắc hơn về đặc tính và các vấn đề của nhiều nền điện ảnh trong khu vực.

Chủ đề mỗi buổi sẽ trải rộng qua các quốc gia Ấn Độ, Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam. Mỗi cuộc giao lưu sẽ diễn ra vào 15 giờ chiều các ngày thứ Bảy, Chủ Nhật từ 11/7-14/8 trên nền tảng Zoom.

Diễn giả mỗi buổi là các nhà nghiên cứu, nhà phê bình phim trong nước. Về điện ảnh phía Tây châu Á, đạo diễn Phan Đăng Di ("Bi, đừng sợ!") sẽ có chia sẻ xung quanh phim của Satyajit Ray (Ấn Độ), Tiến sỹ Mai Anh Tuấn (Đại học Văn hóa Hà Nội) sẽ nói về phim của Abbas Kiarostami (Iran).

Ở khu vực Đông Á, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm sẽ chia sẻ về làn sóng mới của điện ảnh Hàn Quốc trong khi nhà nghiên cứu Đỗ Văn Hoàng bàn về phim của đạo diễn Hiroshi Shimizu (Nhật Bản).

Đối với những tác phẩm, vấn đề liên quan đến tác phẩm và nhà làm phim Việt, nhà phê bình, biên kịch Vũ Ánh Dương sẽ nói về phim của hai đạo diễn Síu Phạm và Trương Minh Quý, nghệ sỹ Nguyễn Quốc Thành chia sẻ về phim “Song lang” của đạo diễn Leon Quang Lê.

Để tham gia các sự kiện, người quan tâm cần điền bản đăng ký online có trên trang Facebook của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD). Thông tin về các bộ phim, các vấn đề cần xem và tìm hiểu cũng sẽ được TPD đăng tải trước ngày diễn ra sự kiện.

Apu (Subir Banerjee) trong ''Khúc hát của những con đường,'' một tác phẩm kinh điển của điện ảnh Ấn Độ. (Ảnh: Screenjunk)

 

Ngày 11/7, chuỗi sự kiện sẽ mở đầu bằng bộ phim Ấn Độ “Pather Panchali” (tạm dịch “Khúc hát của những con đường”) của đạo diễn đa tài Satyajit Ray (1921-1992).

Đây là phần đầu trong bộ ba phim Ấn Độ kinh điển về nhân vật Apu, cũng là phim đầu tay của Satyajit Ray. Phim xoay quanh tuổi thơ của cậu bé Apu (Subir Banerjee), chị gái Durga (Uma Dasgupta) và cuộc sống làng quê khắc nghiệt của gia đình nghèo này.

“Khúc hát của những con đường” được đánh giá là một bước ngoặt của điện ảnh Ấn Độ và là một trong những phim tiên phong của phong trào điện ảnh song song (parallel cinema). Chịu ảnh hưởng của dòng phim tân hiện thực Italy, bộ phim đã tạo được tiếng vang trên thế giới, mang về giải phim xuất sắc nhất tại Ấn Độ năm 1955 và một giải tại Liên hoan phim Cannes dành cho phim tài liệu về con người năm 1956.

Theo Vietnamplus