"Trao quyền cho phụ nữ" và "tình chị em" là những cụm từ phổ biến trong phong trào bình đẳng vài năm gần đây. Nhiều người cố gắng tránh tranh giành lẫn nhau tại nơi làm việc để tạo một môi trường lành mạnh.

Tuy nhiên, tình trạng bắt nạt, cố ý cản đường thăng tiến của đồng nghiệp vẫn xảy ra ở nhiều công ty, theo Channel NewsAsia.

Trên thực tế, hầu hết phụ nữ có thể đã vô tình trải qua sự phân biệt đối xử về giới trước đây. Chẳng hạn, một số người đã từng chứng kiến những nhận xét khó chịu về sếp nữ của họ hoặc bất hợp tác với cô gái khác tại cơ quan.

“Tôi từng thấy một đồng nghiệp nói quản lý của cô ấy là không đủ năng lực và kém cỏi trong công việc mà không có lý do rõ ràng. Người này còn yêu cầu mọi người trong bộ phận không làm theo chỉ thị của vị sếp nữ kia”, Yolanda Lee, người sáng lập kiêm CEO của Uncommon, nói.

Sự canh tranh, đấu đá lẫn nhau có thể mang lại tổn thương cho người khác. Ảnh: CNA.

Đôi khi, sự kỳ thị nữ giới còn thể hiện qua tiêu chuẩn kép. Ví dụ, nam giới được cho là người chủ động trong khi phái đẹp bị coi là xấu tính, khó chịu.

Ngoài ra, tính ganh ghét với nhóm này còn biểu hiện dưới dạng những nhận xét cá nhân không có cơ sở.

“Người bạn của tôi kể rằng một nữ quản lý đã cố ý chế giễu cân nặng và hỏi cô ấy có đang mang thai không. Mục đích của người này là để yêu cầu bạn tôi làm rõ rằng mình không mang thai”, Saara Sihvonen, cựu người mẫu thời trang, cho hay.

Sihvonen cũng đã đối mặt với những nhận xét như vậy. “Tôi bị chê là gầy quá và thậm chí người đó còn bảo tôi ngừng ăn. Cả trong và ngoài môi trường làm việc, tôi chưa bao giờ nghe những lời như vậy từ đàn ông”, Sihvonen nói.

Đố kỵ tại cơ quan


Sự kỳ thị đối phương có thể đến từ cảm giác hụt hẫng so với những phụ nữ khác. Theo Sihvonen, khi một người cảm thấy không an toàn, họ sẽ bật chế độ bảo vệ để cảm thấy bản thân tốt hơn và tăng cường sự tự tin thông qua việc đánh giá người khác.

Dần dần, điều đó đã “cắm rễ” sâu trong tâm trí của họ. Với nhiều cô gái, hành động chê bai có thể dùng trong những câu chuyện phiếm hoặc nói sau lưng nạn nhân.

Một số thành kiến vô thức về việc nữ giới tự ganh ghét lẫn nhau cũng có thể xuất phát từ xã hội gia trưởng.

“Phụ nữ cũng như nam giới không tránh khỏi những định kiến mà chúng ta nhận được từ khi còn trẻ. Sự đố kỵ có nguồn gốc sâu xa trong các xã hội và thấm nhuần qua nhiều loại tôn giáo, triết học và văn hóa đại chúng”, Lee nhận định.


                                                           Nhiều người từng trải qua thời gian khủng hoảng vì tình trạng bắt nạt tại cơ quan. Ảnh: Yan Krukov.


Lee cho rằng ngay cả những phụ nữ luôn ủng hộ người khác đôi khi cũng vô thức hành động theo hướng hạ thấp đối phương. Điều đó có thể thể hiện qua tính cạnh tranh, chỉ trích quá mức và công kích cá nhân.

Sabrina Ho, người sáng lập và giám đốc điều hành của Half The Sky, một nền tảng tuyển dụng, nhớ lại cuộc trò chuyện về chênh lệch lương giữa các giới.

“Tôi đang nói về cách các tổ chức có thể giải quyết vấn đề này thì nữ giám đốc duy nhất trong hội đồng nói rằng sự khác biệt lương bổng không tồn tại vì cô ấy được trả lương rất cao. Vấn đề là ở sự thất bại của phụ nữ vì họ có thể chưa làm việc chăm chỉ hay không đủ năng lực”, Ho cho biết

Ho nghĩ rằng khía cạnh thách thức nhất của sự đố kỵ lẫn nhau là khi các nhà lãnh đạo nữ duy trì một hệ thống chỉ cho phép "một người có chỗ ngồi ở bàn trên cùng".

Để thay đổi thành kiến vô căn cứ của người này, Ho đã đưa ra bằng chứng về chênh lệch lương giữa các giới theo số liệu thống kê của các tổ chức, chính phủ để cho thấy nó có tồn tại.

Theo Zing