Gần đây, trên nền tảng trò chơi trực tuyến Roblox rộ lên một trào lưu để ủng hộ phong trào Black Lives Matter (tạm dịch: Người da đen đáng được sống).

Cụ thể, nhiều bạn trẻ đã chỉnh tối màu da trên hình đại diện của mình để thể hiện quan điểm đứng về phía cộng đồng người da đen trong cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc.

Tuy nhiên, Garvey Mortley (12 tuổi) cảm thấy điều này tương tự như blackface. Cô bé đã đăng tải một video giải thích nguồn gốc của “blackface” và tính công kích của nó đối với cộng đồng người da màu.

Thực tế, “blackface” là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc hóa trang thành người da đen của người thuộc chủng tộc khác, thường là vì mục đích thương mại hoặc giải trí, thậm chí mang tính châm biếm.

“Blackface” là một thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc hóa trang thành người da đen của người thuộc chủng tộc khác, thường là vì mục đích thương mại hoặc giải trí. Ảnh: TNYT.

“Thay đổi màu da của bạn thành màu tối hơn trong Roblox hoặc bất kỳ trò chơi nào về cơ bản giống như việc tô màu khuôn mặt bằng xi đánh giày. Việc đó không khác gì hóa trang kiểu blackface”, Mortley nói trong video của mình.

Cô bé cũng gợi ý cách tốt hơn để thể hiện sự ủng hộ là mặc chiếc áo phông có dòng chữ Black Lives Matter cho nhân vật ảo của mình trong trò chơi.

Nền tảng giáo dục của gia đình


Đó là một trong những hành động nhỏ để chống lại nạn phân biệt chủng tộc mà cô bé đã được học ở nhà.

Mẹ của em, cô Amber Coleman-Mortley, là giám đốc của iCivics, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi Justice Sandra Day O’Connor nhằm cải thiện giáo dục công dân bằng cách sử dụng trò chơi và tài nguyên kỹ thuật số.

Cô Coleman-Mortley cho rằng mọi người đều cần học hỏi và trau dồi để nuôi dạy nên những đứa trẻ chống phân biệt chủng tộc.

Dạy những bài học lịch sử chính xác về chủng tộc, bổ sung giáo dục cho con bằng sách, phim tài liệu và không trốn tránh những cuộc trò chuyện về chủng tộc là những điều nhà hoạt động xã hội này đang làm.

Garvey Mortley (12 tuổi) cùng mẹ và bà tham gia biểu tình bảo vệ quyền phụ nữ hồi tháng 3 vừa qua. Ảnh: TNYT.

“Khi một đứa trẻ nói rằng: ‘Bạn ấy là người da đen/người châu Á’ thì tôi nghĩ rằng có rất nhiều cha mẹ da trắng ngần ngại để con giao du với bạn mình. Việc đó vô hình trung tạo ra một sự hoài nghi tiêu cực trong tâm trí trẻ. Con sẽ nghĩ rằng ‘Những người da nâu có gì đó không ổn’. Cho nên, chi bằng hãy nói: ‘Tuyệt vời! Con hãy cùng chơi và tìm hiểu thêm về bạn ấy nhé’”, Coleman-Mortley nói.

Ibram X. Kendi, tác giả của tựa sách nổi tiếng “Cách trở thành một người chống phân biệt chủng tộc”, đã đề xuất một danh sách đọc mà ông gọi là “nấc thang chống phân biệt chủng tộc”.

Tiến sĩ Kendi, giám đốc sáng lập của Trung tâm Nghiên cứu chống phân biệt chủng tộc và Chính sách tại Đại học Ame gần đây đã cho xuất bản một cuốn sách dành cho trẻ em.

Cuốn sách “Antiracist Baby” giới thiệu 9 bước giúp trẻ trở thành một người tôn trọng sự khác biệt màu da. Ảnh: Bookshop.

“Antiracist Baby” (tạm dịch: Đứa trẻ chống phân biệt chủng tộc) được viết bằng vần điệu, trong đó giới thiệu 9 bước giúp trẻ trở thành một người tôn trọng sự khác biệt màu da.

