Trên báo, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các cô bé, cậu bé bắt đầu đi học lớp Một khóc mếu. Có ý kiến nói sự yếu ớt của những đứa trẻ ấy là do được ấp ủ quá kỹ.

Nhưng khóc là chuyện thường. Có nhiều cha mẹ quen làm vệ sĩ cho con, quan tâm, chăm lo con một cách thái quá. Không ít ông bố bà mẹ vì bảo bọc con mà luôn trong tâm thế “thanh tra giám sát” trường học của con, theo dõi nhất cử nhất động của các thầy cô và luôn hành động để bảo vệ quyền lợi cho con với thái độ nhiều khi quá mức cần thiết.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nhiều trường tư, ngay cả trường quốc tế cũng e sợ kiểu “phụ huynh vệ sĩ” này. Họ đến quan sát con ở bãi tập, hồ bơi, theo dõi không rời các hoạt động ngoại khóa và góp rất nhiều ý kiến. Có nơi, phụ huynh còn can thiệp đòi thay giáo viên này, đổi giáo viên khác khi con mình không vừa ý thầy, cô.

Cha mẹ nào cũng thương yêu con. Nhưng làm vệ sĩ cho con suốt đời thì có nên không? Hãy xem ở các nước phát triển, họ quan niệm chăm sóc, quan tâm thái quá làm suy yếu học sinh, làm giảm sự tự tin của các em. Theo nghiên cứu, có 3 tâm lý quan trọng của một đứa trẻ: năng lực, quyền tự chủ, sự kết nối với cha mẹ.

Nếu can thiệp quá nhiều sẽ làm tổn hại 3 tâm lý này. Ngày còn bé, con bạn bị ngã, bạn có bảo nó nằm im đừng đi nữa, để bạn đi thay cho nó được không? Đồng ý là cha mẹ sẽ rất khổ tâm khi nhìn thấy con khó khăn, nhưng để con tìm cách vượt qua sẽ tốt cho tương lai của chúng.

Sẽ có ý kiến phản biện rằng xã hội ngày nay phức tạp, cha mẹ phải theo sát con, kẻo sơ sẩy thì hối hận cả đời. Nạn bắt nạt học đường, áp lực học hành, thi cử. Lúc nhỏ thì lo chuyện ăn, chuyện ngủ, lớn lên thì chạy trường, lớn nữa thì lo chọn ngành, chọn nghề, lo con sa vào tệ nạn. Bao nhiêu là lo lắng. Làm sao có thể mặc kệ con.

Chăm con là đúng, nhưng đừng để lo âu lấn át sự tin tưởng. Hãy cố gắng không kiểm soát, nhưng luôn ở cạnh khi con cần. Can thiệp quá mức sẽ làm con không biết sống tự lập. Sự quan tâm phải tạo ra mối quan hệ lành mạnh, hạnh phúc. Làm vệ sĩ cho con suốt đời không bằng giúp con trưởng thành, có tính tự lập. Đó là bước chuyển khó khăn nhưng cần thiết. Do vậy, khó cũng phải cố gắng, cả từ phía cha mẹ và con cái. 

Theo phụ nữ TPHCM