Góc tĩnh tâm là gì?
Khi đứa trẻ tức giận, có những cảm xúc gay gắt và không biết cách xử lý, ý tưởng về một góc tĩnh tâm (calm-down corner) xuất hiện.
Đầu tiên, bạn cần hiểu việc tạo ra góc tĩnh tâm không giống việc cho trẻ thời gian chơi, thích làm gì thì làm. Thay vào đó, đây là nơi trẻ có thể lấy lại bình tĩnh để nhận ra cảm xúc của mình đang bắt đầu mất kiểm soát.
Tiến sĩ Donna Housman, nhà tâm lý học trẻ em lâm sàng, cho biết góc tĩnh tâm có thể đơn giản là chiếc thảm mềm cùng vài chồng sách, hoặc được thiết kế cầu kỳ, lạ mắt như một lâu đài bằng cách dựng cho trẻ chiếc lều kèm đèn trang trí. "Điều quan trọng là tìm ra điều giúp trẻ cảm thấy có thể bình tĩnh và cân bằng trở lại, một không gian thoát khỏi sự hỗn loạn và ồn ào với phần còn lại của ngôi nhà", tiến sĩ Housman nói.
Nhiều người đã thắc mắc góc tĩnh tâm có gì khác so với những biện pháp giảm căng thẳng khác? Theo các chuyên gia, góc tĩnh tâm ngoài mục đích tạo ra không gian giúp vui chơi còn được thiết kế và bố trí những đồ vật thu hút sự quan tâm của trẻ, giúp trẻ không còn tập trung vào cảm xúc tiêu cực đang có. Trẻ em rất nhanh quên. Khi có thứ giúp thích thú và cần động não suy nghĩ, trẻ sẽ rất nhanh vượt qua cơn giận đang có.
Khi nào cần sử dụng góc tĩnh tâm?
Theo tiến sĩ Housman, bất cứ khi nào trẻ thấy tâm trạng không ổn đều có thể tìm đến góc tĩnh tâm. Điều quan trọng là bạn cần nhận biết hoặc giúp trẻ xác định khi nào cảm xúc của chúng không ổn. Một số biểu hiện dễ thấy nhất là nghiến răng, nắm chặt tay, la hét, nhíu mày hoặc ném đồ vật.
Ngoài ra, khi trẻ có những dấu hiệu không tôn trọng bạn hoặc phá vỡ quy tắc đã đề ra trước đó, bạn cũng cần đưa trẻ tới đây. Sở dĩ nếu tiếp tục to tiếng hoặc mắng trẻ, cố giải quyết mâu thuẫn giữa bạn và trẻ ngay lúc đó, bạn sẽ đẩy xung đột lên cao hơn. Việc trẻ tìm đến góc tĩnh tâm cũng giúp bạn bình tĩnh hơn.
Trường hợp trẻ chủ động quyết định muốn đến góc tĩnh tâm, không tiếp tục tranh cãi, bạn cũng nên tôn trọng. Bởi lẽ việc sử dụng góc tĩnh tâm là để dạy cho trẻ sự tự tin, độc lập và hiểu bản thân hơn.
Thiết kế góc tĩnh tâm cho trẻ
Nhờ trẻ lập kế hoạch: Bạn hãy lắng nghe những ý tưởng về góc tĩnh tâm của trẻ. Ngoài dựa theo sở thích, việc này còn giúp thiết kế của bạn phù hợp với chiều cao của trẻ.
Kiên định: Bên cạnh việc lắng nghe ý kiến của trẻ, bạn cũng cần có kế hoạch của riêng mình để đảm bảo kích thước của công trình cũng như chi phí thực hiện. Thông thường, góc tĩnh tâm nên đặt trong phòng của trẻ hoặc một góc của phòng sinh hoạt chung. Với những căn hộ rộng, bạn có thể thiết kế trên gác xép hoặc khoảng trống trên tầng áp mái để tạo ra một không gian đủ yên tĩnh.
Cho phép trẻ cùng thiết lập quy tắc: Vì góc tĩnh tâm còn là phương pháp dạy con, không chỉ là nơi vui chơi, bạn cũng cần xây dựng các quy tắc phù hợp. Chẳng hạn, trẻ không được ngủ ở đó qua đêm, không được dùng quá 4 lần một tuần (mục đích để giảm số lần và tần suất của trẻ trong thời gian nhất định).
Các chuyên gia gợi ý một số đồ dùng có thể bài trí trong góc tĩnh tâm, gồm: chăn, gối, ghế ngồi, nhật ký (với trẻ đã đi học), chong chóng, lego, các miếng xếp hình... Sau khoảng 30-60 phút trẻ ở góc tĩnh tâm, bạn nên nói chuyện với trẻ để xem cảm xúc hiện tại của chúng ra sao. Nếu trẻ đã bình tĩnh, bạn có thể nói về xung đột vừa qua. Khi đó, trẻ sẽ dễ tiếp thu và nhận ra sai ở đâu.
Theo vnexpress