Lắng nghe và chia sẻ để hòa giải
Cập nhật lúc 10:41, Thứ năm, 11/05/2023 (GMT+7)
Chúng tôi có giờ thuyết trình văn học, hoạt động từng nhóm nên dễ phát hiện ra những mâu thuẫn trong học sinh với nhau. Hơn thế nữa chúng tôi thường về “méc ba, méc má”.
Năm nay tôi 67 tuổi, vẫn nhớ chuyện tôi và Lan Phương gây nhau năm lớp đệ thất (lớp Sáu). Chúng tôi đánh nhau ngoài cổng trường, chỉ tát nhau vài cái rồi được người lớn can.
Sáng hôm sau, mẹ Phương gặp tôi hỏi lý do. Tôi bảo tôi ngạo Phương “Bắc Kỳ ăn cá rô cây…” và nhiều chuyện nữa khi 2 đứa ngồi chung bàn. Bà bảo Lan Phương xin lỗi tôi trước vì bạn chê tôi da đen giống chà và. Nhận được lời xin lỗi từ Lan Phương, tôi cũng tự động vòng tay xin lỗi bạn.
Thời tôi học chỉ có 1 thầy hoặc cô hướng dẫn chung chung và không hề có giờ sinh hoạt chủ nhiệm như hiện nay. Thế nhưng, chúng tôi có giờ thuyết trình văn học, hoạt động từng nhóm nên dễ phát hiện ra những mâu thuẫn trong học sinh với nhau. Hơn thế nữa chúng tôi thường về “méc ba, méc má”. Ba má chúng tôi lắng nghe con cái chia sẻ, rồi vào gặp người con mình mâu thuẫn để giảng hòa.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp |
Thế hệ cháu tôi, trong lớp con bé hay đánh bạn. Trong số nạn nhân của con bé có “con bà Lào”, hơi khờ khờ. Con bé về méc mẹ. Bà đến nói chuyện với cháu tôi rất nhẹ nhàng mà không cần “mắng vốn” đến chị tôi: “Con ơi, con biết dì Lào mà. Con đừng đánh bạn nữa nha. Đó là con dì đó. Nó khờ khạo, con thương nó không hết, đừng đánh nó nghe con”.
Chị tôi biết được, la con bé. Chị vào lớp trình bày với cô giáo sau khi giải thích cho cháu tôi cái xấu của việc hiếp đáp bạn mình. Từ đó, chuyện gây gổ trong lớp con bé không còn nữa. Năm đó cháu học lớp Mười một.
Trở lại thế hệ của tôi. Một sáng năm đệ tứ (lớp Chín), Hương vào lớp, rủ tôi tan học sang trường Đức Trí đánh nhau. Chúng tôi cột 2 tà áo dài lại, xắn tay áo lên đến khuỷu tay, cột tóc lên cao… rồi xáp vô nắm tóc đối phương ghì xuống, dùng đầu gối lên gối vào bụng. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng bị cào mặt, bị nắm tóc…
Cả hai nhóm học sinh đều bị thầy cô giáo trường Đức Trí bắt vào trường. Một thầy của trường Đức Trí nhìn 2 nhóm 8 em, nói: “2 nhóm học sinh mang phù hiệu 2 trường mà trường nào cũng có tiếng dạy tốt”. Hương hỏi cắc cớ: “Vậy đi đánh nhau, tụi em gỡ bỏ phù hiệu được chứ thầy?”. Nhìn thẳng vào Hương và chúng tôi, thầy nghiêm giọng: “Không chỉ gỡ bỏ tên trường mà đừng nhận ba mẹ các em, bỏ luôn quốc tịch Việt Nam.
Tại sao? Vì thật xấu hổ khi thầy cô chịu khó dạy học mà học trò lại hung hăng. Xấu hổ cho ba mẹ vì có những đứa con không lo học chỉ lo đánh nhau. Xấu hổ cho đất nước vì có một thế hệ chỉ biết giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm thay vì cùng giải quyết vấn đề một cách học thức và có giáo dục”.
|
|
Ảnh mang tính minh họa - Freepik |
Sau này đi dạy, tôi thường chứng kiến phụ huynh vào trường trao đổi với giáo viên chủ nhiệm khi con họ bị hăm dọa hay ức hiếp và nhà trường đã mời 2 bên học sinh cùng chia sẻ suy nghĩ về những mâu thuẫn, dưới sự trung gian là giáo viên chủ nhiệm. Cho nên phần lớn mâu thuẫn giữa học sinh được hòa giải êm đẹp dưới sự hợp tác của gia đình và nhà trường, cùng sự mạnh dạn chia sẻ của học sinh.
Một giáo viên cho biết: “Điều quan trọng là ba mẹ hãy thường xuyên hỏi han, chia sẻ cùng con chuyện trường lớp từ lúc nhỏ. Lớn lên trẻ sẽ dễ giãi bày những mâu thuẫn trong bạn đồng học. Cha mẹ sẽ tiếp cận người bạn đó để hòa giải. Giáo viên chủ nhiệm cũng nên lắng nghe học sinh, theo dõi tình hình học sinh ở các sinh hoạt ngoại khóa như lao động trong trường, tập dượt văn nghệ hoặc làm báo tường…
Nhờ đó có thể phát hiện được những mâu thuẫn trong học sinh và hòa giải kịp thời.
Theo phụ nữ TPHCM