Đa Đa (tên thật Hà Nghị Đức), sinh năm 2008, sống ở thành phố Nam Kinh mới tái xuất trong chương trình "Who's Still Standing" (Người đứng vững) của đài truyền hình Giang Tô.

                      Đa Đa phải chạy trong tuyết lạnh -13 độ C tại New York khi mới 4 tuổi. Ảnh:sina.

Cách đây 8 năm, câu chuyện về việc dạy con của bố mẹ Đa Đa từng gây xôn xao dư luận Trung Quốc khi Đa Đa mới 4 tuổi, bị bố bắt cởi trần chạy dưới trời âm 13 độ. Trong video người cha Hà Lý Sinh đăng lên mạng, dù con trai khóc lóc van xin nhưng ông bố vẫn yêu cầu tiếp tục chạy, không được nghỉ. Suốt chặng đường, ngoài lời cổ vũ, ông còn nói với con: "Khi đại bàng non đủ lớn, đại bàng mẹ sẽ ném con xuống vách đá để chúng phải tự đập cánh. Bố đang thử sức để con có thể tự bay trên đôi cánh của mình".

Lên 5 tuổi, Đa Đa được bố dạy học lái máy bay cỡ nhỏ và cậu có thể một mình bay qua công viên động vật hoang dã ở Bắc Kinh. Cũng trong năm này, ông Hà còn bắt con đi bộ 1.800 km qua sa mạc và dạy con tự chèo thuyền ra biển lớn. Từ những bài tập khắc nghiệt của bố, dù còn nhỏ nhưng Đa Đa đã giành được nhiều kỷ lục thế giới như: Phi công trẻ nhất thế giới, Thủy thủ trẻ nhất thế giới... Cậu bé cũng đạt giải quán quân cuộc thi Chương trình bàn tính và số học IQ trên toàn Trung Quốc, khi mới 5 tuổi. Thời điểm đó, Đa Đa được mọi người gọi với biệt danh thiên tài.

Ông Hà Lý Sinh luôn hy vọng con trai sau này trở thành doanh nhân xuất sắc: "Khi đứa trẻ khác đang ngồi học thì Đa Đa đã trở thành một chuyên gia kinh tế giỏi", người cha hy vọng như vậy.

Để đạt được mục tiêu, ông Hà đã xây dựng một kế hoạch giáo dục rất chi tiết. Tiểu học và trung học, Đa Đa học tại nhà với chương trình do chính ông tự biên soạn và dạy con. Cậu bé phải thức dậy lúc 5h30 và đi ngủ lúc 20h30. Mỗi ngày đều có 14 tiết học, 7 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều và 2 tiết buổi tối. Ở "trường học" này, Đa Đa được học một số môn "lạ" so với trẻ em Trung Quốc cùng tuổi như môn "Điện thoại thông minh", dạy học sinh về phần mềm của điện thoại hay "Thiền để vẽ tranh" - học sinh được bịt mắt và cho nghe nhạc, sau đó chúng sẽ vẽ tranh bằng trí tưởng tượng của mình.

"Mục tiêu của tôi là để Đa Đa hoàn thành chương trình tiểu học và trung học trong vòng 6 năm. Đến năm 13 tuổi có thể theo học chương trình đại học", ông bố 52 tuổi khẳng định.

Năm 8 tuổi, Đa Đa ghi danh theo học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh, chuyên ngành quản lý nhân sự theo phương pháp tự học và tốt nghiệp năm 2020, khi mới 12 tuổi. Tuy nhiên do quy định tuổi tác, cậu không được nhận tiếp vào các khóa chuyên sâu sau đại học, như mong muốn trước đó của người cha.

Đa Đa nhận được chứng chỉ hoàn thành chương trình học khoa Quản lý bán hàng của Đại học Nam Kinh theo phương pháp tự học năm 2020. Ảnh: qq.

Chính vì lý do này, mẹ của Đa Đa là Hà Long lo lắng những lựa chọn quyết liệt, mang tính độc đoán của chồng sẽ phản tác dụng với sự phát triển của con trai.

Ví dụ, trước việc chồng yêu cầu con tham gia chương trình truyền hình và trả lời phỏng vấn báo đài "để nhiều người biết tới phương pháp Giáo dục đại bàng hơn", Hà Long đã phản bác. "Chắc chắn thể chất và tinh thần của Đa Đa sẽ bị ảnh hưởng bởi áp lực truyền thông đem lại", người mẹ nói. Cô cũng phát hiện ra, càng lớn, con trai càng không bộc lộ suy nghĩ thật của mình.

