Bìa sách 'Bikes of burden' - Ảnh: TL

Cùng với phim ảnh, chương trình truyền hình về Việt Nam được phát trên các kênh quốc tế thì những cuốn sách viết bằng tiếng Anh của tác giả Việt Nam phát hành tại nước ngoài, những tác phẩm văn học Việt Nam được dịch tiếng nước ngoài hay tác phẩm của tác giả nước ngoài đề cập đến Việt Nam... cũng là “kênh” quan trọng góp phần đưa hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè thế giới.

Bìa sách Những người phụ nữ thay đổi thế giới - Ảnh: NXB

Từ ca dao, tục ngữ, nhân vật lịch sử…

Giữa tháng 3 vừa qua, Những ngọn núi ngân vang (The mountains sing) - cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh đầu tiên của tác giả Nguyễn Phan Quế Mai, được ra mắt tại Mỹ và Canada (sau đó sẽ ra mắt tại Anh và Ireland, Hà Lan, Úc...). Về tác phẩm này, chị viết trên trang Facebook cá nhân: “Điều làm tôi xúc động nhất khi cầm quyển sách này lên là nhìn thấy tên mình bằng tiếng Việt, với đầy đủ dấu. Trong quyển sách, tên của tất cả nhân vật (toàn bộ là người Việt) cũng đầy đủ dấu. Sách có những câu tục ngữ, ca dao, những câu thơ bằng tiếng Việt… Tôi cám ơn nhà xuất bản Algonquin Books đã liều lĩnh thử thách độc giả quốc tế bằng việc đòi hỏi họ thực sự phải đón nhận văn hóa Việt Nam khi đọc quyển sách này”.

Trả lời phỏng vấn trên The Booklist Reader, tác giả Nguyễn Phan Quế Mai cho biết: “Qua tiểu thuyết Những ngọn núi ngân vang, tôi muốn bạn đọc đắm mình vào văn hóa Việt Nam, để khi đọc xong quyển sách, họ trở thành một phần của nền văn hóa đó”. Được biết, sách đã được giới thiệu trên tờ New York Times; được tờ Washington Post bầu chọn vào danh sách 10 quyển sách đáng đọc nhất tháng 3; được Câu lạc bộ sách “Sách trên tàu điện ngầm” ở New York đặt một số quyển trên ghế ngồi hành khách…

Cùng với Truyện Kiều (của Nguyễn Du), trước đó một số tác phẩm văn học của những tác giả như Nguyễn Huy Thiệp (Tướng về hưu, Muối của rừng, Trái tim hổ), Dương Hướng (Bến không chồng), Bảo Ninh (Nỗi buồn chiến tranh)... được dịch sang nhiều thứ tiếng và phát hành tại nước ngoài. Bên cạnh đó, hình ảnh Việt Nam cũng được đưa đến độc giả thế giới qua những tác phẩm của các tác giả gốc Việt như: Trần Thị Hảo, Linda Lê, Trần Minh Huy, Bùi Thị Hồng Vân (Pháp), Lại Thanh Hà (Mỹ), Kim Thúy (Canada)…

Mới đây, cuốn sách Những người phụ nữ thay đổi thế giới (tác giả người Anh Kay Woodward, Nguyễn Quí Hiển dịch) do NXB Dân Trí và Đông A phát hành tại Việt Nam cũng khiến độc giả khá bất ngờ khi Hai Bà Trưng nằm trong số 25 nhân vật được chọn giới thiệu. Trong cuốn sách này, Hai Bà Trưng cùng cuộc khởi nghĩa chống lại quân Hán xâm lược được nhắc đến khá chi tiết; cũng như giới thiệu rằng: “Tuy ngắn ngủi nhưng là một cuộc khởi nghĩa vẻ vang của dân tộc Việt Nam… Nhiều đền đài, đường phố, trường học ở Việt Nam và cả một quận ở thủ đô Hà Nội được đặt tên là Hai Bà Trưng. Việt Nam là một trong số ít những đất nước trên thế giới mà tại đó, phụ nữ đã đóng một vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu hình thành nên đất nước”.

Bìa tiểu thuyết The mountains sing (Những ngọn núi ngân vang)

Đến những ấn phẩm kích thích du lịch

Trong những năm trở lại đây đã xuất hiện nhiều cuốn sách của tác giả nước ngoài viết về Việt Nam đương đại với những góc nhìn đa dạng, thay vì chỉ nhắc đến các cuộc chiến. Cuốn sách Bikes of burden gồm 182 bức ảnh sống động ghi lại hình ảnh những chiếc xe máy và cách người dân dùng loại phương tiện từ thành phố cho đến làng quê ở Việt Nam. Loại phương tiện này không chỉ chở người mà cả những thứ hàng hóa có thể “thách thức trí tưởng tượng điên rồ nhất” của người xem. Đã có hơn 100.000 bản sách với 4 thứ tiếng được bán hết. Tác giả cuốn sách là nhiếp ảnh gia người Hà Lan Hans Kemp, người đã đi du lịch và sống ở châu Á trong gần 27 năm.