“Nhiều gia đình có khuôn mẫu cổ hủ đến nỗi cha mẹ không cho phép hoặc dạy con cái cách bắt đầu câu chuyện về chủng tộc. Những đứa trẻ được đào tạo rằng đây là điều không nên nói về, lớn lên có khả năng sẽ không hiểu đúng về phân biệt chủng tộc. Và nó sẽ tạo ra vòng lặp ở đời sau”, tiến sĩ chia sẻ.

Phổ cập giáo dục chống phân biệt chủng tộc


Cuộc trò chuyện về chủng tộc có tác động rất lớn đến Winona Guo, hiện là sinh viên đại học tại Harvard và Priya Vulchi, người theo học tại Princeton. Họ nhớ những cách tế nhị, và ngược lại, mà quan điểm về phân biệt chủng tộc của chính họ bị ảnh hưởng.

Cô Vulchi, người Mỹ gốc Ấn Độ, từng được yêu cầu tẩy trắng da.

Cô Guo kể rằng đã hẹn một bạn cùng lớp đi chơi và cậu ta trả lời: “Tôi không chơi với các cô gái Trung Quốc”.

Lần đầu tiên họ được tham gia vào một cuộc trò chuyện về chủng tộc là ở trường trung học tại New Jersey. Một giáo viên dạy lịch sử lớp 10 đã khởi xướng chủ đề về cái chết của Eric Garner vào năm 2014.

Tác phẩm về chủ đề chống phân biệt chủng tộc đã được hàng trăm nhà giáo dục trên khắp nước Mỹ sử dụng. Ảnh: TNYT.

Cuộc thảo luận đã truyền cảm hứng để họ dành một năm đi đến tất cả 50 tiểu bang, trao đổi với rất nhiều người.

Sau đó, cuốn sách “Tell Me Who You Are: Sharing Our Stories of Race, Culture & Identity” (tạm dịch: Nói cho tôi biết bạn là ai: Chia sẻ những câu chuyện về chủng tộc, văn hóa và bản sắc) được ra đời.

Tác phẩm này đã được hàng trăm nhà giáo dục trên khắp nước Mỹ sử dụng.

“Trường học có vai trò rất quan trọng vì nó có thể tiếp cận mọi trẻ em, kể cả học sinh da trắng – những em luôn nhầm tưởng rằng vấn đề chủng tộc không liên quan đến cuộc sống của mình”, cô Guo nói.

“Đừng đóng khung cho những bài học chống phân biệt chủng tộc chỉ là môn học ngoài giờ. Nó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống – bất kể bạn chọn nghề nghiệp nào”, Vulchi nói.

Cha mẹ có thể bắt đầu giáo dục con về chủ đề này bằng những cuốn sách, phim tài liệu hoặc thậm chí là những bộ phim như của “Black Panther” (Chiến binh báo đen), hay “Crazy Asians” (Con nhà siêu giàu châu Á).

Hai bom tấn phòng vé này đã chứng minh sức mạnh của sự đa dạng trong việc làm phim.

Crazy Asians” (Con nhà siêu giàu châu Á) - bom tấn phòng vé đã chứng minh sức mạnh của sự đa dạng trong điện ảnh. Ảnh: Jing Daily.

Phó giáo sư - tiến sĩ Baxley, đồng thời là điều phối viên của Chương trình Giáo dục đa văn hóa tại Đại học Florida Atlantic, cho biết ông luôn nghe các bà mẹ kể rằng khu vực họ ở toàn là người da trắng.

"Vậy tại sao bạn không thử mở rộng phạm vi sống để con mình thường xuyên nhìn thấy những người da màu hơn? Chỉ cần một chút nỗ lực, lái xe thêm 20 phút để đưa con đến nha sĩ hay đi mua sắm, hoàn toàn là việc trong tầm tay”, tiến sĩ khẳng định.

Theo Zing