Ảnh: Hiếu Trịnh Bạn bè kể, Trịnh Công Sơn từng rơi nước mắt khi viết những dòng này: "
Có một người đàn bà yêu thương tôi và tin tưởng ở tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà hy sinh cả tính mạng. Đó là mẹ tôi. Có một người bạn trung thành với tôi nhất trên đời này, người ấy có thể vì tôi mà từ bỏ hết mọi của cải, mọi ân sủng quý giá nhất. Đó là mẹ tôi”.
Tôi nhớ có lần nghe Trần Tiến hát trong một sự kiện được truyền hình trực tiếp, ông thể hiện ca khúc của mình - Ngẫu hứng phố. Người nhạc sĩ già hát đến câu: “Hà Nội có lần khóc thầm, chạy lên thang gác bóng mẹ còn đâu. Hà Nội có gì rất đau, người ta yêu dấu đi không trở lại” thì ôm mặt khóc.
***
Nhật ký của mẹ do nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung sáng tác, ca sĩ Hiền Thục thể hiện, tuy ra đời chưa lâu nhưng đã được xếp vào danh sách các khúc đặc sắc về tình mẹ con. Cấu trúc giai điệu điệp lại tới 6 lần. Ca từ như lời kể tỉ mỉ về một câu chuyện dài. Nhạc sĩ Phú Quang từng nhận xét: “Bài hát này lê thê quá, nhưng ai cũng đủ kiên nhẫn để nghe nó vì Hiền Thục hát quá hay và khóc rất thật”.
Có lúc trộm nghĩ, nếu không phải vì từng sinh con trong đau đớn phụ bạc, bất chấp gian khổ, thị phi, chấp nhận hát tại các tụ điểm như ở công viên kiếm từng đồng bạc lẻ để nuôi con khôn lớn, liệu Hiền Thục có thể hát từng lời Nhật ký của mẹ đẫm nước mắt thế không?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng khẳng định, bài hát này anh viết cho riêng Hiền Thục.
Nỗi niềm của một người mẹ từ khi thai nghén 9 tháng 10 ngày, đến lúc con chào đời, rồi biết nói, biết đi, đến tuổi đi học, tuổi yêu đương, tuổi trưởng thành, tuổi vấp ngã… tất cả được ghi lại trong 6 đoạn của ca khúc. Mới mẻ thì không nhưng rất chân thật, khiến mỗi bà mẹ nghe từng lời đều thấy mình trong đó, mỗi đứa con nghe từng lời cũng thấy mình trong đó. Bất giác rơi nước mắt theo cô ca sĩ có giọng hát ngọt ngào.
“Bao ngày mẹ ngóng, bao ngày mẹ trông, bao ngày mẹ mong con chào đời. Ấp trong đáy lòng, có chăng tiếng cười của một hài nhi đang lớn dần. Mẹ chợt tỉnh giấc và mẹ nhìn thấy hình hài nhỏ bé như thiên thần. Tiếng con khóc òa, mắt mẹ lệ nhòa. Cảm ơn vì con đến bên mẹ…”.
***
Với người mẹ, đứa con luôn là một điều thiêng liêng quý giá. Lời “cảm ơn vì con đã đến bên mẹ” được mẹ nhắc đi nhắc lại, trong suốt cuộc đời của mình, nhiều lần và tha thiết. Mỗi điều ta làm, từ bé nhỏ nhất như tiếng gọi “Mẹ ơi” ngọng nghịu, cho đến những lần òa khóc tìm về lòng mẹ sau những vấp ngã trong cuộc đời, đều được mẹ nói lời cảm ơn. Lời cảm ơn ấy là tình yêu vô bờ bến và vô điều kiện mẹ dành cho con, cho đi mà chẳng bao giờ mong đáp lại. Những đứa con được sinh ra, rồi ngày kia như con chim vỗ cánh bay đi, chẳng biết nơi nào đó vẫn có tình yêu da diết hướng theo. Chỉ khi mỏi gối chồn chân, không nơi bấu víu, mới tìm về với mẹ, khóc cho thỏa những ấm ức tủi hờn. Mẹ lại mở rộng vòng tay, ôm ta vào lòng và khóc cùng ta: “Thấy con khóc òa, mắt mẹ lệ nhòa. Cảm ơn vì con đến bên mẹ”. Với mẹ, tiếng khóc của con lúc nào cũng bé bỏng, cũng vô cớ, cũng đáng được dỗ dành, nâng niu, cưng nựng như tiếng khóc lúc chào đời.
Ca khúc mở đầu bằng tiếng khóc chào đời của con và khép lại bằng tiếng khóc lúc trưởng thành. Tiếng khóc thì khác nhau mà lòng mẹ thì vẫn vậy, vẫn là “thấy con khóc òa, mắt mẹ lệ nhòa. Cảm ơn vì con đến bên mẹ”. Dù có bị nhận xét là hơi rườm lời, là “nói đi nói lại”, thì sự điệp khúc cố ý này của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vẫn thực sự đáng quý!
HÀ THANH