leftcenterrightdel
 Nhiều học sinh Jakarta, Indonesia, không đủ khả năng chi trả học phí.

Chính sách trên nhằm ngăn chặn học sinh bỏ học vì khó khăn tài chính trong bối cảnh số lượng trường công có hạn.

Ông Jhonny Simanjuntak, thành viên Ủy ban Hội đồng Lập pháp khu vực Jakarta giám sát giáo dục, cho biết chính sách học sinh nghèo được học miễn phí tại các cơ sở giáo dục tư thục đã được triển khai tại hơn 400 trường THCS, THPT trong năm nay. Thành phố sẽ mở rộng số lượng trường tham gia vào năm tới.

Chuyên gia này đánh giá chính sách sẽ khả thi vì các trường tư thục được nhận quỹ hỗ trợ hoạt động trường học từ chính quyền thành phố. Do đó, việc tiếp nhận học sinh khó khăn không ảnh hưởng đến ngân sách của các trường.

Theo dữ liệu từ Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia năm 2022, Jakarta có tỷ lệ học sinh bỏ học cao nhất cả nước với số lượng khoảng 75 nghìn người. Trong 10 năm qua, nước này đã thay thế quy định giáo dục bắt buộc 9 năm thành chương trình giáo dục bắt buộc 12 năm.

Mục đích là tất cả trẻ em đều được tiếp cận giáo dục đến hết THPT. Tuy nhiên, một số lượng lớn trẻ em bị cản trở học tập do gia đình khó khăn và các chính sách hỗ trợ hạn chế.

Ông Jhonny nhấn mạnh: “Trong tương lai, sẽ không còn tình trạng học sinh bị giữ giấy chứng nhận tốt nghiệp, bị cấm tham gia thi hoặc bỏ học do chậm đóng học phí”.

Jakarta có gần 9 nghìn trường học nhưng chỉ khoảng 2 nghìn cơ sở là trường công lập miễn phí.

Theo giaoducthoidai