Thi Dư Phi - diễn viên phụ trong "Diên Hy Công Lược" - bị chỉ trích ở LHP Cannes 2019 do đứng quá lâu trên thảm đỏ.
Liên hoan phim Cannes lần 72 diễn ra từ ngày 14 đến 25/5 với giải danh giá Cành Cọ Vàng thuộc về phim Parasite của Bong Joon-ho. Ngoài giải chính, sự kiện còn là dịp để giới anh tài làng phim khắp thế giới hội tụ giao lưu chuyên môn, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường phim toàn cầu.
Thế nhưng, không phải ai đến Cannes cũng để ngẫm nghĩ về phim của Terrence Malick, Quentin Tarantino hay Bong Joon-ho. Ở một góc khác, liên hoan phim là nơi của sự hào nhoáng, phóng túng và những cuộc tìm kiếm cơ hội đổi đời.
Vài năm qua, báo Âu Mỹ, Trung Quốc chung nhận định Cannes ngày càng thu hút nhiều người chi tiền đổi lấy vài phút xuất hiện ở sự kiện. Cũng có trường hợp các gương mặt không tên tuổi, đến sự kiện trong vai trò khách mời của nhãn hàng, thương hiệu tài trợ chương trình. Dù ở tình huống nào, họ thường tận dụng tối đa khoảng thời gian ít ỏi sải bước trên thảm đỏ Cannes giữa các ngôi sao hạng A, trở thành nhân vật trước "rừng" ống kính, để gây sự chú ý với truyền thông, khán giả quốc tế.
Theo Sina, các nghệ sĩ kém tên tuổi phải trả từ 15.000 đến 25.000 USD để xuất hiện trên thảm đỏ. Trên trang cá nhân, diễn viên Tiếu ngạo giang hồ Lữ Giai Dung nói từng thông qua môi giới để đến Cannes. Cô hối tiếc khi muốn kiếm danh vọng bằng cách xuất hiện trước truyền thông thế giới.
Tờ Qjwb tiết lộ những năm qua một số công ty môi giới, công ty tổ chức cuộc thi sắc đẹp hay du lịch bán vé mời đến Cannes, bao gồm nhiếp ảnh gia, xe đưa đón, người trang điểm. Một công ty ở Quảng Châu năm nay đưa gần 50 phụ nữ tới Cannes đi thảm đỏ. Họ tận dụng kẽ hở của sự kiện là công ty sản xuất phim, thương hiệu tài trợ được tặng vé mời cho người khác. Trên thảm đỏ, nhiều người thành trò lố khi diện trang phục hở hang hoặc tạo dáng quá lâu, khiến ban tổ chức nhắc nhở.
Lý Nhã Kỳ - người từng đến Cannes với tư cách nhà đầu tư có phim tranh giải - cho biết khách mời ở Cannes chia thành hai nhóm. Nhóm đầu là các ngôi sao được ban tổ chức mời dự hoạt động chính thức, khoảng 300-400 người và luôn được săn đón. Nhóm thứ hai lên đến 4.000-5.000 khách, là khách mời từ thương hiệu hoặc mua vé. Ở các buổi chiếu tác phẩm tranh giải, ban tổ chức giới hạn vé cho số ít khán giả. Chỉ những khách chính mới được có tên trên website của liên hoan phim và được gọi tên khi dự thảm đỏ.
Ngày 20/5, mạng xã hội Việt Nam xôn xao hình ảnh Ngọc Trinh mặc hở táo bạo trên thảm đỏ Cannes. Trước đó vào hôm khai mạc, diễn viên Trung Quốc Thi Dư Phi ( đóng a hoàn trong Diên Hy công lược) bị khán giả chỉ trích vì tạo dáng trên thảm đỏ quá lâu. Tại liên hoan, hàng trăm người khoe dáng cùng trang phục cầu kỳ ở nhiều sự kiện khác nhau, trong đó nhiều người không có hoạt động gì liên quan đến điện ảnh.
