Chị mở tủ, lựa cái áo tay dài có cổ cao để mặc. Chị đương nhiên không muốn bản thân trở thành mồi ngon cho mấy bà tám trong văn phòng. Chỉ cần nhìn vào mấy vết thương trên tay trên cổ chị thôi, là đủ cho trí tưởng tượng của mọi người tha hồ bay bổng, vẽ ra nhiều điều như… đánh ghen chẳng hạn. Chưa kể, nếu biết ra sự thật, thì cũng chẳng hay ho gì, cho cả chị và đứa con gái bất trị nhà mình…

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Bởi riêng mỗi cái lý do “bị con gái cào cấu” thôi là quá kinh khủng rồi. Chị còn chẳng dám tin vào điều ấy, dù chính chị là người trong cuộc. Mọi chuyện bắt nguồn từ cái điện thoại, món đồ vật đang mang lại bao nhiêu bi kịch cho nhiều gia đình. Ngay chị cũng không ngờ, có lúc cái thiết bị “thông minh” ấy khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ tới mức này. Đó là khi bé Bắp cứ mải miết bấm bấm vuốt vuốt lên cái màn hình cảm ứng, mặc kệ mẹ gọi mấy lần. Sau chót, chị nổi cơn điên, đứng trước mặt Bắp mà hét.

Bắp giật mình nhìn lên, rồi tiếp tục ngó lơ, cắm cúi vào cái điện thoại. Chị hết cả kiên nhẫn, liền đưa tay giật lấy cái máy, đùng đùng cất vào trong tủ. Bắp ngồi sững vài phút trước khi vùng vằng đứng dậy, tiện tay vơ lấy con vịt đồ chơi vốn có thể phát ra âm thanh rất to. Trong cơn tức giận, Bắp liên tục bóp mạnh vào con vịt ấy, như để thách thức mẹ. Chị giận run người, chạy tới rứt con vịt khỏi tay nó. Bắp giành lại, lao vào mẹ…

Mọi chuyện phía sau giống như trong một cơn ác mộng mà chị thật không muốn nhớ lại. Bắp lăn xả vào mẹ, miệng la hét, tay chân loạn xạ. Chị vừa tránh né vừa ôm con bé lại, nhưng không thể cản nổi sức mạnh của một đứa con gái 13 tuổi đã to cao gần bằng mẹ...

Lúc chị đi tắm, nước chảy vào mấy chỗ xây xát trên cổ, xót rát. Nhiều vết trầy xước nhưng đâu đến mức quá nặng so với một người đàn bà trưởng thành, từng trải qua sinh mổ, nhưng vẫn khiến chị tự dưng bật khóc. Có những nỗi đau không đến từ da thịt, mà len tận vào trong lòng, đau xót tận tâm can người làm cha, làm mẹ…

Vết thương không tới độ nghiêm trọng, nhưng chị vẫn một mình nức nở rất lâu đêm đó. Chị thấy mình thất bại, bất lực trong việc dạy con. Chị tự hỏi bản thân đã làm sai ở đâu, điều gì khiến cho cuộc đời mình phải đối mặt với cảnh này cơ chứ?

Chị xưa nay đọc báo, thấy nhiều đứa trẻ tụ tập sẵn sàng đánh bạn, bạo lực học đường lên ngôi. Chị vừa sợ vừa cảm thấy khó hiểu. Con người sinh ra bản năng là lương thiện, hà cớ gì mà cái ác và sự hung dữ lại lên ngôi như thế này cơ chứ? Nhưng hôm nay… Đứa con gái bé bỏng chị từng ẵm bồng cho bú cho ăn, giờ có thể xô đẩy cào cấu với mẹ như kẻ thù, thật ư?

Nhiều bà mẹ ngã ngửa trước phản ứng của con, chỉ vì tước điện thoại của chúng
Nhiều bà mẹ "ngã ngửa" trước phản ứng của con, chỉ vì tước điện thoại của chúng

Chị nhớ có lần vừa đi làm về, nghe bà ngoại ca thán là hai đứa con chị chí chóe đánh nhau ầm ĩ ở nhà. Chẳng thể can ngăn, lại sợ chúng nó trong cơn hung hăng đẩy té thì thêm khổ. Chẳng mấy chốc mà chúng dám giết nhau chứ chẳng đùa!

Chị tin vào nhận xét ấy, bản thân chị cũng thấy bất an. Từng có lúc, chị không biết lý do vì sao bọn trẻ lại đánh đấm nhau đơn giản, tràn lan như bây giờ. Nay thì chị đã hiểu hơn, từ câu chuyện chính mình vừa trải. Hiểu mà xa xót ân hận. Giá như chị chọn cách hành xử khác, nhẹ nhàng kiên nhẫn hơn. Giá như chị từng dành nhiều thời gian gần gũi bên con hơn. Giá như chị đừng chủ quan cho rằng, con mình vẫn luôn bé nhỏ vâng lời, mẹ có cư xử sao cũng được. Giá như chị bớt nóng nảy mà chịu khó đối thoại với con thêm… Bao nhiêu cái “giá như” trong muộn màng day dứt.

Mấy hôm nay, mẹ con chị vẫn chưa nói chuyện lại với nhau. Các vết thương trên cổ trên tay chị còn sưng đỏ, lộ rõ ra khi chị mặc đồ bộ ở nhà. Con bé lấm lét nhìn, nhưng im lặng chẳng nói gì, ngay cả một câu xin lỗi. Mắt nó dịu xuống trong nỗi buồn, khiến chị vừa thương vừa trách. Dẫu thế nào cũng là mẹ con, cần phải bình tĩnh làm lại từ đầu. Thâm tâm chị vẫn còn giận con. Nhưng nhiều nhất vẫn là giận mình…

Theo phụ nữ TPHCM