Francesca (46 tuổi), giáo sư đến từ New York (Mỹ), không có ý định bỏ khẩu trang dù đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19. Cô coi đó như một loại “áo choàng tàng hình”, theo The Guardian.
“Trước kia, tôi không thích thứ gì vướng víu trên mặt nhưng giờ tôi thấy thật nhẹ nhõm khi giấu chúng đi. Nó giống như tín hiệu ‘đừng nhìn tôi’ với những người xung quanh”, người phụ nữ nói.
Sau hơn một năm đại dịch, nhiều phụ nữ Mỹ đã coi khẩu trang hay tấm choàng che mặt như một phần trong sinh hoạt thường ngày, thậm chí thích đeo chúng.
|
Sau các chương trình triển khai tiêm vaccine, nhiều người dân Mỹ vẫn bày tỏ sẽ gắn bó lâu dài với khẩu trang. Illustration:Minh Trí. |
Che đi cảm xúc trên mặt
Thực tế này hoàn toàn trái ngược với những gì từng diễn ra trước đó, khi không thiếu người dân Mỹ kỳ thị việc đeo khẩu trang, coi chúng chỉ dành cho ai đang mắc bệnh.
Những ai xuất hiện với chiếc khẩu trang trên mặt bị nhìn với ánh mắt khó hiểu, nặng hơn thì trêu chọc. Không ít người dừng đeo nó khi ra đường bởi dễ trở thành mục tiêu bắt nạt, kỳ thị, phân biệt chủng tộc.
Gần đây, giới chức Mỹ tuyên bố người đã tiêm chủng đầy đủ có thể ra ngoài mà không cần che mặt, trừ khi đến nơi tụ tập đông người. Tuy nhiên, số lượng ủng hộ tiếp tục đeo vẫn đông.
Ngoài việc ngăn virus xâm nhập, đeo khẩu trang cũng là cách để tránh đi ánh nhìn dò xét hay bị những người xung quanh để ý.
|
Che kín gần hết khuôn mặt, khẩu trang giúp người đeo nó che đi các biểu hiện cảm xúc. |
Becca Marshalla (25 tuổi) làm việc tại một hiệu sách bên ngoài thành phố Chicago, cho biết: “Các đồng nghiệp của tôi nhất trí rằng không muốn khách hàng nhìn thấy khuôn mặt mình. Thông thường, khi một khách hàng thô lỗ, tôi không được phép nhăn mặt. Với khẩu trang, tôi không phải cười với họ hay lo lắng về việc giữ một khuôn mặt trung lập”.
Aimee, một nhà biên kịch 44 tuổi sống ở thành phố Los Angeles, nói rằng việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng mang lại “tự do về mặt cảm xúc”.
“Tôi không còn thấy áp lực khi phải mỉm cười với mọi người để họ nghĩ tôi thân thiện, dễ mến. Che mặt đi cũng khiến đàn ông không còn nhìn chằm chằm vào tôi nữa”.
Bob Hall, một nhà nghiên cứu đã nghỉ hưu 75 tuổi ở New Jersey, đồng tình với công dụng kể trên của chiếc khẩu trang.
“Ở Mỹ, người ta thường mặc định người khác nên xuất hiện với vẻ ngoài tươi cười, hạnh phúc. Khẩu trang giải phóng tôi khỏi nhiệm vụ đó”.
|
Từng bị kỳ thị, người dân các nước phương Tây giờ chấp nhận đeo khẩu trang là cần thiết. |
Giấu khuyết điểm gương mặt
Đối với Elizabeth, một gia sư 46 tuổi sống gần Atlanta, Georgia, khẩu trang giúp người phụ nữ này giải quyết được chứng lo âu xã hội từng kéo dài nhiều năm.
“Tôi thấp, nặng cân và da mặt xấu, thường xuyên bong tróc. Cảm giác bị những ánh mắt khác chế giễu, phán xét thường xuyên bủa vây. Không có gì giúp che chắn cho tôi khỏi cảm giác dễ bị tổn thương hơn chiếc khẩu trang”, cô bày tỏ.
Cảm giác riêng tư mà khẩu trang mang lại cũng khiến những người làm việc từ xa suốt năm qua thoải mái hơn.
Hartley Miller, một nữ nhân viên công nghệ 33 tuổi ở San Francisco, nói rằng những cuộc gọi Zoom liên tục trong năm qua đã làm trầm trọng thêm tình trạng rối loạn, ám ảnh ngoại hình của mình.
"Trong những ngày họp trực tuyến, tôi chỉ nhìn chằm chằm vào khung hình có mình xuất hiện và tìm kiếm các khuyết điểm trên mặt", Miller kể lại. Điều này đã ảnh hưởng xấu tới hiệu suất làm việc của cô.
"Chiếc cằm chẻ to ra 6 lần, quầng mắt thâm tím. Dù thời tiết nắng nóng, tôi vẫn mặc một chiếc áo cổ lọ che kín cổ. Để che làn da nhiều mụn, tôi trang điểm dày cộp", cô thuật lại.
Khi ra ngoài đường trở lại, chiếc khẩu trang che kín cằm cùng kính râm là hai thứ bất li thân, giúp Miller phần nào bớt lo lắng hơn.
"Tôi chắc chắc 100% sẽ đeo khẩu trang trong tương lai gần. Sau những ngày không thể tập trung vào công việc, thật tuyệt khi được hòa nhập lại với cộng đồng", cô nói.
Theo Zing