Sinh viên thời nay tốt nghiệp đại học phải đối mặt với một bước ngoặt: Đi làm hay tiếp tục học cao hơn?
Nghiên cứu sinh Trung Quốc là nhóm người trí thức theo đuổi học vị cao với mục tiêu có nhiều cơ hội trong công việc.
Ở Việt Nam, nghiên cứu sinh là nhóm người đã hoàn thành bậc thạc sĩ và tiếp tục tham gia những khóa trình nghiên cứu khoa học. Kết quả cuối cùng là luận án tiến sĩ được bảo vệ thành công ở cấp nhà nước.Khác với Việt Nam, nghiên cứu sinh Trung Quốc là nhóm người đã hoàn thành đại học và tiếp tục thi vào khóa trình lấy học vị thạc sĩ hoặc tiến sĩ.
Theo đó, dù ở Việt Nam hay Trung Quốc, nghiên cứu sinh đều là giai đoạn sau đại học, hay cũng chính là cao học. Thế nhưng thi nghiên cứu sinh (thi cao học) ở Trung Quốc lại tồn tại một thực trạng nhức nhối, đáng báo động!
Những năm gần đây, dưới sự ảnh hưởng của chế độ giáo dục, số lượng người thi nghiên cứu sinh ở Trung Quốc mỗi năm một gia tăng, từ con số 3,77 triệu trong năm 2021 lên đến 4,57 triệu trong năm 2022.
|
Trong vòng 1 năm này, số lượng sinh viên thi nghiên cứu sinh tăng gần 800 nghìn người. Nhưng theo kế hoạch tuyển sinh của các trường đưa ra, đa phần số lượng đầu vào đều không có biến động. Cũng tức là, người thi thì nhiều nhưng nhu cầu tuyển sinh vẫn không thay đổi, vô hình trung đã khiến sự cạnh tranh của các thí sinh trở nên khốc liệt hơn.
Được biết, trong 4,57 triệu người tham gia thi nghiên cứu sinh ở Trung Quốc năm 2022, cuối cùng chỉ có 24% người thi đậu. Gần 3 triệu thí sinh còn lại đành thử sức vào năm sau, đồng thời phải đối mặt với tỷ lệ đào thải lớn hơn. Hiện trạng cộng dồn này khiến nhiều thí sinh và phụ huynh ở lứa kế tiếp không khỏi lo lắng, bất an.
|
Hoàn thành đại học và thi lên nghiên cứu sinh đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội làm việc. Nếu cứ thi mãi mà không đậu, cũng tức là bỏ lỡ nhiều cơ hội, gây ra ảnh hưởng nhất định cho kỳ thi nghiên cứu sinh năm tiếp theo.
Hối hận vì ủng hộ con thi nghiên cứu sinh
Hiện tại, kỳ thi nghiên cứu sinh năm 2022 đang ở thời điểm chạy nước rút. Thế mà trên mạng xã hội Trung Quốc lại xuất hiện bài đăng: Một bà mẹ chia sẻ trải nghiệm về việc thi nghiên cứu sinh của con, không ngờ nhận về rất nhiều sự đồng tình của đông đảo phụ huynh.
Con của người mẹ này là chàng sinh viên họ Lưu, tốt nghiệp một trường đại học chính quy bình thường.
Năm tốt nghiệp đại học, Lưu nghiêm túc chia sẻ với bố mẹ về dự định của mình, đó là cố gắng học tập thi nghiên cứu sinh để tương lai xán lạn hơn.
Ban đầu, gia đình vốn dĩ đong đầy niềm tin, nhưng không ngờ rằng Lưu đã thất bại trong kỳ thi nghiên cứu sinh đầu tiên. Song, mẹ của Lưu vẫn an ủi con trai, cho rằng chỉ cần cố gắng hơn thì chuyện gì cũng có thể làm được.
Sau một thời gian ngắn chìm trong thất vọng, Lưu cũng lấy lại tự tin và lao đầu vào học tập. Trong quá trình chuẩn bị cho kỳ thi lại năm tiếp theo, người mẹ đã cảm thấy có gì đó không đúng.
