Giống như nhiều học sinh trên thế giới, các khóa học của Theoni đã chuyển sang trực tuyến. Nhưng điều làm em lo lắng là kỳ thi học kỳ sắp tới bị hủy vì Covid-19. "Tôi rất buồn vì muốn học tập chăm chỉ để cải thiện điểm số nhưng không thể, giáo viên sẽ cho điểm dựa trên kết quả từ trước", Theoni nói và cho hay điểm số của học sinh nghèo thường bị đánh giá thấp hơn học sinh có điều kiện.
Tại Anh, các kỳ thi học kỳ, kỳ thi GCSE (chứng chỉ giáo dục THPT), A-level (chứng chỉ giáo dục THPT bậc cao) đã bị hủy. Giáo viên sẽ chấm điểm học sinh dựa trên điểm các bài kiểm tra, bài tập về nhà, tại lớp kết hợp điểm trung bình học tập ở từng môn.
Theoni Bosman, sống tại Anh, học tại nhà khi trường học đóng cửa vì Covid-19. Ảnh: Valerie Bosman Quarshie.
UNESCO ước tính Covid-19 khiến 190 quốc gia đóng cửa toàn bộ trường học, làm gián đoạn học tập của 91% học sinh toàn cầu, tương đương 1,6 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên. Chuyên gia giáo dục đánh giá khoảng cách bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo ngày càng trầm trọng khi trường học đóng cửa, chuyển sang học trực tuyến. Học sinh nghèo gặp khó khăn để cải thiện điểm số vì thiếu không gian, thiết bị công nghệ học tập và chịu tác động tâm lý từ hoàn cảnh.
Các chuyên gia dự đoán nếu trường học tổ chức học hè để bù đắp quãng thời gian nghỉ dịch, học sinh nghèo sẽ không thể tham gia do không đủ khả năng chi trả hoặc phải làm việc để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Từ đó, càng mở rộng khoảng cách thành tích học tập giữa hai nhóm.
Khi trường học chuyển sang giảng dạy online, tình trạng phân chia thiết bị công nghệ không đồng đều tại nhiều quốc gia được bộc lộ rõ nét. Lấy ví dụ tại Trung Quốc, theo báo cáo chính phủ năm 2019, hơn 540 triệu người, chiếm gần 40% dân số không được truy cập Internet. Ngày 2/3, Sở Giáo dục tỉnh Hà Nam, Trung Quốc đã ban hành chỉ thị yêu cầu chính quyền tỉnh giúp đỡ học sinh nghèo trang thiết bị để tham gia học trực tuyến.
Tại Mỹ, khảo sát năm 2018 của Trung tâm nghiên cứu Pew chỉ ra khoảng 17% thanh thiếu niên trong độ tuổi 13-17 không thể hoàn thành bài tập về nhà vì thiếu kết nối Internet hoặc máy tính.
Earl Martin Phalen, người điều hành mạng lưới 22 trường công lập dành cho học sinh nghèo ở Mỹ, cho biết đã kêu gọi quyên góp 6.500 thiết bị công nghệ như máy tính bảng, laptop cho học sinh. "Tôi cho rằng chính phủ nên đẩy mạnh việc hỗ trợ truy cập Internet và thiết bị công nghệ cho tất cả sinh viên", ông nói.
Kyiah Minor, 16 tuổi, học sinh của Earl, bày tỏ vui mừng khi được sử dụng máy tính vì học online trên điện thoại khó nhìn. "Nhiều học sinh trường tôi không biết về công nghệ và cũng không có ai hướng dẫn sử dụng. Họ sẽ không thể theo kịp chương trình online nên có thể phải học lại một năm", Kyiah nói.
Ngoài gián đoạn học tập, việc đóng cửa trường học có thể khiến trẻ em gặp áp lực về thể xác lẫn tinh thần. Các nhà giáo dục cho biết khi các trường học tại quốc gia Sierra Leone phải đóng cửa vì dịch bệnh Ebola năm 2015, vấn nạn bóc lột và bạo hành trẻ em đã tăng vọt.
Eric Hazard, Giám đốc chính sách châu Phi tại tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children) cho biết trẻ em nghỉ học thường bị lôi kéo tham gia lao động, bị lạm dụng và bóc lột sức lao động. "Khi áp lực kinh tế đè nặng, nhiều trẻ em nghèo phải đi làm để kiếm thêm thu nhập hoặc tảo hôn. Các bé gái phải chăm sóc em nhỏ hoặc người thân nhiễm bệnh, không thể học trực tuyến", ông nói thêm.
Tại Ấn Độ, đường dây trợ giúp khẩn cấp 24 giờ dành cho trẻ em, Childline, ước tính từ khi quốc gia này áp lệnh phong tỏa, các cuộc gọi đến tăng 50%.
Chetan Gupta, Giám đốc tổ chức trẻ em Chetna, cho biết khoảng 200.000 trẻ đường phố sống tại thủ đô New Delhi chịu "bó chân" trong các túp lều nhỏ, không có điện hoặc quạt. "Những em sống cùng gia đình phải chứng kiến những cuộc cãi vã của cha mẹ, đôi khi bị bạo hành", ông nói thêm.
Đến ngày 22/4, Covid-19 đã lan ra 218 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 2,5 triệu người nhiễm bệnh và gần 180.000 người chết.
Theo vnexpress