Ảnh: NY TIMES

Dù chưa đủ bằng chứng khoa học để đi đến kết luận rõ ràng về ảnh hưởng của trò chơi điện tử bạo lực lên hành vi con người, những vụ án thương tâm trong đó chính kẻ thủ ác thừa nhận bắt chước những gì được thấy trong game là bài học đau lòng mà không nhà quản lý nào muốn lặp lại.

Từ click chuột đến cầm súng

Ngày 20-4-1999, vụ thảm sát xảy ra tại Trường trung học Columbine ở bang Colorado gây rúng động nước Mỹ.

Hai học sinh lớp 12 Eric Harris và Dylan Klebold, trang bị dao, súng và chất nổ, đã xả súng giết chết 12 học sinh và 1 giáo viên, làm bị thương 24 người khác rồi tự sát ngay trong thư viện trường.

Eric và Dylan là những "game thủ" kỳ cựu của trò chơi điện tử Doom, một trong những tựa game bắn súng tiên phong và thịnh hành nhất vào thập niên 1990.

Trong trò chơi này, người chơi điều khiển nhân vật ở góc nhìn thứ nhất bắn giết xác sống và quái vật ngoài hành tinh trên một trạm không gian, bắt đầu với súng ngắn và dần thu thập thêm vũ khí qua mỗi vòng chơi.

Hai kẻ xả súng được cho là đã tạo một bản đồ mô phỏng kiến trúc ngôi trường trong game và dành nhiều tiếng luyện tập đường đi nước bước của vụ tấn công bên trong trò chơi. Trong đoạn video tự quay trước khi tiến hành vụ thảm sát, Eric tuyên bố vụ giết người sẽ "giống như chơi Doom".

Trong nhật ký riêng, thanh niên 18 tuổi viết: "Tôi không thể để cảm giác thương hại làm mình chùn tay… nên tôi sẽ buộc bản thân phải tin rằng mọi người chỉ là những con quái vật". Trong những dòng lưu bút để lại trong kỷ yếu của Eric, Dylan nói đã "nhận thấy có sự tương đồng giữa con người và những xác sống trong Doom".

Người Mỹ bàng hoàng. Không ai tin một tội ác như vậy có thể diễn ra ngay trong trường học, với nạn nhân là những học sinh và giáo viên vô tội. Nhưng nó đã diễn ra, và không phải là lần duy nhất.

Năm 2012, thế giới một lần nữa sững sờ khi thanh niên 20 tuổi Adam Lanza bắn chết mẹ mình bằng chính khẩu súng trường của bà rồi lái xe đến Trường tiểu học Sandy Hook ở thị trấn Newton, bang Connecticut xả súng bắn chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em là những học sinh tiểu học chỉ mới lên 6, 7.

Tất cả nạn nhân đều bị bắn trúng ít nhất 2 lần, trong đó nhiều nhất là một học sinh 6 tuổi lãnh 11 phát đạn lên người. Adam cũng tự kết liễu đời mình bằng một phát đạn vào đầu trước khi bị cảnh sát bắt.

Và cũng như Eric và Dylan, Adam là một thanh niên nghiện game. Một kho trò chơi điện tử được cảnh sát tìm thấy bên dưới tầng hầm nhà Adam, nơi y dành hàng tiếng đồng hồ mỗi ngày để "cày" game.

Hàng chục tựa game do Adam sở hữu mang đề tài chiến tranh, đánh đấm, bắn súng, băng đảng và chém giết, hầu hết đặt ra cho người chơi mục tiêu hạ gục hoặc gây thương tích cho đối thủ bằng vũ khí hoặc thực hiện những hành vi phạm pháp như giết người, cướp bóc.

Adam là một trong những trường hợp được kể trong Stop Teaching Our Kids to Kill (tạm dịch: Hãy ngừng dạy trẻ cách giết người), quyển sách kêu gọi hành động chống lại nội dung bạo lực không chỉ từ trò chơi điện tử mà còn cả phim ảnh và chương trình truyền hình.

