Hệ thống tưới theo phương pháp nhỏ giọt trên cánh đồng trồng bông
ở sa mạc Negev.
Các sinh viên còn lại đến từ Ấn Độ, Philippines và các nước châu Phi. Tham dự sự kiện có ông Khuất Văn Quyền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Israel.
Ngày 10/11, phát biểu tại lễ khai giảng, bà Hanni Arnon – Giám đốc AICAT- đã chia sẻ những thông tin thú vị về đất nước Israel và vùng đất nông nghiệp Arava - nơi có dân số khoảng 4.000 người nhưng chiếm tới 60% sản lượng nông sản xuất khẩu của Israel. Đây cũng là nơi những sinh viên tham gia chương trình sẽ có trải nghiệm học tập chương trình thạc sỹ và thực tập sinh trong thời gian tới.
Bà khẳng định “mục tiêu chính của trung tâm AICAT là nhằm chia sẻ kiến thức về nông nghiệp mà chúng tôi đã đạt đươc trong nhiều năm qua với các bạn học viên.” Bà Hanni tự hào cho biết 65 năm qua, từ một vùng đất sa mạc cằn cỗi và thiếu nước, Arava đã trở thành một cộng đồng dân cư trù phú với đầy màu xanh và sự sống. Israel ngày nay đã trở thành một trong những nước đi đầu về nông nghiệp công nghệ cao và là ví dụ điển hình về sử dụng nước trên thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, ông Khuất Văn Quyền đã cảm ơn ICAT và trường Đại học Tel Aviv đã tạo điều kiện hết sức và hỗ trợ các sinh viên đang tham gia khóa học này. Ông cũng bày tỏ sự ấn tượng với trình độ và công nghệ cao được áp dụng trong ngành nông nghiệp của nước bạn và mong muốn, phía trung tâm tạo điều kiện hợp tác hơn nữa với các trường đại học nông nghiệp của Việt Nam để có thể kết hợp đào tạo và giúp đỡ sinh viên Việt Nam tiếp cận được với chương trình học tập, quản lý nông nghiệp hiện đại của Israel.
Ông hy vọng rằng các học viên Việt Nam sau 18 tháng học tập và làm việc ở đây sẽ tiếp thu được những kiến thức và thực tiễn bổ ích để giúp ích cho quê nhà sau khi về nước.
Giáo sư Raanan Rein, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tel Aviv, cho biết đây là một chương trình học rất đặc biệt, kết hợp giữa học thuật và làm việc thực tế với sự hợp tác của trường Đại học Tel Aviv và AICAT.
Ông nhấn mạnh chương trình được đưa ra nhằm hỗ trợ vấn đề an toàn và an ninh lương thực toàn cầu mà hiện các nước đang phải đối mặt. Với việc học và làm việc tại đây, các bạn sinh viên có thể vừa nghiên cứu khoa học, vừa áp dụng trực tiếp ngoài thực địa luôn.
Ông bày tỏ tin tưởng rằng nhiều học viên sau khi tốt nghiệp có thể mang những kiến thức họ đã học tập ở đây ra áp dụng cho công việc thực tế của họ và đóng góp cho đất nước mình sau này.
Bạn Lê Thế Thức - học viên khóa 3 - cho biết mục đích của chương trình này là giúp các bạn sinh viên có điều kiện sang Israel để học hỏi kiến thức về nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây, các học viên sẽ có 2 buổi học trên lớp và 3 ngày làm việc thực tế ở các nông trại. Giảng viên ở nơi đây hầu hết đều là các giáo sư, tiến sỹ và bản thân họ là các chủ trang trại nên họ có kiến thức và kinh nghiệm thực tế rất là tốt.
Các học viên sẽ được học lý thuyết chuyên ngành về cây trồng từ các giảng viên và ngoài ra họ còn được tôi luyện bản thân trong một môi trường làm việc đầy khắc nghiệt ở vùng sa mạc.
Trong khi đó, Nguyễn Hoàng Dương - học viên khóa 4 - cho biết đây sẽ thực sự là một trải nghiệm tuyệt vời của em. Qua ba tuần ở đây, em nhận thấy người Israel là những con người có đầu óc tổ chức và sáng tạo tuyệt vời, họ biết biến những thứ tưởng chừng như đơn giản thành hiện thực và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau này nếu có cơ hội em muốn được học hỏi hơn nữa để đem về áp dụng tại Việt Nam.
Chia sẻ ý kiến của mình, bạn Mai Thị Thanh Ngà - sinh viên khóa 3 - cho biết đến với chương trình học thạc sỹ ở đây bạn không chỉ được học kiến thức về nông nghiệp mà bên cạnh đó, bạn còn thời gian đi ra làm việc thực tế ngoài nông trại. Sự kết hợp này sẽ giúp cho các bạn vừa có được kiến thức trong trường học và vừa có được kiến thức làm việc thực tế bên ngoài.
Được biết đây là khóa học thạc sỹ nông nghiệp lần thứ 4 do AICAT kết hợp với trường Đại học Tel Aviv tổ chức với mục đích đào tạo chuyên sâu cho các sinh viên trong ngành nông nghiệp đến từ các quốc gia khác nhau.
Hiện có bốn trung tâm tham gia tuyển sinh ở Việt Nam là AICAT Arava, Ramat Negev, Sdot Negev và Agrostudies.
Theo Thế giới và Việt Nam