Trẻ em học được nhiều điều về khả năng tự điều chỉnh - cách ứng phó với những tình huống nhất định - trong những năm đầu đời. Kỹ năng này có thể giúp trẻ phản ứng một cách bình tĩnh thay vì giận dữ trong những tình huống bực bội hoặc căng thẳng, học cách hòa hợp với người khác và trở nên độc lập. Hiện nay, việc cha mẹ dùng thiết bị kỹ thuật số để dỗ con quấy khóc đã trở nên phổ biến và điều đó khiến trẻ không học được cách điều chỉnh cảm xúc của mình.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Eötvös Loránd ở Hungary đã yêu cầu 265 phụ huynh điền vào bảng câu hỏi về hành vi của con họ, có độ tuổi trung bình là 3,5 tuổi. Bảng câu hỏi tiếp theo được thực hiện 1 năm sau đó. Phân tích cho thấy: cha mẹ càng lạm dụng điện thoại hoặc máy tính bảng như công cụ xoa dịu cơn quấy khóc của con họ, thì kỹ năng quản lý sự tức giận và thất vọng của đứa trẻ càng tệ hơn.

Tác giả chính của nghiên cứu - tiến sĩ Veronika Konok - cho biết: “Nếu cha mẹ thường xuyên đưa cho con mình một thiết bị kỹ thuật số để trấn tĩnh hoặc ngăn cơn giận dữ của chúng, trẻ sẽ không học được cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân.

Điều này dần dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khó khăn về quản lý cơn giận trong cuộc sống sau này của trẻ”. Các phát hiện được nhóm công bố trên Tạp chí Frontiers in Child and Adolescent Psychiatry cũng cho thấy, những đứa trẻ có kỹ năng quản lý cơn giận kém hơn có nhiều khả năng được cung cấp các thiết bị kỹ thuật số hơn trong giai đoạn đầu đời.

Tiến sĩ Konok kết luận: “Cơn giận dữ không thể được chữa khỏi bằng các thiết bị kỹ thuật số. Trẻ em phải học cách quản lý những cảm xúc tiêu cực của mình. Các em cần sự giúp đỡ của cha mẹ trong quá trình học tập này chứ không phải sự trợ giúp của thiết bị kỹ thuật số”. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, điều quan trọng là cha mẹ không cần tránh những tình huống có thể khiến trẻ khó chịu. Thay vào đó, họ nên huấn luyện con mình vượt qua những tình huống khó khăn, giúp chúng nhận biết cảm xúc cá nhân và dạy chúng cách xử lý phù hợp.

Theo phụ nữ TPHCM