leftcenterrightdel
 Bà Nguyễn Thị Điền (ngoài cùng, bên trái) gặp lại các bạn học cùng khối lớp 3 (Ảnh: Mai Thuỳ).
Là một trong những người đến tham gia sự kiện sớm nhất, trên gương mặt bà Nguyễn Thị Điền (81 tuổi, sống tại Thái Nguyên) không thể giấu nổi những niềm vui và háo hức được gặp lại bạn cũ. Bà cho biết, đúng vào ngày tết Trung thu năm 1953, khoảng 30 học sinh Việt Nam đã đi bộ từ tỉnh Thái Nguyên sang Trung Quốc để tham dự khoá học ở Lư Sơn.

Chia sẻ về thời gian khi mới sang và quá trình học tập tại Trung Quốc, bà nói: “Sau quãng đường đi dài vất vả. Khi đến được Trung Quốc, tôi thấy có điện. Rồi lần đầu được thấy tuyết, chúng tôi thích lắm". Khi đó, thời tiết ở Lư Sơn bước sang Đông nên rất lạnh. Tất cả các em học sinh đều được chính phủ Trung Quốc tài trợ phát quần nỉ, quần bông, áo bông, giày bông…

“Chương trình học gồm các môn văn hoá như bên Việt Nam và học thêm tiếng Trung. Thầy cô giáo là giáo viên từ Việt Nam sang, các anh chị học Sư phạm ở Nam Ninh, Trung Quốc và các thầy cô giáo Trung Quốc. Được các thầy cô giáo Trung Quốc nhiệt tình giúp đỡ: hướng dẫn cách học, cách ghi nhớ chữ Hán, tặng quần áo ấm, mua đồ ăn, bánh kẹo. Vì vậy, chúng tôi cũng không gặp khó khăn trong quá trình học. Bây giờ tuổi đã ngoài 80 nhưng tôi vẫn nhớ một ít tiếng Trung”, bà Nguyễn Thị Điền nhớ lại.

Bà cho biết, 5 năm sau đó, Nhà nước có chủ trương đưa trường học về nước nên học sinh của trường toả đi các trường tỉnh. Sau này các cựu học sinh thường tổ chức hội khoá, lễ kỷ niệm, lễ gặp mặt và mời các thầy cô giáo, bác sỹ Trung Quốc đến dự.

Khi cất lên bài ca “Nâng cốc” với hai ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Trung, bà Trần Minh Nguyệt (80 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết rất yêu thích tiếng Trung Quốc, âm nhạc và văn hoá Trung Quốc. Cũng như các bạn học sinh khác, năm 1953, bà theo đoàn từ Việt Nam sang học tại Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm. Đến năm 1957, bà về nước. Năm 1992, bà quay lại Trung Quốc, làm việc tại nông trường vải ở Quảng Đông cho đến năm 2003. Ngoài tiếng Trung phổ thông, bà còn biết nói một ít tiếng Quảng Đông.
leftcenterrightdel
 Bà Minh Nguyệt (áo tím) đến dự lễ “Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường Thiếu nhi Việt Nam Lư Sơn - Quế Lâm” tại Hà Nội vào ngày 26/8 (Ảnh: Mai Thuỳ).

Chia sẻ về tình yêu đối với Trung Quốc, bà tiết lộ, bà có sưu tầm nhiều đầu sách Trung Quốc, đủ các thể loại từ văn học, nghệ thuật cho đến lịch sử, trong đó có thể kể đến như: cuốn “Hồng Lâu Mộng” của tác giả Tào Tuyết Cần, “Cao lương đỏ” của Mạc Ngôn,… Bà cũng rất thích xem phim Trung Quốc, những bộ phim nổi tiếng như: “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Tây du ký”…

Bà còn nhớ như in từng lời ca của những bài hát Trung Quốc: “Mặt trời không lặn trên thảo nguyên”, “Mao chủ tịch về thăm nông trang”, “Con ếch”, “Có một vị cô nương”, “Nữ nhi tình”…

Được lan toả tình yêu tiếng Trung từ mẹ, con gái của bà - chị Kiều Liên, 46 tuổi - cũng đam mê tiếng Trung. “Con gái tôi đã chọn học tiếng Trung tại trường Đại học Ngoại Ngữ tại Việt Nam. Năm 1998, sau khi ra trường Liên chọn làm phiên dịch tự do. Cháu thường xuyên đi Bắc Kinh, Thượng Hải… làm phiên dịch cho các đoàn khách du lịch", bà tự hào.

Năm 2003, bà trở lại thăm trường để thăm thầy Đàm Cao Tông dạy thể dục và cô Vương dạy tiếng Trung. Nữ cựu học sinh được thầy cô giáo bên Trung Quốc mời đến nhà ăn cơm, ôn lại những kỷ niệm xưa, ôn lại tình thầy trò ấm áp.

Bà bùi ngùi chia sẻ: “Thầy cô tình cảm lắm, họ luôn hỏi han và quan tâm giúp đỡ học sinh. Khí hậu Quế Lâm rất lạnh giá nên thầy cô đã mua cho chúng tôi quần áo ấm. Biết chúng tôi tuổi nhỏ xa nhà nhớ bố mẹ, nên ngoài giờ học thầy cô đến khu ở tập thể nói chuyện với chúng tôi, còn mua đồ ăn cho chúng tôi… Đến giờ tôi vẫn vô cùng biết ơn thầy cô đã tận tình chăm sóc và giúp đỡ".

Buổi lễ gặp mặt diễn ra trong không khí chân thành ấm áp, tất cả các cựu học sinh gặp lại nhau vui mừng và sung sướng trong niềm an ủi trọn tình vẹn nghĩa. Họ đã làm tốt sứ mệnh và là tấm gương sáng cho thế hệ mai sau nỗ lực cống hiến cho đất nước, cho tình hữu nghị nhân dân.

Theo thoidai