Giúp học sinh ăn uống lành mạnh trong bối cảnh 'bão giá'
Cập nhật lúc 22:54, Thứ hai, 24/10/2022 (GMT+7)
Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, ngày càng nhiều trường phổ thông tại Anh triển khai mô hình tự trồng và chế biến thực phẩm xanh.
|
|
Học sinh Trường Greenside học cách chế biến rau củ. |
Điều này cũng giúp học sinh học cách ăn uống lành mạnh.
Zuriel, 6 tuổi, đứng xếp hàng đợi nhận đồ ăn trưa. Nhìn món mì ăn với rau, Zuriel quay sang nói với bạn bên cạnh: “Tớ không muốn ăn món đó. Tớ chưa nếm thử món đó bao giờ”.
Tình cờ nghe được đoạn trò chuyện, Ali, 7 tuổi, quay sang nói đầy tự hào: “Đây là món mà tớ đã nấu sáng nay. Món rau này rất ngon và thú vị. Thật đấy!”. Sau đó, Ali đã thuyết phục thành công Zuriel thử món ăn này.
Zuriel và Ali là học sinh Trường Tiểu học Greenside, London, Anh. Trong những tháng gần đây, trường đã lồng ghép bài học về thực phẩm vào chương trình giảng dạy Khoa học Nghệ thuật và Nhân văn. Học sinh được thử sức trồng rau, thu hoạch và chế biến các bữa trưa thuần chay cho cả trường.
Ngoài ra, trường có một khoảng sân nhỏ, nơi trẻ em gieo hạt và thu hoạch lúa mì để làm bánh. Vào chiều thứ 6, phụ huynh cùng học sinh xếp hàng mua bánh mỳ, bánh quế từ chính các lò bánh nhỏ trong trường. Một phần thực phẩm sẽ được quyên góp cho ngân hàng lương thực địa phương.
Greenside là một trong 58 trường thử nghiệm mô hình giáo dục về thực phẩm với sự hỗ trợ của tổ chức từ thiện “Chef in Schools” (Đầu bếp Trường học).
Bà Karen Bastick-Styles, Hiệu trưởng Trường TH Greenside, cho biết: “Sản xuất lương thực là hoạt động cốt lõi của con người. Do đó, việc học sinh có thể trải nghiệm và tham gia vào quá trình sản xuất lương thực là một trong những mục tiêu giáo dục của nhà trường. Trẻ em được học có thể tuyên truyền cho phụ huynh, mọi người xung quanh về giá trị của lương thực”.
Theo nghiên cứu của tổ chức Crackling Good Food, 64% người lớn và 40% trẻ em Anh mắc bệnh béo phì. Việc giáo dục học sinh ăn uống lành mạnh chưa được quan tâm và đầu tư tại Anh. Do đó, những mô hình như Greenside mang lại ý nghĩa to lớn.
Bà Gemma Foxcroft, đại diện của tổ chức Crackling Good Food, nhận định: “Nhiều thế hệ gia đình ở Anh hoàn toàn không biết nấu nướng. Trẻ em lớn lên từ những gia đình này sẽ không có cơ hội được học cách ăn uống phù hợp, trừ khi trường học dạy”.
Bên cạnh đó, chương trình giáo dục thực phẩm của Greenside đang hỗ trợ những học sinh khó khăn nhất trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao và Chính phủ Anh chưa có biện pháp giải quyết vấn đề này.
Giữa tình trạng “bão giá”, học sinh ăn đồ ăn lạnh hoặc đồ ăn quay bằng lò vi sóng. Những thực phẩm này có giá thành phải chăng nhưng chuyên gia dinh dưỡng cảnh báo sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất của trẻ. Còn thực phẩm được chế biến từ rau củ xanh có giá thành cao, nguồn cung khan hiếm.
Theo Cơ quan thương mại phục vụ bữa ăn trường học, 1,8% học sinh đối mặt với các bữa ăn ở trường kém chất lượng do chi phí thực phẩm tăng. Chế độ ăn thiếu dinh dưỡng dẫn đến tình trạng suy giảm tập trung và ảnh hưởng đến kết quả học tập.
Theo GD&TĐ