|
|
Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Đức Anh) |
Cùng dự có: ông Lê Anh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Phó Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Campuchia; Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha; đại diện các bộ, ngành liên quan; các học sinh, sinh viên Campuchia đang học tập tại Việt Nam...
Theo quyết định về việc giao - nhận đỡ đầu sinh viên Campuchia năm học 2023-2024 của Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia được công bố tại buổi lễ, có 10 tập thể và 11 cá nhân hội viên tiếp nhận đỡ đầu 102 sinh viên Campuchia đang học tập tại các cơ sở giáo dục đại học ở khu vực Hà Nội kể từ năm học 2023-2024 đến hết khóa học.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết: Từ 12 gia đình hội viên tình nguyện nhận đỡ đầu 34 lưu học sinh ở Hà Nội và Thái Bình trong những ngày đầu tiên, sau 12 năm triển khai chương trình Ươm mầm hữu nghị đã lan tỏa đến hầu hết các tỉnh/thành phố có sinh viên Campuchia đang theo học. Trên 100 lượt gia đình, tổ chức, cá nhân tình nguyện nhận đỡ đầu gần 600 lưu học sinh.
Thông qua các hoạt động đỡ đầu, hỗ trợ lưu học sinh, quan hệ giữa các tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu, giúp đỡ và các sinh viên Campuchia ngày càng gần gũi, gắn bó thân thiết. Những "mầm ươm" hữu nghị đã dần vươn mình, phát triển xanh tươi. Điều này thể hiện qua việc hầu hết các sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu và quan tâm tại Việt Nam đều có kết quả học tập tốt. Các bạn về nước đều có công việc làm ổn định, đóng góp vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước Campuchia. Các em vẫn giữ những kỷ niệm đẹp về một thời sinh viên học tập ở Việt Nam, thường xuyên liên lạc, chia sẻ vui buồn với tập thể, gia đình, cá nhân đỡ đầu ở Việt Nam như những người thân trong gia đình. Nhiều sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu, làm con nuôi gia đình Việt xúc động cho biết các em như có thêm gia đình thứ hai trong thời gian sống, trải nghiệm tại các gia đình cha mẹ đỡ đầu Việt Nam. Đó trở thành là những kỷ niệm đẹp, ý nghĩa và không bao giờ quên trong cuộc đời của mình.
"Những kết quả của hoạt động đỡ đầu, hỗ trợ lưu học sinh Campuchia đã góp phần thiết thực vào việc xây dựng nhịp cầu hữu nghị lâu dài từ thế hệ này qua thế hệ khác giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước. Đồng thời được Ban Bí thư Trung ương Đảng ghi nhận và cho phép tiếp tục phát huy và nhân rộng. Nguyên Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen đánh giá cao và giao trách nhiệm cho hai Hội hữu nghị của hai nước phối hợp chăm lo giáo dục, giúp đỡ thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên hai nước có nhận thức đầy đủ, sâu sắc về truyền thống đoàn kết hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc và nhân dân hai nước Việt Nam - Campuchia", bà Nguyễn Thị Thanh nói.
Tiếp nối mạch nguồn đoàn kết hữu nghị tốt đẹp Việt Nam – Campuchia, với quyết tâm đưa Chương trình Ươm mầm hữu nghị phát triển bền vững, đi vào chiều sâu, Ban Chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã phát động phong trào “Ươm mầm hữu nghị” giai đoạn 2022 - 2027, phấn đấu mỗi năm nhận đỡ đầu trực tiếp từ 80 - 100 lưu học sinh Campuchia học tập ở Việt Nam. Năm học 2023 - 2024, Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia đã triển khai nhận đỡ đầu 193 lưu học sinh học tập ở Việt Nam, trong đó khu vực Hà Nội có 102 sinh viên. Dự kiến năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục nhận đỡ đầu thêm khoảng 100 lưu học sinh.
|
|
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh cùng các cha, mẹ và sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu. (Ảnh: Đức Anh) |
Để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra, bà Nguyễn Thị Thanh mong muốn tiếp tục nhận được sự chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; sự ủng hộ tích cực của Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam; sự đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện của các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở trung ương và địa phương, của cộng đồng các doanh nhân, doanh nghiệp.
Cảm ơn các cá nhân, tập thể đã đón nhận các sinh viên Camuchia làm con đỡ đầu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Campuchia tại Việt Nam Chea Kimtha tin tưởng các cha mẹ đỡ đầu với tình cảm yêu quý, chăm sóc, chia sẻ sẽ đồng hành, giúp đỡ các con cả trong quá trình học tập cũng như trong cuộc sống hàng ngày tại Việt Nam.
Bà đề nghị các sinh viên Campuchia lắng nghe những lời khuyên từ các cha mẹ đỡ đầu; thông tin về những nép đẹp văn hóa truyền thống của Campuchia đến cha mẹ đỡ đầu, bạn bè tại Việt Nam. Đồng thời nỗ lực học tập, tiếp thu kiến thức về nền văn hóa truyền thống của nhân dân Việt Nam để sự hiểu biết lẫn nhau ngày càng sâu sắc, rộng lớn. Qua đó, góp phần phát huy hơn nữa quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống Campuchia – Việt Nam anh em, là nước láng giềng cùng nhau tiến lên vì sự phát triển, phồn vinh và bền vững.
Đại diện sinh viên Campuchia được nhận đỡ đầu, em Chhon Sreyni, đoàn trưởng đoàn lưu học sinh Campuchia tại Trường Hữu nghị 80 nói: Em rất hạnh phúc khi chương trình Ươm mầm hữu nghị được Ban chấp hành Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia tổ chức tại Trường Hữu nghị 80; được các thầy, các cô nhận làm cha mẹ đỡ đầu, được sống trong không khí gia đình ấm áp, vui vẻ. Đây là nguồn động viên tinh thần, là động lực đối với các lưu học sinh sống xa nhà như em. Em cảm thấy Việt Nam như quê hương thứ hai của mình.
Nhân dịp này, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia Nguyễn Thị Thanh đã cắt băng khánh thành công trình lắp đặt trang thiết bị hỗ trợ Trường Hữu nghị 80. Công trình do Tập đoàn Quốc tế Phượng Hoàng tài trợ với tổng trị giá 500 triệu đồng. |
Theo thoidai