Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng nổi tiếng với màn xiếc trăn. (Ảnh: NVCC)


Lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, chị Nguyễn Thùy Dương (1987) nhanh nhẹn xếp những hộp nem rán vào túi để chồng chị là anh Hoàng Đức Thắng (1982) đi giao hàng cho khách kịp bữa cơm chiều.

Nhìn đôi vợ chồng mướt mải mồ hôi xếp đồ lên xe, ít ai biết rằng họ là cặp nghệ sỹ nổi tiếng của Liên đoàn xiếc Việt Nam, từng tỏa sáng trên các sân khấu thế giới với tiết mục đu dây lụa đôi.

Họ đã dành nhiều tâm huyết, tập luyện nhiều tháng trời để chuẩn bị bước vào mùa hè, mùa sôi động các chương trình xiếc thiếu nhi. Vậy mà những ngày cuối tháng 4, dịch COVID-19 lại một lần nữa bùng phát tại Hà Nội, rạp xiếc đóng cửa. Thu nhập của họ bị ảnh hưởng ngay lập tức, đôi vợ chồng trẻ tìm cách xoay sở để đảm bảo đời sống cho gia đình nhỏ.

Dừng biểu diễn, nghệ sỹ buồn vô hạn

Theo công văn khẩn cấp của Thành ủy Hà Nội ngày 27/4, tất cả các chương trình văn hóa nghệ thuật đều phải hoãn hủy, tăng cường phòng dịch. Hàng loạt chương trình biểu diễn của các nhà hát đều phải ngừng lại, dù các nghệ sỹ đã chuẩn bị rất kỹ để phục vụ công tác tuyên truyền và phục vụ công chúng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Liên đoàn xiếc Việt Nam phải hủy chương trình rất quan trọng là Gala Xiếc 3 miền, quy tụ nghệ sỹ từ nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng, phó Giám đốc Liên đoàn, cho hay anh và tất cả các nghệ sỹ đều cảm thấy vô cùng hụt hẫng.

Chia sẻ với phóng viên Báo VietnamPlus, anh cho biết đến tận thời điểm này vẫn còn cảm thấy chênh vênh, thất vọng.

“Chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn rất khó khăn năm 2020. Năm nay, anh em nghệ sỹ đang rất phấn khởi tập luyện cho nhiều dự án mới như vở cải lương kết hợp xiếc ‘Thượng Thiên Thánh Mẫu,’ chương trình Gala Xiếc 3 miền, chương trình ‘Đi cùng năm tháng’ tri ân các anh hùng liệt sỹ sẽ diễn ra vào tháng 7, đặc biệt là chương trình phục vụ thiếu nhi dịp hè. Vậy mà dịch bùng phát, mọi kế hoạch phải dừng lại. Chúng tôi có cảm giác như mình đang cố gắng đứng dậy thì lại bị quật ngã thêm một lần nữa,” anh xúc động.

“Bản thân tôi cảm thấy buồn muốn khóc khi nghe tin dịch lại bùng phát và tôi tin nghệ sỹ xiếc nói riêng và nghệ sỹ ngành nghệ thuật biểu diễn nói chung đều cảm thấy như vậy,” nghệ sỹ Tống Toàn Thắng chia sẻ.

Anh lý giải đó là sự tiếc nuối của một người nghệ sỹ khi tâm huyết, sáng tạo của mình không được thể hiện, không được phục vụ khán giả đồng thời là sự lo lắng về thu nhập bị sụt giảm, cuộc sống trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với những nghệ sỹ có con nhỏ.

Lãnh đạo Liên đoàn vẫn động viên nghệ sỹ tiếp tục tập luyện, bởi nghề xiếc rất gian khổ, nếu dừng tập thì chỉ sau 2 tuần, cơ thể sẽ mất đi độ mềm dẻo, linh hoạt.

Liên đoàn hỗ trợ nghệ sỹ bằng việc tổ chức nấu ăn bữa trưa cho các nghệ sỹ có lịch tập. Ít ra họ cũng giảm bớt một chút lo toan về dinh dưỡng, có thể yên tâm tập luyện.

Ý tưởng này cũng đã được lãnh đạo Nhà hát kịch Hà Nội thực hiện trong mùa dịch năm 2020. Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát, cho biết anh hết sức cảm thông với hoàn cảnh các nghệ sỹ.

“Hiện nay đội ngũ nghệ sỹ có biên chế của Nhà hát chỉ có 30 người, ngoài ra là các nghệ sỹ trẻ mới vào nghề, nghệ sỹ hợp đồng. Nhà hát Kịch Hà Nội là đơn vị sự nghiệp có thu, nghĩa là thu nhập của nghệ sỹ phụ thuộc rất nhiều vào việc tổ chức chương trình. Không được biểu diễn đồng nghĩa với việc thu nhập sụt giảm ngay lập tức,” anh cho biết.

Nghệ sỹ nhân dân Trung Hiếu cùng lãnh đạo nhà hát đã vận động mọi người hỗ trợ lẫn nhau, tổ chức bếp ăn trưa cho các nghệ sỹ, đó là sự giúp đỡ thiết thực về đời sống và sự động viên lớn lao về tinh thần trong bối cảnh hết sức khó khăn của ngành nghệ thuật biểu diễn.

