leftcenterrightdel
 Trẻ em chính là tấm gương phản chiếu của người lớn

Nếu dành thời gian quan sát những đứa trẻ, bạn sẽ thấy một sự thật lạ lùng: Một đứa trẻ có thể mô phỏng tiếng kêu hay hành động đi rón chân như một chú mèo con. Một đứa trẻ có thể tự tin vào bếp và gọt trái cây y như mẹ của chúng hay ngồi đọc sách như "một ông cụ non" cạnh bố ngay khi bố vừa lật mở những trang sách đầu tiên…

Nhưng một đứa trẻ bé xíu là vậy cũng có thể nói ra những cụm từ không chuẩn mực hay hành động kém văn minh… để lại sự bất ngờ tự hỏi của người lớn: "Trẻ học điều đó ở đâu?", "Tại sao trẻ lại khó hiểu đến vậy?".

Thực tế, việc trẻ dưới 6 tuổi thích thú làm theo người lớn không phải do con được chỉ dạy hay "đào tạo bài bản" mà là kết quả của việc theo dõi, quan sát, lắng nghe, học hỏi và bắt chước theo những điều trẻ thấy từ mọi người và sự việc xung quanh.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Albert Bandura đã chứng minh rằng việc bắt chước không chỉ ảnh hưởng đến hành vi của con người mà còn tác động sâu đến tư duy và cảm xúc của trẻ nhỏ, đặc biệt là ở giai đoạn dưới 6 tuổi. Vì vậy, chúng ta cần nhớ rằng mình là những tấm gương để trẻ em soi chiếu và hình thành tính cách.

Mỗi bậc phụ huynh đều có những cử chỉ nhỏ, tuy có vẻ vô hại, nhưng lại có tác động lớn đến sự phát triển của con. Ví dụ như việc nói dối về việc đưa con đi công viên, trong khi thực tế đưa đến bệnh viện. Trẻ nhỏ có thể không hiểu, nhưng chắc chắn sẽ ghi nhớ và bắt chước. Hãy luôn là tấm gương chân thật và tốt đẹp trong mắt con.

Đa số người lớn rất khó tưởng tượng ra những suy nghĩ, thái độ, lời nói, hành động của mình chính là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp tới suy nghĩ, thái độ, lời nói, hành động của trẻ trong tương lai. Trong khi các nghiên cứu khoa học về tâm lý và sự phát triển não bộ của trẻ lại khẳng định rằng: Ba mẹ là người tác động lớn đến trẻ từ 0 đến 6 tuổi. Mọi thứ người lớn thể hiện ra bên ngoài sẽ là chất xúc tác nuôi dưỡng tâm hồn và định hình tính cách của trẻ nhỏ.

Môi trường gia đình cũng chịu trách nhiệm định hình tính cách con trẻ. Hãy chú ý đến thói quen, tác phong hàng ngày và tạo nếp sống tốt trong gia đình. Việc con bắt chước các hành động của ba mẹ không chỉ cho thấy con có khả năng quan sát và tư duy tốt, mà còn thể hiện nhu cầu khám phá thế giới xung quanh.

Môi trường giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc rèn luyện tính tự lập và phát triển toàn diện cho trẻ. Hãy tìm kiếm những trường học tôn trọng và khuyến khích con làm những việc yêu thích, tham gia vào các hoạt động học tập và trải nghiệm. Điều này giúp con phát triển sự tự tin, tư duy sáng tạo và khơi dậy niềm đam mê học hỏi.

Đó là lý do chiến dịch cộng đồng "Seen by Kids - Done by Kids" được khởi xướng, nhằm lan tỏa những thông điệp thức tỉnh ba mẹ hãy trở thành người ảnh hưởng tích cực tới con cái, để con tự tin trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Với ý tưởng xuyên suốt "mỗi đứa trẻ là một tấm gương phản chiếu" được truyền tải thông qua câu chuyện kể bằng hình ảnh gần gũi nhất, đời thực nhất, những người thực hiện chiến dịch mong muốn mỗi người sẽ tìm thấy chính mình cùng những điểm chạm cảm xúc qua từng góc nhìn, từng lăng kính… Hơn cả, mỗi ba mẹ, mỗi bạn nhỏ chính là những "hạt nhân" đồng hành cùng chiến dịch tạo dựng nền tảng giáo dục tích cực và bền vững cho trẻ thơ.

PV