Mãi đến khi “cuộc chiến” nghiên cứu sinh ở năm thứ 2 kết thúc, Lưu một lần nữa thất bại, bà mẹ mới nhận ra vấn đề đang tồn tại ở đâu. Thì ra con trai của bà không hề có sự chuẩn bị kỹ càng cho kỳ thi quan trọng này.
Nói một cách khác: Chàng sinh viên này chỉ lấy danh nghĩa của việc thi nghiên cứu sinh để không phải bước chân ra ngoài xã hội làm việc!
Trong thời gian ôn thi, cuộc sống của Lưu vô cùng nhàn hạ, mọi chi phí sinh hoạt đều chỉ cần mở miệng hỏi bố mẹ liền có ngay. Đến đây, người mẹ đã nhận ra, con trai của bà không hề có ý chí thi nghiên cứu sinh.
Bà mẹ nhớ lại thời điểm tốt nghiệp đại học, con trai thường gọi điện than vãn về vấn đề tìm kiếm công việc khó khăn, tiền lương ít ỏi… Bây giờ con trai của bà lại lấy lý do thi nghiên cứu sinh để không phải về quê rồi bị cha mẹ ép đi tìm việc.
Do đó, người mẹ nói: “Nếu được quay ngược thời gian, chắc chắn không cho con thi nghiên cứu sinh”.
Mẹ của Lưu chia sẻ câu chuyện này với hy vọng những bậc phụ huynh cùng cảnh ngộ nhận thức được tình trạng của con em, liệu chúng thật sự cầu tiến hay không, từ đó mới có hành động đúng đắn.
Khát vọng phát triển con đường học vấn trở thành "ăn bám cha mẹ" kiểu mới
Với mong muốn giành về nhiều cơ hội việc làm hơn, đa số sinh viên sau tốt nghiệp ở Trung Quốc thường chọn cách học nghiên cứu sinh để nâng cao học vị. Thế nhưng không biết từ lúc nào, nghiên cứu sinh lại trở thành “ăn bám cha mẹ” kiểu mới.
Đáng buồn hơn là nhiều bậc phụ huynh không hề phát giác ra chân tướng, đến khi con cái đã lún sâu trong vùng an toàn quá lâu và ỷ lại vào gia đình thì mọi chuyện đã muộn màng.
Sinh viên thời nay tốt nghiệp đại học phải đối mặt với một bước ngoặt: Đi làm hay tiếp tục học cao hơn? Cô gái Sa Sa cũng đau đầu với vấn đề này.
Sa Sa tốt nghiệp một trường đại học chính quy bình thường. Sau khi suy nghĩ kỹ càng, cô gái quyết định thi nghiên cứu sinh. Thật ra, cô cũng không thể chắc chắn bản thân có thể thi đậu không, mà nếu thi không đậu thì cũng không biết sẽ làm công việc gì.
Sa Sa chọn thi nghiên cứu sinh chủ yếu vì 2 nguyên nhân:
Một, cô muốn có một công việc tràn đầy hứng thú và triển vọng.
Hai, cô hoang mang, không biết về sau nên đi con đường nào, không biết tương lai sẽ về đâu, dùng thời gian học nghiên cứu sinh để trốn tránh hiện thực.
Sa Sa cho rằng trước tiên hãy học nghiên cứu sinh, rồi 2-3 năm sau mới tính tiếp. Gia đình hy vọng Sa Sa đi làm sớm nhưng cô cảm thấy bản thân vẫn còn nhỏ, không nên vội vàng đi làm rồi kết hôn, muốn trải nghiệm thêm vài năm.
Người ôm cách nghĩ như Sa Sa không phải là ít. Vô số người thi nghiên cứu sinh không đậu, thậm chí 3 năm liền vẫn không khả quan, nhưng họ không hề muốn từ bỏ.
Thi nghiên cứu sinh dường như trở thành chấp niệm, là một khâu phải hoàn thành trong hành trình đường đời của rất nhiều sinh viên thời nay!
Bộ phận sinh viên này nhìn thì có vẻ rất cầu tiến, nhưng thực tế lại là đại diện cho thực trạng “ăn bám biến tướng”. Nhiều ông bố bà mẹ lo lắng con cái áp lực nên không dám khuyên bảo, còn khoe khoang con mình có tiền đồ xán lạn, nhưng thái độ học tập đã lạc lối từ lúc nào không hay.
