Ảnh minh họa

Ngày của Mẹ có lịch sử sớm nhất vào thời kỳ Hy Lạp và La Mã. Ở Hy Lạp, lễ hội tri ân mẹ được tổ chức thường niên vào mùa xuân để tôn vinh nữ thần Cybelle, mẹ của tất cả các vị thần Hy Lạp. Trong khi đó, tại La Mã cổ đại, lễ hội Matronialia được tổ chức để tưởng nhớ nữ thần Juno, nữ hoàng của các vị thần La Mã, vợ của thần Jupiter.

Nữ thần Juno

Cũng có tài liệu cho rằng nguồn gốc lịch sử Ngày của Mẹ phát xuất đầu tiên ở vương quốc Anh vào khoảng năm 1600. Ngày này được tổ chức hàng năm, trước lễ Phục Sinh 40 ngày để tri ân người mẹ. Vào Ngày của Mẹ, các em nhỏ lúc ấy thường có phong tục tặng hoa hoặc bánh trái cây cho những người mẹ thân yêu của mình. Tuy nhiên, phong tục này dần rơi vào quên lãng vào thế kỷ XIX.

Nhiều năm sau đó, vào năm 1870, bản Tuyên ngôn Ngày của Mẹ (The Mother’s Day Proclamation) của bà Julia Ward Howe là một trong những lời kêu gọi đầu tiên để tôn vinh các người mẹ tại Hoa Kỳ. Julia Ward Howe có ý định thành lập một ngày lễ mang tên “Ngày của mẹ vì Hòa Bình” (Mother’s Day for Peace) nhưng phong trào này dần lụi tàn vì không đủ kinh phí. Tuy nhiên, ý tưởng của bà đã gây ảnh hưởng lớn đến không ít phụ nữ trong xã hội, trong đó có bà Ann Maria Reeves Jarvis - nữ giáo viên tại trường học của nhà thờ thánh Andrew ở thành phố Grafton, tiểu bang West Virginia.

Trong bối cảnh nội chiến Hoa Kỳ, bà Ann Maria Reeves Jarvis tập hợp các phụ nữ với sứ mệnh chăm sóc cho các thương binh từ cả hai miền nam bắc. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, bà khởi xướng phong trào mang tên Mothers’Work Days và lập ra một nhóm có tên gọi “Ngày của tình Mẹ” với mong muốn gắn kết tình cảm gia đình vốn bị chia cắt bởi nội chiến. Sau khi nhóm được thành lập, bà muốn tổ chức một ngày kỉ niệm hàng năm để tưởng nhớ về những người mẹ, nhưng không may, bà qua đời vào năm 1905 trước khi biến tâm nguyện này thành hiện thực.


Bà Anna Jarvis là người đầu tiên khởi xướng ra Ngày của Mẹ

Là một người con hiếu thảo, Anna Marie Jarvis - con gái của Ann Maria Reeves Jarvis không bao giờ quên được mong ước của mẹ mình. Tại ngôi mộ của mẹ, cô thề sẽ nối gót theo chân mẹ và thành lập một ngày lễ dành riêng cho những người mẹ còn sống cũng như đã qua đời.

Hai năm sau đó, Anna Marie Jarvis tổ chức một buổi lễ nhỏ tưởng niệm mẹ cô. Sang năm sau, cô mang 500 đóa hoa cẩm chướng đến tặng cho từng người mẹ tham dự thánh lễ tại nhà thờ thánh Andrew, nơi mà mẹ cô từng dạy học khi xưa. Năm 1908, nhà thờ đã đồng ý yêu cầu của Anna về việc tổ chức một ngày chủ nhật phục vụ đặc biệt để vinh danh những người mẹ - truyền thống này đã được lan rộng ra nhiều nhà thờ của cả 46 bang vào những năm sau đó. Năm 1909, Anna tự ứng cử vào một chiến dịch viết thư cầu khẩn những chính trị gia, các mục sư và các thị trưởng lập nên một ngày quốc lễ dành cho mẹ. Năm 1910, Thống đốc bang West Virginia, William E. Glasscock là người đầu tiên công bố ngày của mẹ. Anna Marie tiếp tục tranh đấu không ngừng để quảng bá ngày lễ này khắp nơi.


Tổng Thống Mỹ Wilson đã ký chính thức thành lập Ngày của Mẹ vào năm 1914

Vào năm 1912, những nỗ lực của Jarrvis đã đi tới thành công. Quê nhà West Virginia của cô đã công nhận một ngày lễ chính thức dành cho mẹ. Năm 1914, Quốc hội Mỹ đã thông qua một Nghị quyết được ký bởi tổng thống Wilson, thành lập một ngày quốc lễ dành cho mẹ nhằm nhấn mạnh vai trò của người mẹ trong gia đình. Từ đó trở đi, ngày lễ này đã ngày càng trở thành một ngày lễ lớn được nước Mỹ tổ chức hàng năm vào ngày chủ nhất thứ hai của tháng năm.

Ngày nay, Ngày của Mẹ đã lan rộng đến nhiều quốc gia khác và được tổ chức trên toàn thế giới.

    Hương Nhung (Tổng hợp)