Nhọc nhằn mưu sinh

Cặp vợ chồng nghệ sỹ xiếc Thùy Dương và Đức Thắng vẫn chăm chỉ tập luyện hàng ngày cùng anh chị em trong Liên đoàn. Ngoài ra, chị Thùy Dương làm đồ ăn bán online để có thêm đồng ra đồng vào nuôi hai con nhỏ sinh năm 2010 và 2019.

Vợ chồng nghệ sỹ Hoàng Đức Thắng và Nguyễn Thùy Dương. (Ảnh: NVCC)

 

“Nếu không vướng dịch có thể biểu diễn thì thu nhập hai vợ chồng cũng tạm ổn. Tuy nhiên, thời điểm này thì đồng lương không thể đủ để trang trải cuộc sống của một gia đình. Chúng tôi phải xoay xỏa tìm việc làm thêm, mặc dù biết rằng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời chứ không thể giúp kinh tế gia đình khá hơn được,” chị Dương chia sẻ.

Chịu khó làm lụng lại nấu ăn ngon, chị Dương làm nem rán và vài món ăn gia đình để bán cho các bà nội trợ bận rộn. Anh Thắng cũng rất chịu khó giúp vợ ship hàng.

“Chồng tôi là người chăm chỉ chịu khó, biết giúp đỡ vợ việc nhà, kể là lúc không có dịch. Lúc đông khách quá, anh cũng xắn tay áo, vào bếp rán nem giúp vợ,” chị tâm sự.

Chị Dương vui vẻ khen chồng là “shipper nhiệt tình nhất Vịnh Bắc bộ," bất kể sáng sớm hay giữa trưa nắng, hễ có đơn hàng là anh sẵn sàng đi giao ngay cho khách.

Hai vợ chồng cùng nghề nên có sự thấu hiểu và cảm thông cho nhau, đặc biệt là trong hoàn cảnh khó khăn này.

Một cặp vợ chồng khác của Liên đoàn xiếc là chị Dương Quyên và anh Lê Minh Sinh - cặp nghệ sỹ thường được biết đến với tiết mục dây da đôi. Họ cùng học ở trường xiếc từ năm 12 tuổi, cùng vào Liên đoàn xiếc và nên duyên cùng nhau.

Ông bà ở quê có đàn gà, vườn rau sạch, thường gửi lên thành phố để cho cặp vợ chồng bán hàng online có thêm thu nhập. Ngoài ra, chị Quyên cũng dạy thêm bộ môn yoga bay cho chị em phụ nữ. Hiện nay, trung tâm yoga đóng cửa, chị vẫn duy trì dạy online cho học viên.

“Chúng tôi đã tập ngày tập đêm, dành nhiều thời gian cho chương trình nhưng lại không có cơ hội biểu diễn. Cảm giác là rất hụt hẫng, bên cạnh đó, chúng tôi cũng lo lắng về thu nhập của mình,” chị Quyên chia sẻ.

Chị Dương Quyên dạy yoga để kiếm thêm thu nhập. (Ảnh: NVCC)


Chị nói thêm rằng hiện nay các nghệ sỹ đều phải nhọc nhằn mưu sinh bởi họ hiểu rằng Liên đoàn cũng rất khó khăn khi không có nguồn thu, không thể “bao cấp” được tập thể nghệ sỹ.

“Lãnh đạo Liên đoàn rất quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Khi đến tập thì nghệ sỹ được lo bữa trưa, các bạn trẻ có hoàn cảnh khó khăn được bố trí chỗ ở trong khu nhà tập thể của Liên đoàn. Trước đây chúng tôi cũng ở đó đến khi xây dựng gia đình thì mới chuyển đi,” chị tâm sự.

Hai vợ chồng cùng là nghệ sỹ xiếc nên họ thường phải mang con đi cùng và thay phiên nhau trông. Lúc hai người cùng có một cảnh thì nhờ các anh chị khác trong đoàn trông hộ.

“Nhiều khi tập chương trình đến nửa đêm, thấy con nhỏ cứ vật vờ, tôi cũng thấy xót ruột lắm. Hai vợ chồng cùng nghề cũng có những nỗi vất vả chung như vậy,” chị Quyên nói.

Chị Quyên nói thêm rằng xiếc là ngành nghề vất vả, tuổi nghề ngắn, nhưng các nghệ sỹ vẫn rất yêu công việc của mình. Tìm việc làm tay trái chỉ là giải pháp tình thế, họ vẫn luôn muốn được cống hiến những màn biểu diễn đặc sắc cho khán giả, muốn kiếm tiền bằng lao động sáng tạo của mình.

Nghệ sỹ nhân dân Tống Toàn Thắng hiểu những khó khăn của họ. Anh cho hay đang bàn bạc, tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho nghệ sỹ.

“Chúng tôi đang đề xuất phối hợp với các đài truyền hình để tổ chức biểu diễn ghi hình rồi phát sóng trên màn ảnh nhỏ, như vậy nghệ sỹ vẫn được diễn và vẫn có thêm thu nhập,” anh cho biết...

Theo Vietnamplus