Theo thông tin từ Sở GD-ĐT TPHCM vào cuối tháng 4/2024, từ năm học 2024-2025, TPHCM sẽ đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào giảng dạy trong trường phổ thông từ khối lớp Ba. Cũng trong tháng 4/2024, dự án Vietnam AI for Education Program (Chương trình AI cho giáo dục Việt Nam, gọi tắt là VAIEP) ra đời.

Đây là sáng kiến của nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương - tác giả sách Xin chào AI: Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo (Nhà xuất bản Trẻ). Chị đã dành cho Báo Phụ nữ TPHCM cuộc phỏng vấn về giáo dục trẻ trước làn sóng AI và khả năng AI nói riêng, công nghệ nói chung hỗ trợ cũng như “thay thế” con em chúng ta trên thị trường lao động tương lai.

leftcenterrightdel
 Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương trong buổi ra mắt dự án AI cho giáo dục Việt Nam vào tháng 4/2024

Mai này con bạn sẽ ở đâu?

Phóng viên: Mở đầu cuốn Xin chào AI: Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo, chị khẳng định: “Cuốn sách được viết cho cả trẻ em và người lớn, vì với thế giới AI, trẻ con hay người lớn đều bỡ ngỡ như nhau”. Trong quá trình nghiên cứu, những gì từ AI khiến bản thân chị ngỡ ngàng?

Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương: Tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy hình ảnh những con robot làm những việc tỉ mỉ, tinh xảo như gắp trứng bằng 2 đầu ngón tay, nhẹ nhàng đặt vào khay. Tôi ngỡ ngàng với những vị “gia sư ảo” không chỉ giúp học sinh hiểu bài mà còn đặt những câu hỏi gợi mở để học sinh lấp đầy những thiếu hụt kiến thức. Tôi ngỡ ngàng khi AI có thể lắng nghe, trò chuyện, tâm sự, tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho thân chủ, dự báo cơn trầm cảm…

Để có một nhân viên siêu thị, một gia sư, một chuyên gia tâm lý, bác sĩ tâm thần kinh như thế, chúng ta không cần tốn tiền hoặc quá nhiều tiền mà luôn có thể tương tác lúc cần, kể cả nửa đêm muốn trò chuyện, vẫn vui vẻ, sẵn sàng. “Nhân viên” này lại không hề sổ mũi nhức đầu, không đột nhiên mất kết nối như chúng ta khi “tuột mood”, buồn bã, thất tình…

Họ cũng không phán xét nặng lời hoặc mách lẻo chuyện riêng tư của chúng ta cho người khác biết. Trước đây, công nghệ tạo ra máy cày, máy giặt, máy rửa chén… Giờ đây, công nghệ không chỉ thay thế lao động chân tay mà xâm lấn cả vào những công việc liên quan đến trí óc, tinh thần.

* Cuối năm 2022, ChatGPT ra mắt, kéo theo không ít nỗi lo về nguy cơ ChatGPT nói riêng, AI nói chung sẽ thay thế con người ở nhiều công việc. Dự án VAIEP được chị “hạ sinh” trên nền nỗi lo này?

- Năm 2023, ứng dụng trí tuệ nhân tạo ChatGPT đã tạo nên một “cơn sốt”, thu hút sự hiếu kỳ của cả cộng đồng. Nhưng rồi, “cơn sốt” này nhanh chóng hạ nhiệt và số người thực sự dùng nó trong công việc hằng ngày không quá nhiều.

Theo báo cáo Future of Jobs (Tương lai công việc) của Diễn đàn Kinh tế thế giới công bố giữa năm 2023: trong khi các nước lân cận như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines… đều xếp AI là ưu tiên hàng đầu để đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực thì chủ đề này lại xếp gần chót bảng trong mối quan tâm của doanh nghiệp Việt Nam.

Liệu chúng ta có chậm nhận ra mức độ cấp thiết của việc bắt kịp làn sóng mới này? Sự cấp thiết đó mới đây được nhà sử học, giáo sư người Israel - ông Yuval Noal Harari - cảnh báo rằng trong thời đại mới, AI rất có thể sẽ tạo ra tầng lớp vô dụng khổng lồ. Tầng lớp vô dụng này luôn đứng ở vị trí chông chênh trên con đường lập thân, lập nghiệp. Họ không có giá trị để thuê mướn, kể cả ở lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, thậm chí nghệ thuật.

Là người làm giáo dục, một người mẹ, tôi hình dung được tương lai của học sinh mình, con em mình có thể chịu ảnh hưởng sâu sắc trước những biến chuyển lớn của thời đại. Tất nhiên không ai là giáo viên, là cha mẹ lại mong muốn viễn cảnh “sản phẩm giáo dục” của mình lại rơi vào tầng lớp vô dụng trong tương lai.

Vậy thì giờ đây, chúng ta phải làm những gì để tránh viễn cảnh con em chúng ta kiệt quệ thể chất, tinh thần, không thể bắt kịp sự thay đổi của thế giới? Trước đây, phụ huynh vẫn thường dặn dò con khi bắt đầu đi làm là “đừng để chủ bóc lột”. Nhưng nỗi lo “bị bóc lột” trong tương lai có thể sẽ không còn lớn bằng nỗi lo con em mình thậm chí còn không có việc để mà “bị bóc lột”, khi AI dần lấy đi công việc của con người ở nhiều lĩnh vực với hiệu suất lao động cực cao.