Môi giới tình dục là góc khuất bên dưới sự hào nhoáng của Cannes. Trang Nice-Matin nhận định liên hoan là mùa cao điểm của hoạt động mại dâm. Theo cảnh sát địa phương, ngày thường ở Cannes có khoảng 40 gái điếm. Nhưng con số này lên đến hơn 100 ở mùa liên hoan, trong đó nhiều người nói được tiếng Anh. Có người hoạt động cá nhân, có người làm trong những tổ chức. Gần đây, nhiều cô gái còn công khai quảng cáo trên Internet, do mại dâm không trái luật chính quyền sở tại.
Theo Hollywood Reporter, gái điếm hạng sang có giá đến 4.000 USD mỗi đêm, còn gái đứng đường giá từ 50 đến 70 USD mỗi giờ. Nahas - người điều hành một đường dây mại dâm - cho biết có cô kiếm được 40.000 USD mỗi đêm. Khoảng 30-40 du thuyền ở Cannes thành nơi những cô gái điếm cùng các khách mời vui chơi. Theo một chuyên gia điện ảnh, đôi khi khó phân biệt giữa gái điếm chuyên nghiệp và những diễn viên hạng B, C hay người mẫu nhận tiền để ngủ với đại gia. Trên Du Jour, người mẫu Chrissy Teigen nói nhiều đồng nghiệp của cô đến Cannes hàng năm để kiếm thêm thu nhập, có người kiếm được 30.000 USD mỗi đêm.
Asia Argento (trái) ở lễ trao giải Cannes 2018. Ảnh: AP.
Nạn xâm hại tình dục cũng được đề cập ở liên hoan phim hàng đầu thế giới. Ở lễ trao giải năm ngoái, diễn viên Asia Argento xúc động kể bị Harvey Weinstein cưỡng hiếp 21 năm trước ở Cannes. Diễn viên Kadian Noble cũng tố cáo bị Harvey xâm hại. Tại Cannes năm 2014, cô bị nhà làm phim tấn công khi mời về phòng trao đổi vai diễn. Theo Noble, trước phong trào Me Too (từ năm 2017), chuyện nhà sản xuất gặp riêng diễn viên trong phòng được xem là bình thường.
Từ năm 2018, ban tổ chức Liên hoan phim Cannes siết chặt an ninh bằng cách lập đường dây nóng để người bị hại tố cáo. Tuy nhiên, chuyện đổi tình lấy vai diễn vẫn tồn tại và khó xử lý hơn do hai phía đồng thuận. Hollywood Reporter nhận định nhiều năm qua, Cannes thành địa điểm để các cô gái tìm chiếc vé đến Mỹ. Nhiều người từ Anh, các nước Đông Âu - thường ở tuổi teen - gặp các nhân vật quyền lực trên du thuyền ở Cannes. Sau khi trao thân, họ được tuyển vào vai phụ trong phim Hollywood, đi kèm là visa Mỹ.
Harvey Weinstein và người mẫu Heidi Klum ở LHP Cannes năm 2000.
Một đường dây - thường từ các nước Đông Âu - được cho là đứng sau việc này. Họ huấn luyện cô gái một thời gian để biết cách cư xử ở buổi chiếu phim hoặc nhà hàng, hòa nhập vào cuộc sống thượng lưu ở Cannes. Một nhà sản xuất cho biết dấu hiệu nhận diện trường hợp này là các diễn viên vô danh đến Cannes vào tháng 5, sau đó bỗng xuất hiện ở Los Angeles (Mỹ) vào tháng 9. Họ đóng những vai không thoại hoặc chỉ có một câu.
"Mỗi năm, những cô gái trẻ đến miền Nam nước Pháp với khát vọng màn bạc. Nhưng ngay cả sau vụ Harvey Weinstein và phong trào Me Too, hành trình của họ đến Hollywood vẫn bắt đầu bằng những lời hứa hẹn về vai diễn, visa, đổi lại là tình dục", Hollywood Reporter kết luận.
Theo vnexpress