Nhiều độc giả bày tỏ sự thích thú khi đọc cuốn sách So happiness to meet you: foolishly, blissfully stranded in Vietnam của Karin Esterhammer, nhà báo từng làm việc tại nhiều tờ báo của Mỹ như Los Angeles Times, Chicago Tribune... Cuốn sách ghi lại những trải nghiệm lạ kỳ, hài hước, ấm áp của tác giả và gia đình khi sống trong một ngôi nhà nhỏ ở Sài Gòn. Mất việc, gặp khó khăn về tài chính, Karin Esterhammer quyết định cùng gia đình đến Sài Gòn sinh sống trong 1 năm. Trên trang Goodreads, một độc giả đã nhận xét câu chuyện hài hước và đánh giá cao về văn hóa Việt Nam. Cuốn hồi ký Eating Viet Nam: Dispatches from a blue plastic table của nhà báo - blogger Graham Holliday được đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain viết lời đề tựa, ghi lại những trải nghiệm ở Việt Nam, vùng đất kỳ lạ và lôi cuốn với những món ăn đầy sắc màu và hương vị tuyệt vời. Graham Holliday từng không thích đi du lịch nhưng lại không cưỡng lại sự tò mò và quyết định sống tại Việt Nam, bước vào cuộc phiêu lưu khám phá những món ăn ngon ở khắp ngõ hẻm, đường phố, từ thành phố đến các vùng quê.

Ông Emmanuel Labrande, nguyên Giám đốc Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội, cho rằng chỉ riêng ở Pháp, hiện nay số lượng đầu sách về Việt Nam không ít và ngày càng đa dạng hơn. “Điều này cho thấy Việt Nam là điểm đến du lịch yêu thích của người Pháp. Nhiều cuốn sách được xuất bản và tái bản hằng năm giúp thu hút du khách đến Việt Nam nhiều hơn”, ông Emmanuel Labrande nhận xét.

Họa sĩ thế giới vẽ bản đồ Việt Nam 

Vừa qua, sách tranh Bản đồ của 2 tác giả - họa sĩ Ba Lan Aleksandra Mizielińska và Daniel Mizieliński (đã xuất bản tại hơn 30 quốc gia) được Nhã Nam và NXB Lao động phát hành tại Việt Nam, Quỳnh Chi dịch. Theo đó, khi Nhã Nam mua bản quyền, bản đồ Việt Nam được 2 tác giả vẽ với sự hỗ trợ và kiểm chứng thông tin của biên tập viên Nhã Nam, thể hiện rõ chủ quyền của Việt Nam đối với Biển Đông và 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Phía Nhã Nam cho biết phần bản đồ Việt Nam này, các họa sĩ mất hơn 6 tháng để hoàn thiện. Các chữ “bản đồ”, phần tên các châu lục, tên nước... ở các trang trong phiên bản tiếng Việt đều được tác giả tự vẽ bằng tay.


Đặc trưng văn hóa bản địa là yếu tố thu hút

“Không chỉ riêng Việt Nam mà đối với nhiều nước khác có tiếng mẹ đẻ không phải là các ngôn ngữ thông dụng, việc để sách nước mình đến được với độc giả quốc tế luôn là điều khó khăn.

Thứ nhất, điều này đòi hỏi các công ty xuất bản sách tại Việt Nam nói riêng cũng như cả ngành xuất bản Việt nói chung cần có một ngân sách lớn để dịch thuật và quảng bá sách Việt ra thế giới. Trước đây, một số sách văn học Việt liên quan đến chiến tranh đã được các nhà xuất bản nước ngoài dịch thuật và in ấn, phát hành tại một số nước. Tuy nhiên, những đầu sách dịch thuật văn học Việt này mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Chúng ta cần dịch thuật đa dạng các thể loại sách Việt khác như sách văn hóa, ẩm thực, kinh tế, dạy tiếng Việt... mới đáp ứng được nhu cầu đa dạng của các nhà xuất bản nước ngoài.

Thứ hai, các đơn vị xuất bản Việt Nam cần chú trọng hơn trong việc đẩy mạnh xuất bản sách nội địa, do tác giả người Việt viết. Phần lớn sách của các đơn vị xuất bản từ trước đến nay đều là sách dịch từ nước ngoài, hoặc sách biên soạn tổng hợp từ nhiều sách dịch. Chỉ có nội dung hay, đặc sắc, mang đậm nét văn hóa phong tục tập quán… của người Việt mới có thể thu hút sự chú ý của các nhà xuất bản nước ngoài. Vì xét cho cùng, chúng ta chỉ có thể thông qua những thứ mang đặc trưng văn hóa bản địa mới đủ khả năng thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu của độc giả quốc tế đối với đất nước, con người Việt Nam”.

Bà Nguyễn Lệ Chi (đại diện Công ty sách Chibooks)

Theo thanhnien