Sự khác biệt trong giáo dục dẫn đến những cuộc cãi vã không ngừng giữa hai bố mẹ - từ việc ăn uống, ngủ nghỉ cho đến việc học hành. Hà Lý Sinh luôn mong muốn thay đổi được vợ. Ông cảm thấy kỳ vọng của vợ với các con là "quá tầm thường".

"Cách giáo dục vừa phải, an toàn chỉ cho ra đời những con gà bông chứ không thể mang đến đại bàng", ông nói. Bởi vậy khi nhìn thấy vợ chải đầu cho con gái, Hà phàn nàn cô quá nuông chiều và cản trở khả năng tự chăm sóc của trẻ.

"Tôi thường nghe một lý thuyết được hầu hết mọi người công nhận là nên để trẻ tìm thấy tự do của chính mình và để chúng nói về hạnh phúc. Đó thực sự là thuyết không tưởng", ông bố hai con nêu quan điểm. Người đàn ông này tin rằng, có nhiều phụ huynh vắng mặt khi con cái cần họ: "Trẻ thì có tự do gì, chúng chẳng biết cái gì. Lúc cần phải giáo dục, huấn luyện trẻ thì bố mẹ lại chỉ đứng quan sát. Đến khi phát hiện điều gì đó bất ổn mới bắt tay vào dạy dỗ, lúc đó quá muộn rồi".

Với Hà Long, cô luôn mệt mỏi mỗi khi chồng cằn nhằn lo lắng, còn với Hà Lý Sinh, câu cửa miệng khi ở nhà luôn là: "Nếu không huấn luyện, sợ không kịp nữa".

Bốn mươi tuổi mới lần đầu làm bố, Hà Lý Sinh - vốn là giám đốc một công ty dệt may tư nhân ở thành phố Nam Kinh- cho rằng dù sự nghiệp thành công đến đâu cũng không bằng chăm lo con cái. Để làm được nhiều hơn thế, người đàn ông này đã từ bỏ công việc gắn bó nhiều năm và dành hết tâm sức cho sự nghiệp giáo dục. Giờ đây, Đa Đa đã lớn, ông muốn nhân rộng phương pháp "Giáo dục đại bàng" ra nhiều tỉnh thành.

Hà Long hiểu rằng chồng rất vất vả, nhưng vẫn mong anh trở lại công việc cũ bởi "cứ tiếp tục thế này thì ai cũng khổ". Người phụ nữ nhận ra con trai Đa Đa hiểu chuyện và trưởng thành hơn các bạn cùng trang lứa nhưng cô vẫn hy vọng cậu bé có thể sống như một đứa trẻ bình thường, được cười đùa vui chơi với các bạn thay vì phải chịu những bài luyện tập khắc nghiệt.

                     Đa Đa khi còn nhỏ cùng bố mẹ và em gái Hàm Hàm. Ảnh: qq.

Đối mặt với người chồng độc đoán, việc Hà Long có thể làm là yêu cầu để con gái thứ hai Hàm Hàm được đến trường cùng bạn bè, điều này khiến cô cảm thấy thoải mái. Người phụ nữ này cũng nhiều lần hỏi chồng: "Anh đã rất nghiêm khắc và thường xuyên ép buộc con. Điều gì xảy ra nếu một ngày Đa Đa lớn lên và có khả năng chống lại bố".

"Không quan trọng, anh chỉ nuôi đến 18 tuổi, sau đó tự lực cánh sinh. Nếu Đa Đa không nghe lời, anh sẽ không làm huấn luyện viên của con nữa", Hà đáp nhưng người vợ tin rằng 'ông bố đại bàng' này sẽ còn can thiệp rất nhiều vào cuộc sống của con: "Anh ấy đã quá quen như thế".

Đa Đa 12 tuổi, mỗi ngày mỗi lớn. Hà Long kể, trước đây khi con không nghe lời, cô đều răn: "Là trẻ con phải biết nghe lời người lớn". Năm nay Đa Đa còn cao hơn mẹ. Cậu bé giờ lại nói: "Từ giờ mẹ phải nghe lời con, bởi con không còn là trẻ con nữa".

Theo vnexpress