Một tiến sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội làm việc trong viện Vật lý kỹ thuật - Ảnh: ĐH Bách khoa Hà Nội
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, rạng sáng 12-9 (giờ Việt Nam), tuần san Times Higher Education (THE) chính thức công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) tốt nhất toàn cầu.
Đây là bảng xếp hạng rất có uy tín được THE công bố thường niên, và lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở đại học có tên trong bảng xếp hạng, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP.HCM và Trường đại học Bách khoa Hà Nội.
Cụ thể, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội được xếp trong nhóm 801-1.000 đại học tốt nhất, còn Đại học Quốc gia TP.HCM trong nhóm 1.000+.
Trong đó Đại học Quốc gia Hà Nội có các chỉ số về giảng dạy, nghiên cứu khoa học và hội nhập quốc tế đứng đầu trong 3 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có mặt trong bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia TP.HCM đứng đầu về chỉ số thu nhập từ doanh nghiệp còn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội có chỉ số về trích dẫn khoa học cao nhất.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết đây là lần đầu tiên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội gửi hồ sơ đăng ký xét.
Trong số các tiêu chí/chỉ số THE đặt ra, có những nội dung do trường tự kê khai như số lượng sinh viên, giảng viên, nguồn thu từ nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, số sinh viên quốc tế đang học tập tại trường… Đồng thời có những chỉ số do THE tự tìm hiểu, đánh giá độc lập như số lượt trích dẫn/công trình khoa học được công bố (chiếm 30%), đánh giá của các nhà khoa học về uy tín, chất lượng trong nghiên cứu (chiếm 18%) và trong giảng dạy (chiếm 15%).
Trường đại học Bách khoa Hà Nội được THE đánh giá cao nhất ở hai chỉ số quan trọng là số trích dẫn/công trình và hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.
Năm nay, THE xếp hạng cho 1.395 cơ sở giáo dục đại học trên tổng số 1.820 cơ sở giáo dục đại học tham gia xếp hạng. Đây là con số lớn nhất từ trước đến nay trong quy mô xếp hạng đại học thế giới của THE. Các cơ sở giáo dục này thuộc 92 quốc gia và vùng lãnh thổ.
THE có nhiều bảng xếp hạng nhưng bảng xếp hạng các trường đại học tốt nhất toàn cầu được chú ý nhất. Khác với một số bảng xếp hạng khác, THE đưa ra một số điều kiện tham dự bảng xếp hạng này như tổng số bài báo Scopus trong 5 năm cuối phải từ 1.000 trở lên, số bài báo công bố mỗi năm không dưới 150.
Trong bảng xếp hạng hàng năm của THE, Mỹ là quốc gia có nhiều trường đại học nhất (trên 170 trường), sau đó là Nhật Bản và Anh quốc với khoảng trên dưới 100 trường, Pháp có khoảng 50 trường.
Nên hợp tác các tổ chức quốc tế để xếp hạng đại học
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Minh Sơn cho rằng các trường đại học theo định hướng nghiên cứu nên quan tâm và đăng ký tham gia các bảng xếp hạng quốc tế khi thấy đủ tự tin, nhưng không vì thế mà chạy đua theo bằng mọi giá.
Mỗi bảng xếp hạng có những tiêu chí và phương pháp đánh giá khác nhau, vì thế sẽ không thể cho rằng một trường đại học có tên trong bảng xếp hạng này sẽ là tốt hơn so với các trường trong bảng xếp hạng khác. Nhưng với mỗi bảng xếp hạng, các trường có thể tự thấy mình đứng ở đâu, có những thế mạnh, ưu điểm nổi bật nào cũng như các điểm yếu mình cần khắc phục để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu.
Theo ông Sơn, tới đây nếu có sự hợp tác giữa Việt Nam và các tổ chức quốc tế trong việc xếp hạng trường đại học thì rất tốt. Vì khi đánh giá một trường đại học, cần phải xem xét toàn diện chất lượng nghiên cứu, đào tạo và ảnh hưởng của trường đối với cộng đồng, xã hội (qua các đóng góp xây dựng chính sách, phát triển kinh tế xã hội…).
Theo tuoitre