Chị Audra Rogers đã chia sẻ lý do khuyến khích con chơi với bạn xấu tính trên Huffpost.
Tôi tin rằng hành động bắt nạt học đường thực sự tồn tại nhưng không phải trong tất cả trường hợp. Cụm từ "bắt nạt" đôi khi bị lạm dụng quá mức. Có những cuộc xung đột, cãi vã mà phụ huynh có thể cho phép các con tự giải quyết.
Giống như bất kỳ người mẹ nào, tôi không muốn con xảy ra mâu thuẫn với bạn bè xung quanh. Nhưng tôi cũng không muốn thay con tháo gỡ mọi khúc mắc dù con trai tôi rất mong mỏi điều này. Trong suy nghĩ của tôi, con phải tự hành động. Tôi yêu con đủ nhiều để cho phép cháu học cách xử lý xung đột.
Khi con tôi mới vào tiểu học, cháu phải đối mặt với vấn đề đầu tiên. Trong lớp, một cậu bé thường trêu trọc bạn bè, bị gọi là "đồ xấu tính". Nhiều bạn cùng lớp với con tôi tỏ thái độ khó chịu với người bạn này.
Từng trải qua những năm tháng đi học, tôi hiểu rằng nhiều đứa trẻ xấu tính có lý do riêng. Các em có thể phải chịu cảm giác bất lực, ức chế nhưng không thể tự giải quyết nên chuyển hóa nó bằng việc trút giận lên người ngoài. Tôi cho rằng hành vi xấu của bạn học cùng lớp con tôi có nguyên nhân từ gia đình.
Tôi muốn giúp cậu bé này thay đổi. Tất nhiên, sự an toàn của con tôi vẫn là điều tối quan trọng. Nhưng nếu cháu sẵn lòng và muốn học cách giải quyết vấn đề, tôi có thể giúp các con.
Mâu thuẫn giữa con tôi và cậu bạn liên quan đến việc thi xem ai là bạn thân nhất của một học sinh khác trong lớp. Vì cậu bạn kia không được chọn, cháu quay sang bôi nhọ, trêu chọc con trai tôi. Nhưng mọi chuyện vẫn chưa đi quá xa. Hành động này có thể do cháu buồn bực vì thiếu bạn bè chơi cùng.
Tôi dặn con trai nói với bạn rằng: "Tớ muốn làm bạn chứ không muốn gây lộn với cậu". Rồi tôi bảo con rủ bạn chơi cùng vào giờ giải lao.
Sau vài ngày thử nghiệm, hai cháu đã trở thành bạn bè. Chúng ngồi cùng nhau trên xe bus đến trường, trao đổi bài vở. Cùng với một bạn khác, cả ba gắn bó "như hình với bóng" vào giờ ra chơi.
Tôi thấy sự phấn khích ánh lên trên khuôn mặt cậu bé nọ khi con trai tôi lên xe bus. Trong tình huống này, tôi rất vui và tự hào vì đã khuyến khích con chơi cùng "người bạn xấu tính".
Dù thực tế, tôi cho rằng không đứa trẻ nào xấu tính. Các em hành động đơn giản vì bị tác động bởi hoàn cảnh.
Vài tuần sau khi trở thành bạn bè, cậu bé bị chê xấu tính kia đã nhắn nhủ con trai tôi: "Timmy, you are my BFF" (Timmy, cậu là bạn thân nhất của tớ). Tôi đã rất xúc động khi nhìn thấy mảnh giấy.
Cậu bé này cần một người bạn. Luôn có lý do sau những hành động vô cớ của trẻ. Bởi vậy chúng ta nên nhìn sâu vào gốc rễ của vấn đề thay vì hời hợt đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài hoặc hành động của họ.
Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng việc khuyến khích con làm bạn với những người bắt nạt có thể giải quyết mọi vấn đề. Nhưng trong những tình huống nhẹ, sự can thiệp từ phụ huynh và nhà trường là không cần thiết và chỉ gây ra những căng thẳng không đáng có.
Phụ huynh có thể can thiệp khi tình huống bắt nạt leo thang. Nhưng khi bọn trẻ có thể tự giải quyết, chúng ta hãy cho phép chúng được thử.
Hiềm khích giữa trẻ nhỏ có thể được hóa giải nếu các em có thể mở lòng lắng nghe và chia sẻ với nhau. Năm 2018, Aubrey Fontenot, sống tại bang Texas, Mỹ, từng được ca ngợi khi giúp con đối phó với việc bị bắt nạt ở trường.
Khi biết Tamarion, 8 tuổi, thường xuyên gây sự với con trai Jordan, Aubrey đã mời cậu bé ra ngoài nói chuyện riêng. Khi được hỏi, Tamarion thừa nhận bị các bạn khác bắt nạt vì hoàn cảnh nghèo khó. Thấy Jordan có cuộc sống đáng mơ ước, Tamarion ghen tị và gây sự với Jordan.
Sau khi biết chuyện, Aubrey đưa Tamarion đi mua quần áo mới, quan tâm như con trai mình. Anh cũng tạo trang quyên góp GoFundMe để kêu gọi ủng hộ cho gia đình Tamarion. Qua sự việc này, Tamarion và Jordan đã trở thành bạn bè thân thiết.
Theo vnexpress