Giáo sư Trịnh Xuân Thuận giành giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ
Cập nhật lúc 23:52, Thứ hai, 04/07/2022 (GMT+7)
Theo thông báo ngày 30/6 của của Viện Hàn lâm Pháp, giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ (Grand Prix de la Francophonie) năm 2022 vinh danh nhà vật lý thiên văn người Mỹ gốc Việt, giáo sư Trịnh Xuân Thuận.
|
|
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận. |
Với việc giành được giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ năm 2022, Giáo sư Trịnh Xuân Thuận sẽ nhận được số tiền thưởng 30.000 euro (khoảng hơn 700 triệu đồng).
Giải thưởng lớn của Cộng đồng Pháp ngữ là sáng kiến của chính phủ Canada được trao hằng năm từ năm 1986, dành cho những cá nhân đã đóng góp một cách xuất sắc vào việc phát triển ngôn ngữ Pháp trên thế giới. Giải thưởng này từng được trao cho bác sĩ Nguyễn Khắc Viện vào năm 1992.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận, sinh ngày 20/8/1948, là nhà khoa học Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn. Ông từng học tại trường trung học Jean-Jacques Rousseau (nay là trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn). Sau khi đậu tú tài, ông sang Thụy Sĩ học kỹ sư ở Lausanne, sau đó được học bổng đến Mỹ. Giáo sư Trịnh Xuân Thuận học ngành vật lý thiên văn tại Viện Công nghệ California (Caltech) và sau đó tại Đại học Princeton, nơi ông bảo vệ luận án tiến sĩ.
Từ năm 1976, ông là giáo sư vật lý thiên văn tại Đại học Virginia, Mỹ. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Thiên văn ở Paris và là thành viên của Đại học Liên ngành Paris (UIP).
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận được biết đến với khả năng diễn đạt nội dung khoa học bằng ngôn từ của thi ca, và bằng sự lãng mạn của một người có tâm hồn hòa đồng với vũ trụ.
Ông là tác giả của nhiều cuốn sách phổ biến thiên văn học nổi tiếng đã được dịch ra tiếng Việt: Giai điệu bí ẩn, Và con người tạo nên vũ trụ, Hỗn độn và hài hòa, Cái vô hạn trong lòng bàn tay, Vũ trụ và hoa sen, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao, Số phận của vũ trụ - Big Bang và sau đó cùng nhiều sách khác.
Trong bài phỏng vấn với tờ Le Monde (Pháp), giáo sư Trịnh Xuân Thuận chia sẻ: "Tôi theo văn hóa Phật giáo, tôi sống theo triết lý Phật giáo và đó là cách tôi nhìn thế giới nhưng tôi tuân theo phương pháp tiếp cận khoa học".
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận từng giành được nhiều giải thưởng như giải thưởng Văn học châu Á của Hiệp hội các nhà văn Pháp ngữ (ADELF) năm 2000 cho cuốn sách Cái vô hạn trong lòng bàn tay, giải thưởng lớn Moron của Viện Hàn lâm Pháp năm 2007, giải thưởng Kalinga năm 2009 của UNESCO nhờ đóng góp trong công cuộc đại chúng hóa khoa học và giải thưởng thế giới Cino del Duca năm 2012.
Theo thoidai