Nghi lễ tắm Phật hàm chứa nhiều ý nghĩa cao siêu.
Dâng nước thơm tắm Phật từ lâu đã trở thành một nghi lễ trang trọng trong Đại lễ Phật đản. Theo truyền thuyết, Phật Tất Đạt Đa khi đản sinh đã bước đi bảy bước có hoa sen đỡ chân, cùng lúc ấy Chư thiên tung hoa trời, nổi thiên nhạc đón mừng Phật đản sinh, trên không trung có chín rồng phun nước ấm tắm cho Đức Phật.
Kể từ đó cứ mỗi độ hè về sen nở, vào ngày trăng tròn tháng tư âm lịch, Phật tử khắp nơi trên thế giới đều kỷ niệm ngày Phật đản. Các chùa long trọng làm lễ Phật đản và mở đầu bằng nghi thức tắm Phật.
Nghi lễ tắm Phật được diễn ra trong không khí trang nghiêm, với sự thành kính của những Phật tử tham dự. Ngoài ý nghĩa kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, nghi lễ tắm Phật mang ý nghĩa gột rửa những bụi bặm, phiền não, tham - sân - si, giúp con người thanh tịnh và hướng đến những điều lương thiện.
Bàn về ý nghĩa của nghi lễ tắm Phật, Sư thầy Thích Đàm Cúc (trụ trì chùa Khánh Ly, thôn Vỹ Khách, xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) chia sẻ trên Báo Gia đình & Xã hội: "Tắm Phật trong ngày lễ Phật đản là để những người con Phật tưởng nhớ kỷ niệm ngày Đức Phật ra đời. Ngài đã mang ánh sáng chân lý soi rọi vào cuộc sống, xóa tan những nỗi khổ niềm đau. Tắm Phật là tắm những phiền não ở trong lòng, gột rửa đi những sân hận để cho tâm được thanh lương mát mẻ hướng đến một đời sống an lạc".
Ni sư Thích Diệu Mơ – Trưởng Ban trị sự GHPG huyện Kinh Môn (Hải Dương), trụ trì chùa Nhẫm Dương cho rằng: "Tắm Phật là nghi thức tưới nước thơm lên tượng Phật sơ sinh, ngoài mục đích kỷ niệm Phật đản sinh còn mang ý nghĩa sâu sắc về sự tẩy trừ phiền não, hướng đến thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu ý của con người".
Theo dòng lịch sử của dân tộc, nghi lễ tắm Phật và Đại lễ Phật đản trở thành nét sinh hoạt tâm linh cao đẹp của người Việt. Với lòng tôn kính Đức Phật, mỗi một Phật tử khi thắp một nén nhang, dâng một cành hoa, hay dội những nước thơm tinh khiết lên tượng Phật, đều chung một tâm niệm hướng đến những việc thiện, không làm điều ác để thân tâm được thanh tịnh và nhẹ nhàng.
Theo Thời Đại