Lần đầu tiên trường ĐH Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng ARWU
Cập nhật lúc 21:54, Thứ sáu, 16/08/2019 (GMT+7)
Lần đầu tiên một trường ĐH của Việt Nam vào tốp 1.000 bảng xếp hạng ARWU 2019 - bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc).
Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Nguồn: tdnu.edu.vn
Trường ĐH Tôn Đức Thắng vừa vào tốp 1.000 bảng xếp hạng ARWU 2019 - Bảng xếp hạng của Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc). Đây là lần đầu tiên một trường ĐH của Việt Nam lọt vào bảng xếp hạng này.
Cụ thể, Trường ĐH Tôn Đức Thắng được xếp tốp 901 - 1.000 của Academic Ranking of World Universities (viết tắt là ARWU) năm 2019. Đây là bảng xếp hạng còn được biết đến với tên là Shanghai Ranking (Bảng xếp hạng Thượng Hải), do Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) thực hiện.
Đứng đầu bảng xếp hạng năm 2019 của ARWU là các ĐH lừng danh của thế giới. Trong đó ĐH Harvard (Mỹ) đứng vị trí số 1; ĐH Stanford (Mỹ) đứng vị trí thứ 2, ĐH Cambridge (Anh) xếp thứ 3, Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) đứng thứ 4...
Ở khu vực Đông Nam Á, Singapore có 3 trường lọt vào xếp hạng này, trong đó ĐH Quốc gia Singapore xếp thứ 67; Malaysia có 5 trường lọt vào xếp hạng này và trường có vị trí cao nhất nằm trong tốp 301-400; Thái Lan có 4 trường, trường xếp hạng cao nhất ở tốp 401-500.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng có tên trong danh sách tốp 1.000 của bảng xếp hạng ARWU - Ảnh chụp màn hình
ARWU (được viết tắt bởi Academic Ranking of World Universities) là bảng xếp hạng rất nổi tiếng xuất phát từ một nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Trường ĐH Giao thông Thượng Hải (Shanghai Jiao Tong University), với các tiêu chí xếp hạng chủ yếu nhắm vào các trường ĐH nghiên cứu và thiên về khối ngành tự nhiên - kỹ thuật. Từ năm 2009 đến nay, ARWU được quản lý bởi tổ chức ShanghaiRanking Consultancy.
Mục đích ban đầu của bảng xếp hạng này là tìm ra sự chênh lệch vị thế của các trường ĐH ở Trung Quốc so với thế giới. Nhưng sau đó, ARWU University ranking lại tạo nên cơn sốt xếp hạng các trường ĐH mang tầm cỡ toàn cầu, khởi xướng trào lưu xếp hạng.
Từ năm 2003 đến 2018, ARWU công bố 500 trường tốt nhất. Tuy nhiên, trong năm nay lần đầu tiên có tới 1.000 trường trong tổng cộng 1.800 được công bố xếp hạng. ARWU có 4 tiêu chí đánh giá: 1) Chất lượng đào tạo (chiếm 10% điểm), được đo bằng số cựu sinh viên đoạt giải Nobel và huy chương Field; 2) Chất lượng đội ngũ đào tạo (40% điểm), được đo bằng số người đoạt giải Nobel, huy chương Field và số nhà nghiên cứu được trích dẫn cao trong 21 danh mục chủ đề phổ biến; 3) Nghiên cứu (40%), được đo bằng số công trình nghiên cứu được xuất bản trên chuyên san Nature and Science, được ghi vào Danh mục trích dẫn khoa học mở rộng và Danh mục trích dẫn khoa học xã hội; và 4) Hoạt động học thuật bình quân đầu người(chiếm 10%), được tính bằng cách lấy tổng số điểm của 3 tiêu chí trên chia cho số lượng giảng viên chính thức của một trường. Văn Khoa |
Theo thanhnien