Đợi mãi không thấy mẹ về
Cứ đến chiều, tiếng trẻ con khóc ré đòi mẹ kèm theo câu dỗ dành của người phụ nữ lớn tuổi làm nhiều người xót xa. Suốt hai tuần qua, bé L.D.N.H. (bảy tuổi, ở Q.8, TPHCM) liên tục muốn về nhà, quấy khóc đòi mẹ khiến bà ngoại bối rối không biết làm sao. Cha, mẹ và ông của bé H. đã mất do dịch COVID-19. Để được đi học, anh, chị bé H. được gửi đến ở cùng người bà con tại tỉnh lân cận.
“Lúc bé khóc quá, tôi nhờ người hàng xóm giả làm mẹ của bé gọi điện thoại về. Nghe giọng bé đã la lên không phải mẹ, mẹ không gọi điện thoại cho con nữa, mẹ giận con. Tôi không dám kêu anh, chị của bé gọi, chúng lớn hơn cũng dễ tủi thân”, bà của bé H. kể. Hơn một tháng nay, bé H. không còn vui đùa, chạy nhảy như trước, dù hàng xóm không ai dám nhắc về chuyện đã qua, bé vẫn khóc ré mỗi khi ở một mình. Cả trong lúc ngủ, bé cũng nói mơ trong vòng tay bà ngoại.
Mẹ nói đi bệnh viện rồi… ở luôn không về, bé trai D.H.T.K. (11 tuổi, ở Q.Tân Bình, TPHCM) bình thường đã ít nói, nay càng không bước chân ra ngoài. Bé luôn cầm chặt tay cha, sợ hãi đóng kín cửa những lúc cha đi làm. Có người hỏi thăm, bé K. chỉ lên bàn thờ mẹ, cúi đầu. Trong cuộc trò chuyện, bé chỉ gật hoặc lắc đầu khiến người đối diện không nỡ ở lâu. Ba của bé, anh Đặng Thế Lâm, trầm ngâm: “Bình thường, cháu năng động lắm, lúc nào cũng chạy chơi trong xóm, không thì rủ mấy đứa nhỏ về nhà, bày hết trò này đến trò nọ…”.
Đợt đó, mẹ K. còn gọi về cho con, nhưng những ngày sau yếu dần, lời hứa về mua đồ chơi cho con cũng không thành. Từ khi mẹ của bé K. mất, cuộc sống của cả anh Lâm và con trai bị xáo trộn. Anh phải tăng cường làm thêm để đủ trang trải cho hai cha con. Điều anh Lâm lo lắng nhất là con ở nhà, đóng kín cửa chứ không nói chuyện với ai, cũng không chịu đến nhà dì mỗi khi anh đi làm.
|
Bé trai được nhân viên y tế đo thân nhiệt tại khu cách ly ở TP.Thủ Đức - Ảnh: Phạm An |
Lắng nghe, tôn trọng, đồng cảm với trẻ
Trước nỗi đau quá lớn khi cha, mẹ hay người thân đột ngột qua đời, trẻ có nguy cơ rơi vào sự cô đơn, tủi thân, thậm chí là “hố sâu” tâm lý. Đặc biệt, trẻ em ở gia đình có hoàn cảnh khó khăn, khi mất đi điểm tựa cuộc sống càng bấp bênh, tương lai đối mặt với nhiều thử thách. Nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý quan ngại trẻ đột ngột mất người thân dễ bị sang chấn tâm lý, hay các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Nếu không có sự hỗ trợ, giúp sức phù hợp, về lâu dài trẻ khó hòa nhập với xã hội cũng như cơ hội để thành công trong cuộc sống.
Theo thạc sĩ Mai Thị Nguyệt, Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TPHCM, trẻ em trong đại dịch COVID-19 phải đối diện với nhiều sự xáo trộn tâm lý, rối loạn cảm xúc và hành vi nhất là trong giai đoạn giãn cách xã hội. Có trẻ được gửi về quê, hoặc cha mẹ làm việc tại chỗ, cha mẹ hoặc trẻ phải đi cách ly… đều gây cho trẻ sự hoang mang, lo lắng ở nhiều mức độ khác nhau như ám ảnh, sợ hãi.
“Có trẻ đột ngột mất cha mẹ, người thân thì hoảng sợ, trốn tránh, không chấp nhận… Nếu không được nâng đỡ hỗ trợ kịp thời, trẻ rất dễ rơi vào tình trạng sững sờ phân ly, hoảng loạn hoặc đôi khi lầm lì ít nói. Có trẻ thoái lùi và mất ý thức tạm thời dẫn đến khó kiểm soát cảm xúc và hành vi; trẻ nói nhiều nhưng vô nghĩa, đôi khi mất ngôn ngữ tạm thời, hành vi lặp đi lặp lại; khóc nhiều hoặc không thể khóc được, trẻ tránh né, bỏ ăn và thu mình lại, luôn phòng vệ trốn tránh mọi người…”, thạc sĩ Mai Thị Nguyệt cho biết.
Thời gian gần đây, Khoa Tâm lý của bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trẻ được người thân đưa đến nhờ hỗ trợ. Đa số trẻ bị rối loạn về mặt cảm xúc và hành vi như trẻ u sầu, khóc vô cớ, giảm giao tiếp, bồn chồn, ngồi không yên, nói nhảm, hoảng loạn, gặp ác mộng… Rối loạn ám ảnh cưỡng chế khi thường xuyên rửa tay và tắm liên tục, đi tới đi lui, bồn chồn… Thậm chí có trẻ sợ dơ, sợ lây COVID-19, sợ nói chuyện.
Vì vậy, người xung quanh nên quan tâm, tôn trọng, giúp trẻ mạnh mẽ, tự tin hơn để vơi đi phần nào sự cô đơn, lo lắng hiện tại. Từ đó, trẻ đủ sức đối diện và vượt qua đau buồn. Đặc biệt, trẻ cần được hỗ trợ trong môi trường học tập và kết nối bạn bè, nâng cao giá trị để trẻ có cơ hội thể hiện mong ước của mình. Bên cạnh đó, người nuôi dưỡng trẻ nên khơi gợi cảm xúc cho trẻ thông qua các trò chơi, vận động phù hợp. Luôn lắng nghe, tôn trọng, đồng cảm và chấp nhận tất cả những cảm xúc, hành vi khó chịu của trẻ, giúp trẻ cảm thấy an toàn, tin tưởng khi ở bên người bảo hộ.
Theo phunuonline.com.vn