leftcenterrightdel
 Hôm nay cả nhà tôi lại đưa con trai đi thi (ảnh: Hải Yến)

Mỗi kỳ thi lớn, nhìn cha mẹ ngồi la liệt chờ đợi, đội nắng, dầm mưa, ánh mắt đầy quan tâm, trông ngóng... trong tôi lại tràn ngập cảm xúc. Đâu đó là cái ôm động viên, là cái vỗ vai an ủi, là nụ cười mừng rỡ khi con làm bài tốt.

Chồng tôi là người vô cùng bận rộn, thường xuyên phải thức đêm làm cho hết việc. Thế nhưng, mỗi khi con cái có việc học hành thi cử gì, là anh đều “giành” đưa đón, dù chỉ là đi thi cờ vua ở quận, hay năm rồi con gái lớn thi tốt nghiệp THPT, năm nay con trai nhỏ tuyển sinh lớp 10, anh vẫn muốn được đồng hành với con. Tôi tất nhiên cũng không thể nhường hết “vinh quang” cho chồng, nên cuối cùng chốt hạ là cả 2 cùng đưa đón cho công bằng.

Nói vui thế, chứ con thi cử, mình có đi làm việc khác cũng khó mà yên tâm, luôn thấp thỏm lo âu, cũng là tâm lý bình thường. Đặc biệt là kỳ thi quan trọng như thi vào cấp ba công lập, hay thi THPT, khiến con căng thẳng áp lực, thì càng cần có người thân gần gũi. Tôi tin rằng, đấy cũng là suy nghĩ chung của nhiều ông bố bà mẹ, lựa chọn gác lại việc mưu sinh, để con có thể yên tâm “có mẹ chờ” ở ngoài cổng.
leftcenterrightdel
 Tấp nập xe cộ và cha mẹ chờ con ở các điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 sáng nay (ảnh: Hải Yến)

Vậy nhưng, vẫn nhớ năm trước, khi biết đồng nghiệp xin nghỉ phép để đưa con đi thi tốt nghiệp THPT, vẫn có người xa gần phê phán “bố mẹ không chịu để cho trẻ lớn”. Cá nhân tôi lại muốn thẳng thắn rằng, tôi thích được đưa đón con trong các mốc sự kiện của chúng, và tôi cảm thấy mình hạnh phúc khi đồng hành cùng con trong các kỳ thi.

Cảm giác chen chân cùng nhiều ông bố bà mẹ trước cổng trường khiến tôi an tâm và xen lẫn xúc động. Càng cảm nhận được tâm lý đề cao sự học, gắn kết gia đình, quan tâm lẫn nhau trong không khí hồi hộp ngóng về một phía ấy. Có cậu bé lớp 9 đã cao chừng mét bảy vẫn được cả ba mẹ và chị gái cùng đưa đi thi. Một chị phụ huynh nói to như phân bua: "Chị thích cảm giác đưa đón con đi thi. Giờ vẫn nhớ như in những giờ phút, tháng ngày đó của 2 đứa con...”.

Một cô gái trẻ chia sẻ trên mạng: "Em cũng từng được ba chở đi vào các kỳ thi quan trọng, và thấy rất là hãnh diện về điều này dù bản thân hoàn toàn có thể tự đi. Sau này, tất cả những mốc quan trọng của con, em đều thu xếp để có mặt. Đó niềm hạnh phúc. Bạn em từng kể, ra khỏi cổng trường thấy ba mẹ người ta háo hức đợi con mà tủi lòng, thèm được ba mẹ quan tâm, chăm sóc như thế. Nhìn bạn nước mắt chảy dài mà thương. Nên sau này, khi lập gia đình rồi sinh con, em đã tự hứa với lòng là sẽ luôn bên con trong mọi hành trình".

leftcenterrightdel
 Ảnh: Thư - Thảo

Tôi đồng cảm với suy nghĩ của cô ấy. Bởi nếu theo dõi kỳ các thi, bạn có thể nhớ sự kiện học sinh bật khóc ở cổng trường vì đi trễ, nhiều người đã băn khoăn với câu hỏi: "Ba mẹ của em đâu, sao lại để con tự đi như thế này…".

Ở đây xin không bàn luận về chi tiết của sự việc, chỉ muốn nhấn mạnh rằng, khoảnh khắc con cần người làm cha mẹ chúng ta nhất, chính là lúc này. Mọi nỗ lực phấn đấu, kiếm tiền… làm sao so sánh được với giây phút con được ở bên ba mẹ.

Cá nhân tôi xác định rằng, ngày nào tôi còn có sức khỏe và con tôi còn đi thi, thì tôi vẫn muốn đưa đón con. Nếu hiểu tự lập, trưởng thành là không có bố mẹ bên cạnh, thì tôi thà kệ “không để con lớn”. Tôi càng tin rằng, để một đứa trẻ có thể trưởng thành bình thường, không bị khiếm khuyết về tâm hồn, cảm xúc, thì luôn cần ba mẹ sát sao song hành, đặc biệt là trong mỗi khúc quanh quan trọng.

18 tuổi hay 28, thậm chí là 48, 58 tuổi, thì con vẫn là đứa trẻ bé bỏng trong lòng cha mẹ. Vẫn mong được đón nhận yêu thương, vẫn cần chỗ dựa tinh thần, vẫn kêu lên trong vô thức “mẹ ơi” mỗi khi vấp váp đớn đau… đó thôi. Bạn không nghĩ vậy à?

Chưa kể, đâu phải bố mẹ nào muốn cùng con là con chịu. Càng lớn con càng muốn bứt khỏi vòng tay cha mẹ, nên còn tận dụng được cơ hội nào để đi cùng con thì đi thôi! "Con lớn rồi", "con tự biết lo", "để con tự đi"… chính là những câu từ chối khi con không đồng ý để đưa đón.

Đưa con đi thi sao lại là không cho con lớn? Con có cả cuộc đời để trưởng thành, nhưng có mấy ngày để đi thi?

Thi thoảng, ai đấy chẳng đặng đừng mới phải để con tự đi một mình. Vì đưa đi thi và "chăm chút hầu con tận răng" là 2 vấn đề hoàn toàn khác nhau. Đừng đánh tráo khái niệm, biến việc quan tâm của cha mẹ thành nuông chiều thái quá, rồi bảo các con không thể tự lập, trưởng thành…

Và dẫu thế nào, mấy ngày này tôi vẫn chọn là một bà mẹ đội nắng, lo mưa, chờ con ở cổng trường.

Theo phụ nữ TPHCM