Nhưng, AI không chỉ mang đến thử thách mà còn mang đến rất nhiều cơ hội để những ai “đón sóng” có thể đạt những thành tựu vượt trội. Do đó, tôi không muốn tiếp cận câu chuyện này bằng nỗi lo sợ hay đề phòng. Tôi tự hỏi hôm nay, những người làm giáo dục như tôi có thể đóng góp được gì cho bức tranh tương lai ấy và tôi bắt tay thực hiện dự án cũng như viết cuốn sách Xin chào AI: Học và chơi cùng trí tuệ nhân tạo.

Sách như là giáo án của giáo viên dạy học sinh, là công cụ tương tác để phụ huynh học cùng, chơi cùng con với các hoạt động vui nhộn, cho trẻ làm quen và phiêu lưu cùng AI: tạo rối bóng cùng AI (Shadow Art), thổi hồn cho những câu chuyện cùng Scroobly, chỉ huy dàn nhạc cùng AI (Google AI Conductor), bồi đắp vốn từ cùng trò chơi Săn tìm biểu tượng cảm xúc (Emoji Scavenger Hunt), hát nhép: công nghệ và những tranh cãi (Lipsync by YouTube), vẽ phác thảo cùng với Quick Draw, luyện từ vựng tiếng Anh cùng Semantris, giao tiếp không cần dùng lời nói (Look to Speak)…

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa

Tương lai vẫn cần nhân tố kiến tạo

* Chị đánh giá thế nào về thái độ đón nhận của giáo viên, phụ huynh Việt Nam trước làn sóng AI đã và đang lan rộng, thấm sâu vào tất cả lĩnh vực trên toàn cầu?

- Dù thái độ tiếp nhận là hào hứng, đi kèm với nó cũng có 2 trạng thái đáng lo khác: hoang mang và hời hợt. Không ít phụ huynh và giáo viên vẫn nghĩ AI là thứ gì đó còn xa vời lắm và không biết bắt đầu từ đâu. Không ít người Việt có tâm lý an ổn, ngại tiếp cận cái mới. Rồi họ ngại nhiều thứ khác như: ngại không biết tiếng Anh, cho dù không ít ứng dụng AI đã có thể sử dụng với những câu lệnh tiếng Việt.

Nhiều người khác lại không có những tư duy và kỹ năng cần thiết để chỉ huy AI làm việc cho mình; như là không dùng từ chính xác, động từ rõ ràng, dùng câu cụt ngủn… nên khó truyền đạt, hướng dẫn cho AI thực hiện đúng ý. Nhiều người khác lại cấm con em tiếp xúc với AI, vì sợ con qua mặt, lười suy nghĩ. Thay vì cấm, nhà giáo, phụ huynh cần trang bị cho con những kỹ năng để dùng AI một cách lành mạnh, sáng tạo và an toàn.

Tôi mong các trường học sẽ khai thác giá trị của AI không chỉ như một công cụ học tập mà còn như một “bộ não nối dài” để thay đổi toàn bộ tư duy học và cách học của con người.

* Theo dự án VAIEP, tư duy học và cách học ở trẻ thay đổi theo hướng nào để tránh viễn cảnh gia nhập vào tầng lớp vô dụng, thưa chị?

- Nói “AI thay thế con người” thực ra không chính xác. AI chỉ thay thế cho những con người không chịu học, không chịu tinh xảo và hoàn thiện kỹ năng của bản thân. Vì áp lực từ AI mà chúng ta phải quay lại tinh xảo, sáng tạo, phát huy dấu ấn cá nhân. Nguy cơ bị thay thế cao vẫn đến với những ai chỉ biết làm các công việc có tính chất lặp đi lặp lại, không tư duy nhiều, không xử lý những sự vụ cụ thể, thực tế.

Những con người có khả năng “né sóng AI” và thậm chí được AI hậu thuẫn tích cực trong công việc là những người có tư duy chỉ huy, sáng tạo và óc phản biện tốt. Vì thế, chúng ta cần xây dựng ngôi trường nuôi dưỡng “tư duy kiến tạo”, ở đó học sinh không phải là người bị “nhét cho đầy kiến thức” hay học thuộc lòng. Giáo viên, phụ huynh nên xây dựng cho trẻ tư duy phản biện, luôn giữ cho mình sự hoài nghi, thắc mắc. Đồng thời, việc giáo dục cảm xúc, tinh thần, lương tri cho trẻ cũng rất cần thiết trong thời đại AI.

Khi AI và công nghệ máy học phát triển, cần lắm lòng trắc ẩn của con người. Sự phát triển của công nghệ phải song hành với giáo dục cảm xúc và nhân văn. Bởi khi đó, số ít những người tiên phong sẽ là lực lượng dẫn dắt xã hội, tạo ra những thay đổi căn cơ của thế giới, sẽ phải gánh vác an sinh xã hội cho những tầng lớp bị hạn chế về khung năng lực do không bắt kịp con tàu AI lao nhanh và không ngừng nghỉ.

* Xin cảm ơn chị.

Theo phụ nữ TPHCM