Theo sách, một trong những trò chơi yêu thích của Adam là Combat Arms, một game bắn súng trong đó người này đã kết liễu được tổng cộng 83.496 "mạng", bao gồm 22.725 phát đạn bắn trúng đầu đối thủ - một "thành tích" giúp người chơi được thưởng nhiều điểm hơn. Không có điểm thưởng nào cho Adam khi y ghim 4 viên đạn tàn nhẫn vào đầu chính mẹ ruột mình.

Ảnh: BAY AREA NEWS GROUP

Thực - ảo lẫn lộn

Trẻ em đắm chìm trong các hình thức giải trí bạo lực có thể bị lệch lạc nhận thức giữa thực tại và thế giới ảo, thậm chí không thể giải thích cho những hành vi man rợ của chính mình.

Ngày 24-3-2013, Noah Crooks, khi đó 13 tuổi, bắn chết mẹ mình bằng 22 phát súng hơi rồi nhắn tin cho cha với nội dung: "Con lỡ tay giết mẹ. Con hối hận lắm. Cha về ngay đi".

Không lý lẽ nào có thể biện minh cho việc nã 22 phát đạn vào một người là "lỡ tay", nhưng sẽ không khó hiểu khi biết Noah dành đến 18 tiếng mỗi ngày để "luyện tập" cho hành vi đó trong các trò chơi bạo lực.

Một trong những game ưa thích của Noah là Grand Theft Auto (GTA), nơi người chơi điều khiển các nhân vật "giang hồ" thực hiện những phi vụ giết người, cướp của và thanh toán để lấy số má và tích lũy tài sản trong game nhằm leo lên đầu "chuỗi thức ăn".

Hành vi giết mẹ của Noah được đánh giá có sự tương đồng với một nhiệm vụ trong GTA yêu cầu người chơi giết chết một cô gái bán hoa sau khi "quan hệ". Thậm chí Noah còn thừa nhận đã "cố cưỡng hiếp mẹ" khi gọi điện cho đường dây khẩn cấp 911.

Hành vi phạm tội bắt chước trò chơi điện tử không phải hiếm. Ngày 10-6-2013, John Zawahri biến bãi biển Santa Monica, bang California thành một màn chơi đẫm máu khi cậu nã súng vào người dân và xe cộ sau khi đã giết chết cha và anh ruột tại nhà, rồi bị cảnh sát hạ gục trong một cuộc đấu súng, không khác gì một cảnh trong trò chơi GTA.

Năm 2003, Devon Moore, 18 tuổi, bắn chết 3 sĩ quan tại một đồn cảnh sát ở bang Alabama rồi cướp xe cảnh sát bỏ trốn với câu nói lạnh người: "Đời là trò chơi. Ai rồi cũng chết". Một trong những nhiệm vụ trong GTA có nội dung gần như y hệt: thoát khỏi đồn cảnh sát, giết sĩ quan, rồi chạy thoát bằng xe công vụ.

Chưa thể mạnh tay

Trong một tuyên ngôn chính sách vào tháng 8-2015, Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ cho biết nghiên cứu đã chỉ ra có mối liên hệ "giữa việc chơi trò chơi điện tử bạo lực và sự gia tăng hành vi hung hăng cũng như sự suy giảm hành vi xã hội, sự đồng cảm và đạo đức".

Trong hướng dẫn về bạo lực truyền thông đưa ra vào tháng 7-2016, Viện hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cảnh báo trò chơi điện tử "không nên sử dụng con người hoặc các mục tiêu sống khác để làm đối tượng cho hành động giết chóc hoặc tưởng thưởng cho hành vi này, vì như vậy trẻ sẽ học cách liên hệ niềm vui và thành công với khả năng gây đau đớn và đau khổ cho người khác".

AAP tổng hợp kết quả của hơn 400 nghiên cứu để đưa ra nhận xét có mối liên hệ đáng kể giữa việc tiếp xúc với truyền thông bạo lực (nói chung, trong đó có game bạo lực) và hành vi, ý nghĩ hung hăng hay cảm xúc giận dữ. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2018 đưa "nghiện game" vào danh mục các bệnh rối loạn được công nhận chính thức.

