Đầu năm lớp Chín, con trai tôi nói con cần một cái điện thoại thông minh, vì con được chọn vào đội tuyển học sinh giỏi. Tài liệu, giáo trình và những hướng dẫn học tập của thầy cô đều thông qua nhóm Zalo nên bắt buộc mỗi học sinh phải có điện thoại, dù cái điện thoại ấy chỉ sử dụng khi ở nhà chứ không mang vào trường.
Nhưng cái smartphone ấy quả thật là tai hại.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Một buổi trưa, trong khi đáng ra tôi phải nghỉ để lấy sức làm việc vào buổi chiều thì con trai tôi đập cửa phòng mẹ dồn dập, la lớn: “Mẹ ơi, cứu con”. Hóa ra do tò mò, con đã nhận lời kết bạn và tham gia chat sex.
Rồi bên kia nhắn tin rằng đã lưu lại hình ảnh nãy giờ của con tôi kèm lời hăm dọa: “Muốn chúng tao xóa clip đó thì mày phải nộp 15 triệu đồng. Tao cho mày 5 phút để nộp tiền, nếu không, đoạn clip này sẽ được gửi đến tất cả bạn bè, cha mẹ, ông bà, họ hàng mày. Mày sẽ không còn mặt mũi đâu để đi học”.
Thằng bé 14 tuổi run cầm cập vì tài khoản kia liên tục nhắn tin đe dọa. Chúng còn chụp màn hình những đoạn clip mà nãy giờ đứa con trai ngốc nghếch của tôi “lộ hàng” chỗ kín. Con trai tôi run sợ thật sự. Nếu đoạn clip ấy lộ ra, rồi bạn bè biết được, nhà trường biết được… thì còn mặt mũi nào mà đi học?
Sự việc diễn ra quá nhanh, đường link clip đó đã được tài khoản lạ kia dán vào những phần bình luận ở các bài đăng trên trang cá nhân của con trai tôi.
Tôi trấn an con hãy bình tĩnh. “Trước tiên, hãy cho mẹ biết, lúc nãy con có quay camera về hướng mặt mũi con không?” - tôi hỏi.
May sao, câu trả lời của con là “không”. Tôi lập tức hướng dẫn con chặn tài khoản lạ kia; đổi chế độ “công khai” của mỗi bài viết trên Facebook con sang chế độ “bạn bè”, để tài khoản lạ không là bạn bè của con thì không thể bình luận được. Quả nhiên, cách chặn tin nhắn đã cho hiệu quả tức thì vì bên kia không làm sao gửi đến các kiểu tin đe dọa nữa.
Sau đó, mẹ con tôi được một phen ngồi xóa bình luận mỏi tay, vì bọn chúng đã kịp dán rất nhiều link vào các phần bình luận dưới những bài viết của con tôi khi chưa kịp đổi chế độ “công khai” thành “bạn bè”. Tôi cũng nhờ người hướng dẫn con cách đổi mật khẩu, thiết lập bảo mật cấp độ cao hơn cho tài khoản. Lần ấy, con tôi được một phen hú vía vì tội nghịch dại.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Rồi con trai tôi đẩy cái điện thoại về phía mẹ: “Thôi, từ nay mẹ cất điện thoại giùm con đi, khi nào cần học bài thì con mượn. Con sợ mình cứ ôm điện thoại rồi tò mò nữa thì chết”.
Tuổi trẻ của các con là tuổi của tò mò, nghịch ngợm và đương nhiên thường là bồng bột. Chiếc điện thoại thông minh lại là một công cụ gây nghiện mà trẻ lỡ vướng vào rồi sẽ rất khó thoát ra. Chưa kể, chiếc điện thoại ấy còn có thể gây ra nhiều chuyện tai hại như con tôi đã nếm trải.
Vậy nên, nếu vì lý do học tập mà con cần điện thoại riêng và ta phải trang bị thì mong các bậc cha mẹ hãy dành thì giờ xem con đã sử dụng điện thoại đúng thời gian và mục đích chưa. Đừng để xảy ra những điều dại dột như con trai tôi hôm nay mà có khi bản thân các con không biết cách xử lý sẽ để lại hậu quả khó lường.
Theo phụ nữ TPHCM