Tôi là con trai duy nhất trong gia đình. Từ lúc ra đời, bố mẹ đã mặc định sau này tôi phải ở chung, thờ cúng, vui buồn cùng ông bà. Điều đó có nghĩa kể từ thời khắc tôi được sinh ra đã xác định cuộc đời tôi sẽ không bao giờ do tôi tự quyết định.
|
|
Từ bé tôi đã nghe bố mẹ bàn nhau sắp xếp tôi lớn lên làm gì, lấy ai, ở đâu (ảnh minh hoạ) |
Từ thời thơ ấu, tôi đã luôn nghe bố mẹ mình nói rằng sau này tôi học trường gì, lớn lên làm nghề gì, cưới ai làm vợ, bao nhiêu tuổi phải lập gia đình. Rồi ngay cả chuyện thu xếp nơi ăn chốn ở cho tôi lúc trưởng thành, ông bà cũng quyết luôn mà chẳng cần hỏi ý con trai. Nhà có sẵn 3 phòng ngủ. Ông bà vạch sẵn: bố mẹ ở 1 phòng, 2 phòng còn lại sẽ là cho vợ chồng và các con của tôi.
Tôi ngộp thở với sự quan tâm, yêu thương quá mức của bố mẹ. Những gì tôi được làm và không được làm, ngay cả bạn bè của tôi là ai đều do ông bà sắp đặt.
Năm tôi vào đại học, bố mẹ tự chọn ngành cho con, không buồn hỏi tôi có thích, có năng khiếu về chuyên ngành đó không. Qua bao nhiêu năm bị giật dây như con rối, cuối cùng tôi đã nổi loạn. Tôi bỏ học, đóng cửa ở nhà ngủ. Thế rồi bố tôi lại đi kiếm trường khác, đăng ký cho tôi học và ông cũng chẳng thèm hỏi tôi có đồng ý hay không.
Được vài tháng, tôi bỏ học tiếp. Tôi không thể chịu nổi áp lực ở chung với bố mẹ. Tôi đã ngoài 20 tuổi nhưng ông bà vẫn ôm ấp, coi tôi như trẻ lên 3. Tôi biết bố mẹ làm nhiều điều cho mình. Thế nhưng tôi thấy bí bách vô cùng.
Một ngày đẹp trời, tôi đã ra ngoài thuê nhà ở. Ra ngoài sống, tôi có thời gian để bình tâm, suy nghĩ về đời mình, để biết mình cần gì và nên trở thành ai. Tôi đi học lại, tất nhiên học ngành mà tôi muốn.
Khi thoát ly khỏi gia đình, tôi như được sinh ra lần nữa. Tôi vừa đi học, vừa đi làm thêm. Tôi tự biết dọn phòng, nấu cơm, giặt giũ. Ngày nào bố mẹ cũng gọi điện, nhắn tin gọi tôi về. Đối với ông bà, việc tôi ra ngoài sống tự lập là không thể chấp nhận được. Thế là bất hiếu.
|
|
Từ ngày ra ngoài ở, tôi mới có thời gian suy nghĩ và biết mình cần gì, muốn gì (ảnh minh hoạ) |
Tôi chịu áp lực cả từ phía dòng tộc, họ hàng. Họ dùng cái lý con trai phải thờ phụng, phải sống chung với cha mẹ để chèn ép tôi. Có những người còn buông lời ác nghiệt: “Khổ ông bà Đức - Hùng (tên bố mẹ tôi). Cố mãi đẻ được thằng con trai chống gậy, trông cậy tuổi già thì nay nó lại bỏ ra ngoài ở". Bố mẹ tôi cứ thế mà dằn vặt con cái, khóc lóc, tự nhận mình vô phúc.
Mỗi lần tôi về thăm bố mẹ, ông bà lại giữ không muốn tôi ra đi. Vừa qua, được nghỉ lễ 5 ngày, tôi về ở thăm bố mẹ 3 đêm. Tới ngày thứ 4, tôi xin phép ông bà để về nhà mình. Mẹ tôi giãy nảy phản đối, còn bố dọa tới chỗ tôi ở, gặp chủ nhà nói chuyện để họ không cho tôi thuê nữa.
Nhân lúc bố mẹ không để ý, tôi lén ra khỏi nhà. Mãi tới khi đi khỏi một quãng xa, tôi mới rút điện thoại nhắn tin. Tôi xin rằng bố mẹ hãy cho tôi được sống cuộc đời của mình.
Bố mẹ tôi mới 60 tuổi, ông bà vẫn khoẻ mạnh, đi lại bằng xe máy bình thường. Nếu một ngày ông bà tuổi già sức yếu, chắc chắn tôi sẽ về sống cùng để chăm lo. Nhưng bây giờ còn khoẻ, sao bố mẹ không chơi với nhau, không đi du lịch cùng bạn bè, hưởng thụ các thú vui của cuộc sống, mà cứ chú ý đến tôi?
Tôi nhìn bạn bè cùng lứa với mình mà thèm. Họ có cuộc sống thật năng động, họ dám ước mơ, dám đi, dám trải nghiệm. Còn tôi chỉ là con trai nối dõi mà không dám quyết định điều gì. Tôi phải mơ cùng giấc mơ với bố mẹ và sống cuộc đời của bố mẹ. Bây giờ, tôi bứt ra ngoài, mong rằng bố mẹ sẽ quen dần với việc vắng bóng tôi, biết đâu ông bà sẽ khám phá một cuộc đời mới, sáng tươi, rực rỡ...
Theo phụ nữ TPHCM