Năm 1993 và 1994, hai thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Joe Lieberman và Herb Kohl triệu tập các phiên điều trần trước Quốc hội về tác hại của trò chơi bạo lực lên trẻ em xoay quanh quan ngại về tựa game nổi tiếng Mortal Kombat, một game đối kháng với những "tuyệt chiêu" triệt hạ đối thủ cực kỳ tàn bạo như chặt đầu, thiêu sống, phanh thây hay rút xương sống.

Kết quả là sự ra đời của Ủy ban đánh giá phần mềm giải trí, một đơn vị phi lợi nhuận hoạt động độc lập chịu trách nhiệm gắn nhãn giới hạn độ tuổi cho các trò chơi điện tử phát hành tại Mỹ.

Nhiều nước ngoài Mỹ cũng đã có quy định quản lý trò chơi điện tử đối với trẻ em dù không chủ đích nhắm vào yếu tố bạo lực.

Trong quy định ban hành tháng 11-2019, Tổng cục Báo chí và xuất bản Trung Quốc yêu cầu mỗi game thủ dưới 18 tuổi chỉ được phép chơi game tối đa 90 phút mỗi ngày và không quá 3 tiếng vào những ngày cuối tuần hoặc nghỉ lễ. Trẻ vị thành niên bị cấm chơi game từ 22h hôm trước đến 8h sáng hôm sau.

Đây được cho là bước đi nhằm kéo giảm tình trạng nghiện game trong một bộ phận giới trẻ quốc gia tỉ dân, dẫn đến cận thị và kết quả học tập sa sút.

Nhà sản xuất và phát hành trò game ở Trung Quốc buộc phải có các biện pháp thực thi "lệnh giới nghiêm" nói trên cũng như xác minh chính xác độ tuổi và danh tính của người chơi, trong khi chính quyền Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng một kho dữ liệu chung về tất cả game thủ ở nước này.

Tháng 4-2020, Kagawa trở thành tỉnh đầu tiên ở Nhật yêu cầu cha mẹ giới hạn thời gian chơi trò chơi điện tử của con mình không quá 60 phút mỗi ngày và dưới 90 phút/ngày vào cuối tuần, áp dụng với tất cả những người dưới 20 tuổi - tuổi trưởng thành ở Nhật Bản.

Dù không đi kèm biện pháp chế tài hay cơ chế thực thi cụ thể, trong thực tế nhiều gia đình ở đất nước mặt trời mọc rất chịu khó "nghe lời" chính quyền và quy định được kỳ vọng kéo giảm tỉ lệ nghiện game trong thanh thiếu niên địa phương.

Tội phạm bạo lực ở lứa tuổi thanh thiếu niên có yếu tố ảnh hưởng bởi trò chơi điện tử không chỉ diễn ra ở Mỹ mà còn được ghi nhận tại nhiều nước khác.

Năm 1999, Todd Cameron, 14 tuổi, xả súng ngẫu nhiên vào học sinh tại một trường học ở thị trấn Taber, miền nam Canada khiến 1 người chết. Năm 2003 ở Thái Lan, Anatcha Boonkwan, 17 tuổi, giết chết 2 bạn học sau khi thua cuộc trong một vụ đánh nhau.

Năm 2004, một học sinh 15 tuổi ở Argentina được miêu tả là "hiền lành, chưa bao giờ có biểu hiện bạo lực" xả súng trong trường học, giết chết 4 người và làm bị thương 5 người khác.

"Kỷ lục" về số nạn nhân trong một vụ giết người hàng loạt do người vị thành niên thực hiện thuộc về Tim Kretschmer, người Đức. Ngày 11-3-2009, Tim xả súng giết chết 16 người tại một trường trung học rồi tự sát, sau một "ván" Far Cry 2, một game bắn súng góc nhìn thứ nhất.

Theo tuoitre