Kiên trì một cách mù quáng là biểu hiện của thái độ không muốn đi làm, không biết làm gì, cũng không muốn chịu trách nhiệm với áp lực và cuộc sống của bản thân.
Một là chuẩn bị kỹ càng cho cuộc thi, hai là tiếp tục "ăn bám cha mẹ"
Đối với đa số phụ huynh, bất kể thời điểm nào, họ đều không muốn thừa nhận con cái mình kém cỏi, đặc biệt là khi nhìn thấy con tự tin vạch ra kế hoạch tương lai. Đây cũng chính là lúc phụ huynh được an ủi nhất vì cho rằng cuối cùng con cũng đã trưởng thành, hiểu chuyện.
Song, hy vọng các vị phụ huynh có thể hiểu rằng, con cái cầu tiến hay không còn phải suy xét ở nhiều góc độ, chứ không phải chỉ dựa vào vài ba câu nói hào hùng nơi cửa miệng. Thật ra, đa số phụ huynh đều biết rất rõ thực lực của con cái. Chỉ là họ không muốn đối diện với hiện thực mà thôi!
Đối với sinh viên, 2 năm sau thời điểm tốt nghiệp là thời kỳ hoàng kim để tìm kiếm công việc. Đặc biệt là bộ phận sinh viên vừa mới tốt nghiệp sẽ có nhiều cơ hội hơn lứa sinh viên đã tốt nghiệp 1-2 năm nhưng không có nhiều kinh nghiệm.
Nếu sinh viên tốt nghiệp bỏ lỡ cơ hội này, cuối cùng chỉ có thể tìm đến những loại công việc mang tính ổn định thấp, đương nhiên mức lương và đãi ngộ đều không đạt mức lý tưởng, đồng thời phải đối mặt với rủi ro thất nghiệp rất cao.
Vậy nên, phụ huynh nên nhận thức rõ ràng mục đích thật sự khi con cái khi quyết định thi nghiên cứu sinh. Có sự chuẩn bị mới được xem là cầu tiến đúng nghĩa. Còn không, họ chỉ mượn cớ để về nhà ăn bám cha mẹ. Điều này không phải là kết quả tốt đối với sinh viên lẫn phụ huynh.
Ngoài nghiên cứu sinh, sinh viên đại học còn có thể làm gì để nâng cao ưu thế tìm việc?
Năm 2022, Trung Quốc có 4,57 triệu thí sinh báo danh thi nghiên cứu sinh, dự đoán tăng lên đến con số 5,2 triệu trong năm 2023.
|
Kỳ thi mỗi năm một khó. Sinh viên thất bại nhiều hơn nhưng vẫn cố gắng “tham chiến từ trận này qua trận khác, từ năm này qua năm khác”. Cũng giống như việc dùng rổ tre múc nước, múc thì nhiều nhưng nước đọng lại trong rổ chẳng còn bao nhiêu.
Thi nghiên cứu sinh cần rất nhiều thời gian và công sức. Học nghiên cứu sinh cũng là một quá trình đầy áp lực và tiêu tốn tiền bạc rất lớn. Đặc biệt là nghiên cứu sinh lấy học vị tiến sĩ, không phải chỉ có năng lực đều thành công.
Cách thực tế nhất để học sinh, sinh viên có thành tích bình thường nâng cao ưu thế tìm việc chính là lựa chọn đúng chuyên ngành phù hợp với bản thân.
Nếu đã lỡ chọn chuyên ngành không phù hợp thì cố gắng rèn luyện thêm kỹ năng chuyên môn khác. Như thế thì con đường tương lai phía trước mới có nhiều cơ hội hơn.
Bước chân vào xã hội không chỉ đòi hỏi bằng cấp cao, học lực xuất sắc, mà năng lực là thứ được đòi hỏi đầu tiên.
Bất kể thi nghiên cứu sinh hay không, bạn phải sống đúng với con tim của mình, cũng phải xứng đáng với công sức cha mẹ đã bỏ ra.
PHAN (Nguồn: Sohu, 163)