Chuyên gia Jack Gammon tại YouGov châu Á – Thái Bình Dương cho biết một số cho rằng roi vọt nên được cha mẹ dùng để dạy dỗ con cái chứ không nên dùng ở trường.
“Việc áp dụng hình phạt thể chất đối với trẻ em là một vấn đề gây tranh cãi. Phần lớn ủng hộ đánh đòn ở nhà, trong khi có ý kiến khác nhau về việc áp dụng hình phạt trong trường học”, theo ông Gammon.
Gần đây, nhiều cư dân mạng chia sẻ một đoạn phim mẹ một học sinh THCS mắng nhiếc giáo viên vì đánh đòn còn gái tại bang Johor. Vấn đề này sau đó đã được giải quyết tại một cuộc họp kín của cơ quan giáo dục.
Theo khảo sát, dường như những cha mẹ ủng hộ việc dùng đòn roi ở nhà có xu hướng đồng ý với việc dùng hình phạt này ở trường.
Cụ thể, 47% ủng hộ việc giáo viên đánh đòn học sinh, trong khi 20% phản đối và số còn lại không đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, 17% cho biết họ chưa từng đánh đòn con cái. Trong khi đó, 85% người được hỏi thừa nhận họ từng bị đánh đòn khi còn nhỏ. Khảo sát nhận thấy những người từng bị đòn roi có xu hướng đánh đòn con cái.
Khoảng 20% cho rằng Malaysia nên có quy định cấm cha mẹ đánh đòn con cái và 24% cho rằng hình phạt này cũng giống như bạo lực đối với trẻ em.
Malaysia chỉ cho phép đánh đòn nam sinh vào lòng bàn tay hoặc vùng mông, dù trên thực tế nhiều nữ sinh cũng bị đánh và vấn đề này thường gây nhiều tranh cãi.
Theo báo cáo đăng trên chuyên san Psychology, Health & Medicine, các hình phạt đối với học sinh từng rất phổ biến trên thế giới nhưng bắt đầu bị cấm dần trong vài thập niên qua tại nhiều nước.
Các nước hiện cấm trừng phạt thân thể học sinh gồm toàn bộ châu Âu, phần lớn Nam Mỹ, Canada, Nhật Bản, Nam Phi, Úc, New Zealand và nhiều nước khác.
Trong khi đó, hình phạt vẫn còn phổ biến tại nhiều nước châu Phi, Đông Nam Á và Trung Đông.
Tại Mỹ, phần lớn các bang cấm trừng phạt thân thể học sinh ở các trường công, trừ nhiều bang ở phía nam và phía tây nơi hàng trăm ngàn học sinh vẫn bị roi vọt hằng năm.
Tại Nga, việc này bị cấm từ năm 1917. Bộ luật Lao động năm 2006 quy định giáo viên sẽ bị sa thải nếu trừng phạt thân thể học sinh. Còn Trung Quốc cấm điều này từ năm 1949.
Theo Thanh Niên