Chị Hạnh Dung thân mến,
Tôi với anh chung sống không có đăng ký kết hôn đã được 6 năm. Chúng tôi đều là những người từng có gia đình, anh có 2 con, tôi cũng có 2 con. Các con của chúng tôi đều đã trưởng thành, và có gia đình đàng hoàng.
Khi về với nhau, vì cũng đã lớn tuổi nên tôi với anh xác định là không đăng ký kết hôn, vì điều đó thật ra không quan trọng. Chúng tôi là 2 người già, sống dựa vào nhau, chăm sóc nhau mà thôi.
Cuộc sống chung của tôi và anh diễn ra khá bình yên, ấm cúng. Cả hai đều có lương hưu và tiền tích lũy. Chúng tôi không tính toán gì với nhau cả, anh giao hết lương hưu cho tôi để tôi chi tiêu cho sinh hoạt chung.
Về phần anh, anh có sổ tiết kiệm chừng 1,5 tỉ, tiền lời hàng tháng đủ để anh tiêu lặt vặt cà phê, trà nước với bạn bè. Chúng tôi hiện đang sống ở nhà tôi, cùng với vợ chồng con trai thứ hai của tôi.
Sắp tới con trai tôi muốn mua nhà ra riêng. Nhưng vì nó chưa có đủ tiền, lại không muốn vay ngân hàng trả lãi, nên con nhờ tôi mượn anh tiền để mua nhà.
Khi nghe con đề nghị như vậy, tôi rất lấy làm ngại ngùng. Vì tôi biết đó là tiền dưỡng già của anh, tiền anh tích lũy suốt mấy năm đi làm. Con trai tôi thu nhập không cao, mượn tiền anh như thế chẳng biết đến bao giờ mới trả lại được.
Nhưng khi thấy tôi tỏ ý không muốn mượn tiền anh thì nó rất tức giận, cho rằng tôi không lo cho nó, rằng tôi sống với một người không biết thương tôi và hy sinh cho tôi thì sống để làm gì? Nó bảo anh đang sống ở nhà chúng tôi, nghĩa là anh có nghĩa vụ với gia đình tôi, cụ thể là với nó. Nó gây gổ, tạo sức ép với tôi liên tục.
Xin chị Hạnh Dung cho tôi ý kiến, tôi có nên mượn anh tiền cho con mua nhà hay không, và liệu điều này có làm sứt mẻ tình cảm của tôi với anh hay không?
Thanh Hoa
Chị Thanh Hoa thân mến,
Quả thật là con trai chị đang đẩy chị vào tình thế hết sức khó chịu. Tiền bạc luôn là vấn đề nhạy cảm, tế nhị, là nguyên nhân phá hủy nhiều mối quan hệ nếu mọi việc không rõ ràng minh bạch, không tự nguyện, không tạo nên sự tin tưởng...
Về cơ bản, Hạnh Dung thấy anh chị đã có những thỏa thuận đóng góp về tài chính rất ổn. Dù chị không nói tiền lương hưu của anh bao nhiêu, nhưng anh chị đã sống với nhau 6 năm, không có mâu thuẫn gì, mọi việc đàng hoàng và công bằng. Việc anh sống trong nhà của chị có lẽ cũng là do những điều kiện cả anh chị đều thấy thuận tiện và bình thường.
Nói như thế, để chúng ta cùng xác định một điều: anh không mắc nợ gì chị hay con chị cả, anh chị tình nguyện sống chung, chia sẻ kinh tế và nương tựa vào nhau một cách bình đẳng.
Với người già, tiền tiết kiệm là hết sức quan trọng và cần thiết. Nó là một sự đảm bảo cho họ sự bình an và ổn định trong nhiều tình huống bất ngờ như bệnh tật, khó khăn kinh tế... Con cháu muốn sử dụng theo kiểu vay mượn hay xin những khoản tiền này là điều hết sức cố gắng tránh. Bắt buộc họ, làm sức ép để lấy của họ số tiền đó là việc rất không nên.
Hơn thế nữa, cả chị và con đều biết rằng thu nhập của con chị khó lòng trả được số tiền này, thế thì việc vay mượn này có khác gì là con chị tìm cách... cướp của chồng chị tiền mồ hôi nước mắt và quỹ bảo đảm tuổi già của anh ấy?
Tất nhiên, chị có thể có những cách nhẹ nhàng nào đó kể anh nghe về khó khăn của con, về chuyện con đang tìm cách vay mượn để mua nhà ra riêng... Nếu nghe chuyện của chị mà anh tình nguyện giúp đỡ chị và cháu phần nào, thì điều đó quá tuyệt vời.
Nhưng nếu anh im lặng thì chị phải hiểu rằng đó là cách từ chối của anh, và đừng cố gắng chiều con mà làm tổn thương tình cảm của anh chị, bởi anh không hề sai gì cả nếu anh không cho con chị mượn tiền.
Con chị đã trưởng thành, có gia đình, và nếu muốn mua nhà thì đó là việc cháu cần phải độc lập lo toan chứ không thể nhìn vào túi tiền của người khác, nhất là của mẹ hay cha dượng mà ỷ lại. Hãy thẳng thắn nói cho con hiểu điều đó, và hãy bảo vệ mối quan hệ của anh và chị. Đó là một chỗ dựa tốt đẹp cho tuổi già của chị mà chị cần phải giữ gìn.
Theo phụ nữ TPHCM